Thứ bảy, 20/04/2024 03:04 (GMT+7)

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ lên 60 tuổi

MTĐT -  Thứ hai, 15/01/2018 14:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ LĐ-TB-XH vừa đưa ra phương án sửa đổi quy định hiện hành và đề xuất cho phép nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) theo lộ trình, từ năm 2021.

Theo bộ luật Lao động hiện hành, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường là 60 đối với nam và 55 với nữ.

Thời gian qua, trong quá trình soạn thảo luật Bình đẳng giới năm 2007, bộ luật Lao động năm 2012 và luật BHXH năm 2014, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu được đặt ra nhiều lần.

Việc đề xuất tăng tuổi hưu được cho là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Bởi, nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định hiện nay về mức đóng - mức hưởng, thời gian đóng - thời gian hưởng thì sẽ mất cân đối quỹ.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), từ năm 2023, quỹ hưu trí và tử tuất sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi, bắt đầu trích từ phần quỹ kết dư để chi trả; từ năm 2034, phần quỹ kết dư được chi trả hết dẫn đến nhà nước phải bố trí ngân sách để bù đắp.

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.

Ví dụ, một nam giới có 30 năm đóng BHXH, về hưu ở tuổi 60 sẽ được hưởng lương hưu bằng 75% lương trung bình đã đóng BHXH. Trong 30 năm (360 tháng) tham gia BHXH, mỗi tháng đóng 22% tiền lương thì NLĐ đóng vào quỹ 79 tháng lương trung bình. Số tiền này chỉ đủ chi trả trong 105 tháng lương hưu (hoặc 9 năm); nếu tính cả lãi suất đầu tư quỹ thì có thể trả đủ cho 12 năm lương hưu.

Trong khi tuổi nghỉ hưu trung bình của lao động nam ở nước ta là 54,2, nữ 52,6, tuổi thọ trung bình của lao động nam 70,8 tuổi (16,6 năm hưởng lương hưu), nữ 76,1 tuổi (23,5 năm hưởng lương hưu).

Muốn bảo đảm bền vững tài chính của quỹ, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, chỉ có 2 cách: nâng mức đóng của NLĐ và DN hoặc giảm mức hưởng lương hưu.

Nhưng theo Bộ LĐ-TB-XH, nâng mức đóng là rất khó vì tăng gánh nặng tài chính của NLĐ và làm giảm sức cạnh tranh của DN. Giảm mức hưởng cũng dẫn đến khó bảo đảm cuộc sống của người hưởng lương hưu.

Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, phương án được tính đến là đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu để cân bằng giữa thời gian đóng, mức đóng và thời gian hưởng, mức hưởng.

Tuy nhiên, trong dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Đào Ngọc Dung cho biết, có nhiều ý kiến cũng đề nghị không nên tăng tuổi nghỉ hưu vì nhiều NLĐ không muốn kéo dài thời gian làm việc mà mong được nghỉ hưu ở độ tuổi hiện hành để hưởng lương hưu hằng tháng, sau đó nếu làm việc thêm thì họ có 2 khoản thu nhập.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng được cho là không phù hợp với NLĐ làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay. Còn với cán bộ hành chính nhà nước thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng "tham quyền cố vị".

Vì vậy, theo bộ trưởng Dung, dự kiến sẽ có 2 phương án về tuổi nghỉ hưu cho NLĐ. Phương án 1 (hiện hành), nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi

Phương án 2, nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và từ ngày 1/1/2021 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Nhiều ý kiến trái chiều với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.

Cơ quan soạn thảo cho biết, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2019, Quốc hội khóa XIV và thông qua dự án luật vào kỳ họp tháng 10/2019.

Trước đó, khi Bộ LĐ-TB-XH đưa ra phương án tăng tuổi nghỉ hưu cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến bày tỏ: “Tôi quan tâm đến những lao động trẻ, họ mới ra trường, đang ở tuổi sung sức thì lại không được cống hiến. Chỗ làm việc thì hữu hạn, người cao tuổi cứ ngồi đó, trong khi lao động trẻ đang thất nghiệp rất nhiều. Ban soạn thảo phải tính đến một phương án hài hòa, không nhất thiết tất cả đều phải về hưu ở tuổi 60 với nữ và 62 với nam. Theo tôi chỉ một số vị trí, một số ngành nghề như kỹ sư, bác sĩ, chuyên gia... với điều kiện cơ quan đó có nhu cầu tiếp nhận và NLĐ có nhu cầu làm việc”.

Ông Lê Như Tiến chia sẻ: “Bất kể dự án luật nào khi trình ra Quốc hội đều phải có báo cáo đánh giá tác động. Với phương án tăng tuổi nghỉ hưu, cần phải có báo cáo đánh giá tác động đến xã hội, tâm lý, ngân sách, sức khỏe, sự phát triển hài hòa của đất nước, tác động đến những đối tượng yếu thế... Theo tôi, Bộ LĐ-TB-XH nên có khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tác động của việc tăng tuổi nghỉ hưu, nếu không rất khó cho các đại biểu Quốc hội đi đến quyết định chính xác”.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ lên 60 tuổi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...