Thứ bảy, 20/04/2024 05:38 (GMT+7)

Cựu quan chức 'chây ì' trả nhà công vụ

MTĐT -  Thứ ba, 21/04/2020 16:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng nếu ai không chấp hành, thì thực hiện cưỡng chế, nhà dân đã làm rất nhiều rồi, nên nhà công sản này cũng cứ thực hiện như vậy.

Bộ Xây dựng vừa ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Điều đáng nói, thông báo đòi nhà đã được Bộ Xây dựng gửi tới 12 cựu quan chức này từ 2-3 lần nhưng họ vẫn chưa trả lại nhà công vụ.

Liên quan đến vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo điện tử VTC News.

- Ông đánh giá thế nào về việc 12 cựu quan chức - những người từng nắm những vị trí lãnh đạo cao cấp, nắm rõ về luật pháp nhưng lại "chây ì" không chịu trả nhà?

Đây là một hành động rất đáng xấu hổ. Về mặt ý thức chấp hành quy định là rất kém, thể hiện ý đồ tư lợi.

Tôi cho rằng cần đánh giá lại lúc bổ nhiệm đúng hay chưa? Đặc biệt phải xem lại đạo đức người được bổ nhiệm. Từ đó, rút kinh nghiệm cho những lần bổ nhiệm sau, để những quan chức được cấp nhà công vụ khi về hưu tự ý thức trả lại nhà.

- Trước đó, trả lời trên báo chí, nhiều cựu quan chức từng “chây ỳ” trả nhà có nói rằng: "Không ai đòi nhà và cũng không biết trả ai?".Thậm chí có người còn cho con cái ở. Ông nghĩ sao về điều này?

Về nguyên tắc, không còn ở cương vị đó nữa thì phải trả lại nhà, không có bất cứ lý nào biện minh được. Còn tất nhiên khi xử lý thì phải xử lý cho công bằng, không thể xử lý trường hợp này lại không xử lý trường hợp khác.

Cựu quan chức 'chây ì' trả nhà công vụ: Không chấp hành thì thực hiện cưỡng chế - 1
GS. Đặng Hùng Võ

GS. Đặng Hùng Võ

Về mặt nhà nước phải công bằng và cương quyết làm, cương quyết xử lý. Nếu không người dân nhìn vào sẽ rất bất tiện, họ cho rằng thu hồi đất của dân thì cưỡng chế ngay lập tức, thế nhưng quan chức không thấy cưỡng chế.

Còn bản chất, việc thu hồi này là như nhau. Người nghỉ hưu phải trả lại nhà là đương nhiên, nhà nước cũng phải thu hồi và thu hồi như nhà dân.

- Đòi nhà công vụ nhiều lần nhưng bất thành, liệu có phải các cơ quan chức năng đang quá nhân nhượng với các cựu quan chức này?

Tôi cho rằng không phải nhân nhượng, mà thể hiện chủ nghĩa thân hữu. Tức là trước đây quen thân nhau, từng làm việc với nhau nên giờ không dám ráo riết quá.

Chúng ta phải hiểu thân nhau ở nhà, nhưng việc nhà nước là việc nhà nước. Đây là 2 việc khác nhau.

Chúng ta hay lẫn lộn việc riêng công với việc tư. Đây là sự nhập nhèm rất đáng trách của mối quan hệ quản lý hiện nay.

- Vậy theo ông, có phải chế tài xử lý hiện nay chưa thực sự nghiêm?

Chúng ta có chế tài xử lý nhưng vấn đề là có muốn làm hay không thôi. Giống như thu hồi nhà đất của dân, thì với quan chức cũng vậy. Thay vì ra thông báo nhắc nhở thì ban hành quyết định hành chính thu hồi lại tài sản công sản nhà nước.

Nếu ai không chấp hành, thì thực hiện cưỡng chế. Nhà dân chúng ta đã làm rất nhiều rồi, nên nhà công sản này cũng như vậy, không có gì khó cả.

Tôi cũng cho rằng, việc các cơ quan thông báo lần 1, lần 2, xong không thực hiện lại ý kiến tiếp dễ khiến người vi phạm "nhờn luật".

- Việc quan chức về hưu vẫn ở nhà công vụ có phải là 1 hình thức lãng phí tiền của của người dân không thưa ông?

Quan chức đã về hưu vẫn còn tiếp tục được ở nhà công vụ, cũng những người dân vẫn đang phải tiếp tục chi trả cho những người chẳng còn cung cấp dịch vụ gì cho mình nữa cả.

Ngoài ra, nhà công vụ là làm từ tiền ngân sách, từ tiền đóng góp của người dân. Vì vậy, trong khi người dân phải mua nhà ở trên thị trường, thậm chí phải mua nhà giá rẻ, nhà ở xã hội, thì sao quan chức lại được đặc quyền thế?

Tôi cho rằng, quan chức cũng phải làm như người dân, là tự mình đi mua nhà. Không có tiền ở chung cư cao cấp thì mua nhà xã hội. Quan chức phải gương mẫu hơn người dân.

- Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng, đối với những quan chức về hưu vẫn không chịu trả nhà công vụ, cần công khai tên tuổi tại địa phương và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Đấy là một trong các cách thức mà ngân hàng thế giới hiện nay đang áp dụng. Đây là 1 trong những biện pháp tốt để người vi phạm thực hiện.

Không chỉ công khai tại các bảng tin ở địa phương, mà thậm chí lập hẳn một website lấy tên là "những cán bộ không trả nhà".

Làm như vậy họ sẽ tự biết xấu hổ mà trả lại nhà. Câu chuyện hiện nay là chúng ta cứ im ỉm làm với nhau, chưa đánh động vào danh dự. Nhưng đã bêu tên lên thì câu chuyện danh dự sẽ trở thành chuyện lớn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Châu Anh/ VTC News

Bạn đang đọc bài viết Cựu quan chức 'chây ì' trả nhà công vụ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...