Thứ năm, 25/04/2024 04:29 (GMT+7)

Gặp bác sĩ người Bắc Giang luôn có mặt ở điểm nóng Covid-19

MTĐT -  Thứ sáu, 26/02/2021 14:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tiến sĩ, Bác sĩ (TS.BS) Thân Mạnh Hùng sinh ra và lớn lên tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang). Là một trong những bác sĩ xông pha nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 từ những ngày đầu tiên.

Tiến sĩ, Bác sĩ (TS.BS) Thân Mạnh Hùng sinh ra và lớn lên tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang). Anh hiện là Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và là một trong những bác sĩ xông pha nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 từ những ngày đầu tiên. Phóng viên đã “tranh thủ” có buổi trò chuyện cùng TS.BS Thân Mạnh Hùng trước khi anh lại vội vã cùng đồng nghiệp hội chẩn chuyên môn, tiếp nhận điều trị và chi viện cho tuyến dưới chống dịch.

TS. BS Thân Mạnh Hùng (thứ hai từ trái sang), trước giờ cùng đồng nghiệp lên đường đi chống dịch.

Đã hơn một năm khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, nhớ lại Tết năm ngoái và Tết năm nay, anh- với tư cách là một bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch nhớ lại khoảnh khắc ấy thế nào?

Tết Canh Tý năm 2020, trong bối cảnh trước khi nghỉ Tết, ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã bắt đầu có dịch trên diện rộng, Tết Âm lịch sắp đến là khoảng thời gian người dân Việt Nam đi làm ăn, đi học, du lịch từ nước bạn về Việt Nam nhiều, cùng với đường biên giới kéo dài, sự giao thương giữa hai nước rất lớn, Ban Giám đốc Bệnh viện (BV) cũng như anh em chúng tôi xác định việc Việt Nam xuất hiện ca Covid -19 từ Trung Quốc trong dịp này là không thể tránh khỏi.

Vì thế, ngay từ thời điểm đó chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý nghỉ Tết nhưng có thể vào viện chống dịch bất cứ lúc nào. Mùng 6 Tết Canh Tý, ngày đầu tiên đi làm, chúng tôi tiếp nhận ca dương tính đầu tiên tại BV là công nhân trở về từ Vũ Hán. Khoa tôi nhận nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, tôi và bác sĩ Cấp (bây giờ là Phó Giám đốc BV) chỉ kịp về nhà lấy vội mấy bộ quần áo vào viện và sau đó chúng tôi ở lại BV liền ba tháng. Vì tính chất công việc, mọi người trong gia đình cũng đã quen với việc tôi trực đêm ở viện, xa nhà và vắng mặt ở nhà nhưng ở lại viện liền ba tháng thì đúng là chưa từng có.

Vậy Tết năm 2021 đón Giao thừa ở BV có lẽ với anh vừa lạ lại vừa quen?

TS.BS Thân Mạnh Hùng: Đúng là Tết Tân Sửu năm 2021 này vừa lạ lại vừa quen. Quen ở chỗ tôi đã rất nhiều lần trực Giao thừa trong suốt 15 năm gắn bó với BV, lạ ở chỗ năm nay mọi người đón Giao thừa trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, BV vẫn đang tiếp nhận và điều trị cho hơn 50 bệnh nhân Covid-19, trong đó có cả bệnh nhân nặng. Mọi người trực Giao thừa trong tâm thế thích nghi với “tình hình mới”, anh em cũng trao nhau những lời chúc sức khoẻ, an lành sau những lớp khẩu trang y tế, những bộ đồ bảo hộ để rồi lại vội vàng quay trở lại với công việc của mình. Một số thì vẫn phải theo dõi, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng nên không gặp trực tiếp nhau được và gửi lời nhắn nhủ qua bộ đàm, màn hình camera. Ngoài ra, các y, bác sĩ cũng không quên động viên, chia sẻ với bệnh nhân đang điều trị vì họ phải xa người thân trong thời khắc mà ai cũng muốn được đoàn tụ với gia đình.

Hơn nữa, năm ngoái mình ở tâm thế sẵn sàng chống “giặc” nhưng mình lại không biết giặc nó ra sao, như thế nào vì bệnh mới và thông tin còn quá ít. Nhưng năm nay thì khác biệt hơn vì trải qua một năm, mình đã hiểu rõ hơn về cơ chế bệnh sinh, có kinh nghiệm xử trí, điều trị bệnh, mình chủ động hơn, tự tin hơn so với trước.

Trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” , anh là trưởng đoàn y tế đón bệnh nhân từ Guinea Xích đạo về, đó là một chuyến đi mà nhiều người cho rằng “lành ít, dữ nhiều”. Là “người trong cuộc”, chuyến đi ấy hẳn là cho anh nhiều cảm xúc đặc biệt?

TS.BS Thân Mạnh Hùng: Chuyến đi Guinea Xích đạo là chuyến đi giàu cảm xúc và nhiều kỷ niệm. Từ khi nhận nhiệm vụ là trưởng đoàn đón bệnh nhân từ Guinea Xích đạo về nước, tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho mình mọi thứ, đặc biệt là tâm lý. Nói là không lo lắng cho bản thân thì cũng chưa hẳn nhưng điều tôi lo lắng nhất đó là liệu có hoàn thành nhiệm vụ, có bảo đảm an toàn cho bệnh nhân cũng như công dân trên chuyến bay hay không, làm sao để tránh lây nhiễm SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế và phi hành đoàn và những công dân chưa nhiễm bệnh… Tuy ai cũng lo lắng nhưng mọi người yên tâm vì lúc này chúng tôi cũng đã hiểu được phần nào về bệnh rồi, hơn nữa cũng chuẩn bị rất chu đáo các phương án để ứng phó. Rất may mắn là chuyến bay cuối cùng đã an toàn.

Điều tôi cảm nhận và thấy ấm lòng nhất trong chuyến đi ý nghĩa này đó chính là nghĩa đồng bào. Khi thấy máy bay của Việt Nam thì công dân của chúng ta đã hò reo vỗ tay. Tôi nghĩ, khi đó cái mà chúng ta mang đến không chỉ đơn thuần là một chuyến bay mà là niềm tin. Nó giống như lời hứa của Chính phủ với công dân của mình, không ai bị bỏ lại phía sau, và đó cũng là niềm tin lớn nhất. Niềm vui của họ thể hiện rõ từ khuôn mặt cũng như cử chỉ của công dân. Điều đó làm cho các thành viên trong đoàn rưng rưng cảm xúc.

Theo tôi, mỗi người sinh ra đều mang trong mình một sứ mệnh nào đó, và tôi là bác sĩ, sứ mệnh của tôi là cứu người và bảo vệ sức khoẻ con người. Chuyến đi Guinea Xích đạo với tôi mà nói đó là một nhiệm vụ cao cả, một chuyến đi vô cùng đặc biệt và nhân văn mà không phải ai cũng có cơ hội được trải nghiệm trong cuộc đời. Tôi đã có được và trân trọng vinh dự đó. Hành trình 30 tiếng trên bầu trời và 21 ngày cách ly dưới mặt đất là một hành trình đầy cảm xúc, đẫm mồ hôi, nước mắt, tình đồng đội, tình yêu thương gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Giờ đây khi nhắc lại kỷ niệm đó, tôi vẫn còn cảm giác nghèn nghẹn nơi cổ họng. Tôi chỉ muốn nói cảm ơn tất cả những người thân yêu, những người luôn quan tâm, động viên và giúp đỡ tôi trước, trong và những hành trình sau này.

Công việc của anh bận rộn lại luôn phải có mặt ở những điểm nóng, có lẽ anh cũng ít có thời gian về thăm quê?

TS.BS Thân Mạnh Hùng: Không, nếu rảnh là tôi về. Tôi luôn tự hào mình là người Bắc Giang. Quê hương Bắc Giang là nơi tôi được sinh ra và lớn lên, nơi nuôi dưỡng những ước mơ tôi, là nơi đã nuôi dạy tôi trở thành một con người sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, xã hội và đặc biệt với quê hương. Làm sao mà bỏ quê được.

Hiện nay, ba mẹ tôi đã ra Hà Nội sinh sống, nhưng ở Bắc Giang tôi vẫn còn nhà, có nhiều bà con, họ hàng, thầy cô, bạn bè và cả một bầu trời kỷ niệm về tuổi thơ. Bởi vậy, khi nào rảnh tôi vẫn thường đưa ba mẹ về hoặc tự mình về quê. Tôi cũng thường xuyên hội chẩn và hỗ trợ các anh chị em đồng nghiệp ở Bắc Giang trong công tác chuyên môn nói chung cũng như những vấn đề liên quan đến dịch bệnh Covid-19 nói riêng.

Trân trọng cảm ơn TS.BS Thân Mạnh Hùng!

                                                                        Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hồng (Báo Bắc Giang)

Bạn đang đọc bài viết Gặp bác sĩ người Bắc Giang luôn có mặt ở điểm nóng Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành