Thứ sáu, 19/04/2024 13:38 (GMT+7)

Đại lễ Vu lan 2019: Hoạt động chung tay bảo vệ môi trường

MTĐT -  Chủ nhật, 11/08/2019 10:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mùa báo hiếu năm nay hướng tới nghi lễ trang nghiêm, văn minh, tránh mê tín dị đoan.

Theo đó, các Ban Trị sự Phật giáo cả nước tổ chức lễ Vu Lan không đốt vàng mã, không cúng lễ, thu tiền, không ảnh hưởng đến không gian công cộng, tích cực tham gia các chương trình từ thiện và chung tay bảo vệ môi trường.

Bỏ tập tục đốt vàng mã, phải hiểu đúng tùy tâm và sắm lễ

Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, sau công văn 031/CV-HĐTS ban hành tháng 2/2018 đề nghị loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo, việc đốt vàng mã tại các chùa đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề có thể chấm dứt được trong một sớm một chiều.

Thông tư 223/TT-HĐTS mới đây của GHPGVN có hướng dẫn các nội dung tổ chức Đại lễ Vu Lan, trong đó nhấn mạnh đề nghị không đốt, cúng vàng mã, thay vào đó nên thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người nghèo khổ, để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ.

Đại lễ Vu Lan 2019: Hướng tới sự trang nghiêm, văn minh, tránh mê tín dị đoan. Ảnh minh họa

"Thực tế là khi người dân mang vàng mã đến chùa, các tăng ni không thể cấm được. GHPGVN đề nghị các tăng ni nêu cao ý thức, có trách nhiệm vận động người dân từ bỏ tập tục này, bảo đảm nghi lễ trang nghiêm, tiết kiệm không làm ảnh hưởng đến văn hóa tốt đẹp trong mùa Vu Lan báo hiếu. Nếu xảy ra hiện tượng đốt vàng mã trong các chùa thì trụ trì là người chịu trách nhiệm", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

GHPGVN không đồng ý với việc các chùa tổ chức cúng lễ thu tiền mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp chính pháp, với nghi lễ truyền thống, Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định.

Tinh thần của nhà chùa là phục vụ nhân dân. Trên thực tế, nhiều người dân có nhu cầu nhờ nhà chùa sắm lễ cho gia đình họ trong các khóa lễ cầu an, cầu siêu, hằng thuận…

Tăng ni có trách nhiệm vận động người dân từ bỏ tập tục đốt vàng mã. Ảnh minh họa

Chẳng hạn Phật tử muốn làm cơm chay thì chùa có nhà bếp, có người chấp tác, có các chư tăng, ni giúp đỡ. Họ nhờ nhà chùa mua thêm các loại thực phẩm, hoa quả làm lễ thì phải gửi tiền cho nhà chùa. Chúng tôi không xem đó là dịch vụ, nhưng cũng không phải là tùy tâm, không nên nhìn nhận một cách phiến diện, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Những việc nên làm trong mùa Vu Lan

Mùa Vu Lan là dịp để những người con thể hiện lòng hiếu thảo, tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ, tổ tiên. Hãy thể hiện sự hiếu đạo với cha mẹ bằng tình cảm và những hành động cụ thể, chứ đừng để đến khi cha mẹ qua đời mới đi làm lễ, dâng cúng mâm cao cỗ đầy.

Đối với những người kém may mắn, cha mẹ đã qua đời, mùa Vu Lan báo hiếu là dịp để những người con làm lễ cầu siêu, làm phúc, hồi hướng công đức cho người quá cố.

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN. Ảnh: GHPGVN

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, trong xã hội hiện nay, có nhiều người sử dụng vật chất thái quá, cúng lễ cho tổ tiên nhưng mang tính chất đổi chác, cầu mong tư lợi. Hiện nay, nhiều người quan niệm cúng lễ phải mâm cao cỗ đầy, lễ càng to càng tốt. Tuy nhiên, theo giáo lý nhà Phật, cúng lễ nên chay tịnh, tránh việc sát sinh, quan trọng là ở tấm lòng thành của mỗi người.

Bên cạnh việc bày tỏ tình cảm với cha mẹ, tổ tiên theo đúng tinh thần Phật dạy, có nhiều việc mà mọi người có thể làm để mang lại sự tốt đẹp cho xã hội như quan tâm chăm lo các gia đình thương binh liệt sĩ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, ấn tống kinh sách...

Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết thêm, GHPGVN đã và đang tích cực vận động tăng ni, Phật tử tham gia hiến máu tình nguyện, đăng ký hiến tạng cứu người. Tại chùa Giác Ngộ (TP HCM), qua vận động có hàng trăm người đăng ký hiến tạng. Vào ngày 4/8, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội) đã tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện, đăng ký hiến tạng của hơn 600 tăng ni, Phật tử. Đây cũng là một hoạt động nhân đạo, thiết thực trong mùa Vu Lan năm nay.

Hơn 600 tăng ni, phật tử đăng ký hiến máu và hiến mô, tạng trong mùa Vu lan 2019. Ảnh: Nguoiduatin

Đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp này của Chư tôn đức lãnh đạo và các tăng ni sinh, phật tử Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Trải qua hơn 2.000 năm đạo Phật hiện diện tại nước ta, Phật giáo đã hoà nhập cùng dân tộc trên con đường xây dựng tịnh độ nhân gian, giáo lý đạo Phật đã thấm vào lòng người để tinh thần từ bi, chia sẻ với cộng đồng được lan toả. Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc, đem tinh thần từ bi vô ngã, vị tha để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục duy trì và nhân rộng hoạt động rất có ý nghĩa này ở tất cả các cơ sở Phật giáo trên cả nước.

Phó Thủ tướng cũng kêu gọi các cơ sở Phật giáo trên cả nước phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp, ngành Y tế tham gia tổ chức cho các tăng ni, phật tử tham gia hiến máu nhân đạo, đăng ký hiến tặng mô, tạng; Các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, xã hội để lan toả tình yêu thương, sự sẻ chia giữa con người với con người về việc hiến máu, hiến tặng mô, tạng theo đúng tinh thần thông điệp “cho đi là còn mãi”.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Đại lễ Vu lan 2019: Hoạt động chung tay bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?