Thứ sáu, 26/04/2024 04:37 (GMT+7)

Đề nghị phạt nặng người đổ ra đường trong thời gian cách ly xã hội

MTĐT -  Thứ năm, 09/04/2020 10:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khoảng 2 – 3 ngày nay, khắp nơi, đường phố Hà Nội trở nên đông đúc hơn, người người đổ ra đường nhiều hơn. Tâm lý chủ quan này đang gây ra mối đe dọa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Từ ngày 1/4, cả nước bước vào 15 ngày cách ly xã hội để chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Phần lớn người dân đều nghiêm túc thực hiện khuyến cáo của cơ quan chức năng; hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, tất cả các dịch vụ không cần thiết đều đóng cửa.

Thế nhưng, khoảng 2 - 3 ngày gần đây, “kỷ luật” trên đang dần mất đi. Khắp nơi, đường phố trở nên đông đúc hơn, người người đổ ra đường nhiều hơn. Tâm lý chủ quan này đang gây ra mối đe dọa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Người dân bắt đầu tập trung đông đúc tập thể dục. Ảnh: Trí thức trẻ.

Bắt đầu từ sáng 7/4, đường phố Hà Nội bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Dù Chỉ thị 16 của Thủ tướng khuyến cáo mọi người dân ở trong nhà, chỉ được ra ngoài trong các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, mua thuốc men, mua lương thực, thực phẩm...

Từ ngày 4/4, chính quyền Hà Nội bắt đầu xử phạt những người đi ra ngoài đường trong trường hợp không thật sự cần thiết, để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Tuy nhiên, sau gần 1 tuần phố xá vắng tênh, đến ngày 7/4, trên nhiều tuyến phố Hà Nội, người và xe lại qua lại nhộn nhịp như chưa có lệnh “cách ly xã hội”.

Cũng tại Hà Nội, nhiều ngày qua, bất chấp lệnh cách ly xã hội, vào các buổi sáng và chiều tối, nhiều người dân Hà Nội ra các đường đi bộ dọc đường Láng, ven sông Tô Lịch để tập thể dục.

Nhiều người tập thể dục ven sông Tô Lịch trong ngày 7/4. Ảnh: Báo Thanh niên.

Truyền thông báo chí cũng phản ánh tại các công viên Hà Nội đã đóng cửa tạm ngừng hoạt động, nhiều người dân vẫn trèo rào, vượt tường để vào, nhưng bị lực lượng chức năng nhắc nhở.

Thay vào đó, nhiều người dân gồm cả già, trẻ tìm đến những khu vực khác như ngoài đường để rèn luyện thể thao.

Khi được hỏi tại sao biết chỉ thị của thành phố mà vẫn ra ngoài, nhiều người cho biết do ở trong nhà cả ngày trời, bí bách nên tranh thủ một chút buổi chiều tối ra đường tập thể dục cho thoáng, khỏe người...

Chia sẻ với báo Thanh niên, ông Nguyễn Minh Long (65 tuổi, trú tại quận Đống Đa) cho biết, trước khi có dịch Covid-19, ông và một số người cao tuổi thường ra đây để đi bộ hàng ngày.

Từ khi có dịch và nhà nước yêu cầu người dân hạn chế ra đường, ông Long cũng ở nhà. Tuy nhiên, khoảng 4 ngày gần đây, thấy mọi người lại đi tập thể dục rất đông nên ông Long cũng ra đây đi bộ, sau nhiều ngày ở nhà.

“Thấy người ta chạy đông nên tôi ra đi bộ vài vòng cho khỏe, nếu lực lượng chức năng nhắc nhở thì về, nhưng đến giờ chưa thấy ai nhắc”, ông Long nói chiều 7/4.

Chiều 7/4, một lãnh đạo Công an phường Láng Thượng (quận Đống Đa) cho biết, sau khi nhận được phản ánh từ phóng viên, ngày 8/4, đơn vị sẽ cho lực lượng đến kiểm tra, nhắc nhở và tuyên truyền để người dân không tụ tập.

Chiều 8/4, tại nhiều tuyến phố ven hồ như Hồ Đắc Di, Thanh Niên, Láng..., rất đông người dân đã đến đây để cùng nhau tập thể dục. Những tuyến phố này đều bố trí các biển báo hoặc băng rôn nhắc nhở về chỉ thị giãn cách xã hội tuy nhiên mọi người dân đều phớt lờ.

Trên vỉa hè, hàng chục người già trẻ nhỏ vô tư đi lại, trò chuyện, đa số đều đeo khẩu trang nhưng vẫn có những người lại không hề có biện pháp phòng vệ nào. Đáng chú ý, dù có lực lượng chức năng phát loa nhắc nhở, vận động về nhà để đảm bảo sức khoẻ, rất nhiều người chỉ chấp hành chống đối rồi sau đó lại quay lại tiếp tục hoạt động thể dục, thể thao khi lực lượng chức năng đi nơi khác.

Trao đổi với VTCNews, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyên mọi người nên thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ. Hiện có người tâm lý chủ quan, sau một vài ngày cách ly xã hội tốt lại đổ ra đường.

Để giải quyết vấn đề này, theo bác sĩ Hà, cơ quan chức năng nên có những biện pháp mạnh tay hơn nữa. Song song với việc tuyên truyền, nhắc nhở, phạt tiền có thể có những biện pháp khác, thậm chí phạt thật nặng những người có tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh. Có như vậy mới đủ sức răn đe.

Người dân nên hiểu rõ và yên tâm rằng, việc cách ly là đảm bảo an toàn cho chính họ. Để đi đến quyết định cách ly Chính phủ, các chuyên gia phải nghiên cứu, tính toán rất kỹ với nhiệm vụ cao nhất là bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Do vậy chúng ta cần bình tĩnh, tin tưởng, không chủ quan. Còn cách ly trong bao lâu, có kéo dài thời gian hay không còn phụ thuộc rất nhiều tình hình dịch bệnh.

Trước đó, ngày 6/4, tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề xuất Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xét kéo dài thời gian áp dụng giãn cách xã hội đến hết tháng 4 để kiểm soát ngăn chặn tối đa dịch Covid-19 lan rộng.

Trong ngày 8/4, trả lời báo chí về việc kéo dài thời gian cách ly xã hội, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, duy trì đến ngày 15/4. Chính phủ có thể sẽ xem xét nới lỏng, gỡ bỏ từ từ biện pháp này, hoặc quyết định tiếp tục thực hiện từ sau ngày 15/4 tùy diễn biến dịch bệnh.

"Như vậy đến ngày 15/4, nếu còn phát sinh ổ dịch nào đó thì không thể dừng thực hiện chỉ thị 16, lúc đó phải tùy tình hình để đưa ra phương án ứng phó kịp thời. Hiện nay chưa thể nói trước việc kéo dài thời gian cách ly xã hội hay không" - ông Dũng thông tin.

Liên quan việc thực hiện Chỉ thị 16, ông Dũng cho rằng đây là giải pháp căn cơ, rất quan trọng để giữ được khoảng cách giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng, chứ không chỉ là khuyến cáo người dân phải ở nhà.

Trong khi đó, sáng 8/4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Các thành viên BCĐ nhận định, mặc dù đã thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch bệnh, nhưng "chúng ta phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng".

Cũng tại cuộc họp này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, một số ca bệnh như số 243, 247, 251 chưa xác định được nguồn lây nhiễm cho thấy có sự lây lan trong cộng đồng.

Có khả năng trường hợp bệnh nhân số 243 không lây nhiễm từ Bệnh viện Bạch Mai, vì xét nghiệm kháng thể cho thấy người này mới lây nhiễm. Điều tra dịch tễ cũng cho thấy bệnh nhân số 243 di chuyển nhiều nơi.

Trong thời gian tới, ông Phu đề nghị quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội, không để người nhiễm tiếp xúc với người lành, phát hiện sớm trong cộng đồng các ổ dịch nhỏ để xử lý kịp thời.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đề nghị phạt nặng người đổ ra đường trong thời gian cách ly xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.