Thứ bảy, 20/04/2024 03:21 (GMT+7)

Đừng cô lập Vĩnh Phúc bằng lòng hẹp hòi

MTĐT -  Thứ năm, 13/02/2020 08:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kỳ thị là thái độ còn rất xa văn minh. Hãy cẩn trọng, bởi mọi chuyện của ngày hôm nay rồi sẽ lùi vào quá khứ, dịch bệnh rồi sẽ qua đi, nào ai biết rồi có lúc đẩy ta vào vùng cô lập và bị kỳ thị?

Kỳ thị là thái độ còn rất xa văn minh. Hãy cẩn trọng, bởi mọi chuyện của ngày hôm nay rồi sẽ lùi vào quá khứ, dịch bệnh rồi sẽ qua đi, nào ai biết rồi có lúc đẩy ta vào vùng cô lập và bị kỳ thị? Lúc ấy ta biết dựa vào đâu để đứng lên?

Rồi ngày ấy cũng đến. 8 chốt chặn kiểm soát lập ra trên đường giao thông nằm khắp nẻo đường Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).

Bí thư Huyện ủy Bình Xuyên, ông Nguyễn Duy Đông cho biết các chốt này sẽ kiểm tra thân nhiệt người ra, vào vùng đã phát hiện dịch bệnh; tuyên truyền, nhắc nhở người dân cách phòng, chống dịch. Nếu ai không đeo khẩu trang phòng dịch, sẽ được lực lượng chức năng nhắc nhở, cung cấp khẩu trang miễn phí…

Chốt kiểm tra ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc

Những tấm ảnh trên báo cho thấy, các nhóm cán bộ ở chốt gác chưa có đồ phòng hộ, chưa chuyên nghiệp. Và cũng thật khó mà kiểm soát những ai chưa phát bệnh khi trong tay họ chỉ có chiếc máy đo thân nhiệt. Nhưng rõ ràng, có còn hơn không.

Chống dịch như chống giặc. Nếu ai đó có cảm giác đau xót như trở lại thời chiến tranh, thời phải ngăn sông cấm chợ để kiểm soát sự bất ổn, thì hãy hiểu: Những quyết sách kịp thời sẽ giúp khoanh vùng để “giữ chân” dịch bệnh. Dù chắc chắn sự khoanh vùng có thể gây ra những hệ lụy về xã hội, xáo trộn cuộc sống của người dân.

Tuy vậy, những hình ảnh chốt gác ở Bình Xuyên - Vĩnh Phúc lại bị phóng đại thành nỗi hoang mang lo lắng. Trong đó, những người có sẵn sự nhạy cảm thái quá với thời cuộc vội tung trăm hướng suy luận quá đà.

Họ không chịu hiểu rằng Vĩnh Phúc chưa hề bị đóng cửa như Vũ Hán của Trung Quốc. Chốt chặn là để giám sát thân nhiệt, kiểm soát để phát hiện đối tượng di chuyển từ vùng dịch bệnh vào địa phương, hoặc ngăn đối tượng cách ly đào thoát khỏi địa phương. Quan trọng hơn, việc lập chốt phần nào nhắc người dân đừng cho rằng dịch bệnh ở đâu xa lắm, rằng "trời kêu ai nấy dạ" rồi phòng chống qua loa, sơ sài.

Phun khử trùng nhà dân ở xã Sơn Lôi - Bình Xuyên.

Vậy mà, cách Vĩnh Phúc chỉ vài chục km, một khách sạn tại đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã "nhanh nhảu" trưng ra tấm bảng không nhận khách Vĩnh Phúc. Khi tấm ảnh này xuất hiện trên các nhóm cộng đồng người Vĩnh Yên, người Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), cảm giác chung của dân cư Vĩnh Phúc là nỗi tổn thương vì bị chính người Việt kỳ thị.

Không khí kỳ thị người Vĩnh Phúc còn lan khắp các trang bán hàng trực tuyến. Hàng loạt đơn hàng online bị hủy do shipper không chấp thuận đi giao hàng vào vùng dịch. Người thì thông cảm, cũng có kẻ nhảy vào lên giọng dạy đời hay chửi bới, bắt người Vĩnh Phúc không được di chuyển hay “ngọ nguậy” giao lưu, thông thương mà gieo rắc nỗi bất an cho cộng đồng.

Tấm bảng của một khách sạn ở Cầu Giấy

Có ai đó lạc lõng thốt lên trong một câu còm: “Người Vĩnh Phúc vẫn chưa bị kỳ thị bằng người Thanh Hóa chúng tôi lâu nay”. Rõ ràng, cảm giác tổn thương ấy rất khó để một người chưa từng bị dồn vào nhóm bị kỳ thị thấu cảm.

Nó là sự khoét sâu đau đớn trong lòng những ai từng bị kỳ thị vì HIV/AIDS, vì đồng tính, thậm chí chỉ vì sinh ra ở nông thôn, chỉ vì nghèo… Xa xưa hơn nữa, những làn sóng kỳ thị từng đẩy người bệnh phong ra những bờ biển hoang vu, cô độc và họ chỉ còn cách dựa vào nhau để sống, buộc phải rũ bỏ suy nghĩ rằng thế giới loài người ngoài kia có thể cho họ chút tình thương, chút lòng nhân ái.

Kỳ thị là thái độ còn rất xa văn minh. Người Vĩnh Phúc có thể không cần đến phố Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy để dùng phòng nghỉ khách sạn. Nhưng là địa phương sát bên Hà Nội với vô số hoạt động cộng sinh của cư dân, ai dám nói sự kỳ thị nếu kéo dài sẽ không thiệt hại về kinh tế cho cả hai vùng? Những đứa trẻ trong các hội nhóm người Vĩnh Phúc đang kêu gọi đánh dấu "1 sao" cho cái khách sạn phát ra tấm bảng kỳ thị. Có thể bọn trẻ nông nổi, nhưng đấy cũng là một quyền của họ. Còn bạn, giả sử, người Vĩnh Phúc trước mặt, bạn có sợ hãi, kỳ thị không?

Hay bạn sẽ bình tĩnh xem họ như một người trong nhà chẳng may mắc bệnh lây nhiễm. Bằng kiến thức khoa học, bạn hành xử khéo léo, giao tiếp tinh tế để tránh gây tổn thương, tránh dồn người ta vào tuyệt vọng?

Hãy cẩn trọng, bởi mọi chuyện của ngày hôm nay rồi sẽ lùi vào quá khứ, dịch bệnh rồi sẽ qua đi, nào ai biết các biến cố cuộc đời rồi có lúc đẩy ta vào vùng cô lập và bị kỳ thị? Lúc ấy ta biết dựa vào đâu để đứng lên?

Theo Phụ nữ TP.HCM

Bạn đang đọc bài viết Đừng cô lập Vĩnh Phúc bằng lòng hẹp hòi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...