Thứ sáu, 19/04/2024 01:47 (GMT+7)

Giả dối sẽ làm xói mòn giá trị đạo đức xã hội

Đồng Anh -  Thứ ba, 24/03/2020 11:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều thói xấu nảy sinh trong lòng xã hội và nhiều người đã cảnh báo về sự suy giảm đạo đức trên quy mô toàn xã hội. Những giá trị quốc gia Việt Nam bị mai một.

Xã hội Việt Nam đang phát triển nhiều mặt, kinh tế đất nước và đời sống nhân dân đã có sự thay đổi lớn, văn minh của xã hội được phát triển, khiến người dân được hưởng thụ và thay đổi cuộc sống theo chiều hướng khá giả, nhưng đồng thời cũng phát sinh nhiều biểu hiện tiêu cực. Nhiều thói xấu nảy sinh trong lòng xã hội và nhiều người đã cảnh báo về sự suy giảm đạo đức trên quy mô toàn xã hội. Những giá trị quốc gia Việt Nam bị mai một.

Một trong những thói xấu nổi cộm nhất trong giai đoạn hiện nay chính là tình trạng gian dối để trục lợi. Trong cuộc sống hiện đại, ở mọi lĩnh vực, bất kỳ nơi đâu, bất kỳ việc gì chúng ta cũng bắt gặp tình trạng ăn gian nói dối này. Các phương tiện thông tin từ báo chí tới Facebook gần đây đều đề cập đến nhiều hành vi gian dối trong xã hội ta. Điều đáng nguy hại là căn bệnh nói dối này dường như không giảm mà ngày càng có xu hướng tăng cao. Gian dối trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” ở mọi nơi mọi lúc.

Ảnh Tư liệu

Câu chuyện một số người từ vùng dịch Covid-19 nhập cảnh vào Việt Nam lại khai báo gian dối, trốn, né hoặc không tuân thủ quy định cách ly vừa qua là một ví dụ... đã khiến công sức cả xã hội ngăn dịch bị đổ bể.

Sau vụ việc bệnh nhân Covid-19 thứ 17 N.H.N (Hà Nội) với nhiều biểu hiện thiếu trung thực trong khai báo dịch tễ, được cho là nguyên nhân lây lan nhiều người khác trên chuyến bay VN0054, hay cách đây nửa tháng, dư luận đặc biệt quan tâm đến trường hợp ông L.T.H, Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư xây dựng và thương mại P.Đ (người đi trên chuyến bay VN1547 từ Hà Nội vào Thừa Thiên-Huế, có hành khách bị nhiễm Covid-19), đã không khai báo chính xác với cơ quan chức năng; thậm chí để cho nhân viên đi cách ly thay mình.

Trong cuộc sống, nếu không nhận diện và phân biệt được thật, giả, con người không thể cải tạo thiên nhiên, làm chủ xã hội. Trong đó, sự thật và giả dối là những hiện tượng khách quan, phổ biến luôn tác động đến nhận thức, hành vi của con người. Sự thật khách quan do sự vận động của thế giới vật chất mà có, trong đó có những không gian và thời gian có cả hành vi của con người. Còn sự giả dối nó cũng tồn tại khách quan, cũng nằm trong quá trình vận động của thế giới vật chất, nhưng phải có con người và do chính con người tạo ra.

Ngoài xã hội, người dân thường bị tiểu thương lừa hàng giả nói hàng thật, thuốc giả nói thuốc thật, cân đo hàng không đủ, trộn hàng với tạp chất để tăng trọng lượng, lợn bơm thêm nước, dán mác giả, lừa gạt chơi hụi, tín dụng đen, bán hàng đa cấp, lừa gạt buôn người, đẻ thuê, lừa gạt sổ đỏ nhà và đất…. Có thể nói lĩnh vực nào bọn bất nhân đều nghĩ ra chiêu trò để nói dối, lừa gạt người dân lành.

Người dân thì như vậy, doanh nghiệp cũng gian dối không kém. Lĩnh vực giao thông, xây dựng thì nhà thầu thi công ẩu, rút ruột công trình để kiếm lợi. Nhiều doanh nghiệp bất động sản bán khống những lô đất hoàn toàn không có trên thực tế. Doanh nghiệp khai số liệu giả để lãi nhiều khai lãi ít, thậm chí báo lỗ để trốn thuế nợ thuế.

Hoạt động buôn lậu qua biên giới là phổ biến, liên tục, hàng hóa lậu được dán mác Việt Nam để xuất khẩu. Gần đây, lực lượng công an phát hiện nhiều kho hàng của doanh nghiệp chứa hàng tạ, hàng tấn ma túy, đồng lõa với bọn tội phạm. Đây là chuyện chưa từng xảy ra những năm trước đây. Tình trạng chiếm dụng vốn, lừa đảo trên lĩnh vực tài chính, tiền tệ cũng rất nghiêm trọng, nhiều trường hợp lừa ngân hàng vay tiền rồi chạy trốn…

Trong hoạt động của hệ thống chính trị mặt tốt, mặt tích cực, tính trung thực và sự tử tế của con người trong bộ máy đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, hiện tượng giả dối đang phát triển gây trở ngại lớn cho xây dựng đảng và bộ máy nhà nước. Sự giả dối đang lên ngôi trong hoạt động của bộ máy công quyền đang làm sai lệch bản chất tốt đẹp của Đảng và chế độ ta; làm băng hoại đạo đức xã hội và các giá trị truyền thống; gây trở ngại, khó khăn trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tác động xấu đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm của tuổi trẻ, và là bằng chứng để các thế lực thù địch xuyên tạc sự thật, kích động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Vì thế, giả dối cũng là một trong những yếu tố gây bất ổn tâm trạng xã hội Việt Nam đương thời.

Điều rất nghiêm trọng xảy ra ở nhiều cơ quan đơn vị là nói dối cấp trên, thổi phồng thành tích; tỷ lệ dân nghèo cao thì báo cáo thấp, gian dối trong báo cáo tỷ lệ tăng trưởng, gian dối trong khai báo hàng hóa xuất nhập khẩu ít lại báo nhiều, cán bộ xấu vẫn báo cáo là tốt để đưa vào quy hoạch; lừa dối trong lập dự án kinh tế để kiếm lời; bệnh viện làm hồ sơ giả để lấy tiền bảo hiểm; cơ quan tố tụng làm sai lệch hồ sơ dẫn đến xử không đúng tội, gây oan uổng ngồi tù hàng chục năm sau mới phát hiện là sai. Đau lòng hơn là cán bộ nhiều xã khai khống danh sách mộ liệt sỹ để ăn tiền, làm hồ sơ giả để nhận là thương binh.

Tệ nạn lừa dối hối lộ để chạy chức cũng rất nghiêm trọng, dùng tiền để lừa dối tổ chức cho chức tước. Nghị quyết TW 4 phải đưa ra đánh giá: “Thao túng trong công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy tội, chạy bằng cấp… là những biểu hiện cụ thể phản ánh suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Gian dối làm chuyển biến bản chất đạo đức, làm suy thoái đạo đức con người. Khi gian dối chi phối mọi hành vi xã hội, thì đây là điều đặc biệt nguy hiểm, trực tiếp làm mất uy tín của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.”

Gian lận thi cử: Khi nền tảng xã hội bị tấn công. Ảnh TL

Tại sao gian dối lại lên ngôi như vậy? Có nhiều nguyên nhân tích tụ từ nhiều năm, nhưng căn nguyên trước nhất chính là giáo dục. Việc giáo dục đạo đức con người đã bị sao lãng từ lâu rồi, nhiều gia đình chỉ ép con học cho giỏi, thành tài để kiếm được nhiều tiền, hoặc tranh đua trở thành ca sĩ nổi danh ngay từ tuổi thơ. Ngay ở trong môi trường giáo dục, tình trạng dối trá lại phổ biến nhất. Chuyện thày cô sửa điểm chỉ là một khía cạnh nhỏ. Bên dưới là tảng đá ngầm lớn hơn nhiều với vô số những hành vi khác như phớt lờ để thí sinh quay cóp, tuồn phao cho thí sinh, làm luận văn hộ… Nói dối trong giáo dục phổ biến tới mức không ai không biết nhưng vẫn ngang nhiên diễn ra trong một môi trường mà đúng ra sự trung thực phải được nêu gương để người trẻ noi theo. Kết quả là những sản phẩm của một nền giáo dục như vậy ra lò. Rất nhiều trong số đó đang và tiếp tục tiếp cận với xã hội, được nhận làm việc trong các cơ quan công quyền hay doanh nghiệp. Những cán bộ như vậy tiếp tục gian dối để kiếm lợi như cái cách họ đã tiến thân. Những người này ở ngoài xã hội làm ăn cũng tiếp tục gian dối và lừa đảo người khác để kiếm tiền.

Một nguyên nhân khác là sự ham muốn lợi ích kinh tế. Mọi gian dối đều xuất phát từ lợi ích, cái gì có lợi cho cá nhân, dù to hay nhỏ, đều nghĩ ra các chiêu trò để được hưởng lợi. Trong hệ thống công thì hành vi này được gọi là tham nhũng vặt. Cán bộ nhà nước chỉ vì những khoản rất nhỏ nhưng bỏ qua trách nhiệm quản lý, buông lỏng công việc để mặc nhiên cho những sai phạm công khai diễn ra. Người kinh doanh vì những khoản lãi rất nhỏ nhưng sẵn sàng đăng bán hàng rẻ tiền với giá cao trên mạng xã hội để lừa người khác.

Một nguyên nhân khác nữa là tình trạng pháp chế của ta quá lỏng lẻo nên gian dối tồn tại được nhiều năm nay. Quá nhiều hành vi gian dối của doanh nghiệp, quan chức không được xử lý. Trong một môi trường dễ dãi như vậy, đạo đức con người dễ suy đồi, giá trị nhân văn bị chà đạp, mọi người vì lợi nhuận nên bất chấp tất cả các giá trị tốt đẹp và tình yêu thương con người. Thậm chí nói dối còn được coi là một phương thức để thích ứng với xã hội hiện đại. Muốn lợi nhuận phải nói dối thuế, muốn lãi cao phải bán cân thiếu, muốn sống được thì không thể trung thực. Đây trở thành vấn đề xã hội. Con người làm sai cũng không còn thấy xấu hổ nữa; họ cho rằng nói dối có lợi, nói thật hỏng việc. Biết là bị nói dối nhưng có lợi nên bỏ qua điều nói dối.

Từ những nguyên nhân nói trên, có thể thấy nói dối đã trở thành căn bệnh của xã hội. Văn hoá nói dối này đang tác động vào tư tưởng, tâm lý, đã trở thành một thói tính xấu nên khiến con người phải phòng ngừa nhau, mất đi giá trị của sự tin tưởng và tình yêu thương trong xã hội. Từ nói dối nhỏ trong phạm vi xã hội dần dần biến thành tội phạm, gây mất an ninh trật tự, đe dọa cuộc sống của mọi người dân.

Gian dối không chỉ đơn thuần là vấn đề xã hội hay tội phạm, cao hơn là xói mòn giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc, làm suy giảm quyền lực nhà nước và lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước. Do vậy, chúng ta phải đặc biệt quan tâm giải quyết cho được căn bệnh này.

Làm thế nào để khắc phục căn bệnh này. Đây là vấn đề lớn, không chỉ giao cho một cơ quan nào làm được, mà phải toàn xã hội cùng chung tay loại trừ nó. Các phương tiện thông tin đại chúng phải phát huy vai trò trong việc truyền đi thông điệp tích cực về những lối sống đẹp, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, biểu dương kịp thời những tấm lòng nhân ái trong xã hội và hình thành một dư luận xã hội ủng hộ các giá trị chân - thiện - mỹ. Chính cái thiện, cái đẹp của văn hóa trong xã hội sẽ góp phần đẩy lùi thói gian dối, tệ nạn và cái xấu, đạo đức tốt đẹp trong xã hội sẽ dần trở lại. Từ đó, văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, là hệ điều tiết cho sự phát triển xã hội hướng đến những điều tốt đẹp hơn.

Một vấn đề rất quan trọng khác là phải minh bạch thông tin. Chính việc bưng bít thông tin khiến cho nói dối khó bị phát hiện và trở thành hiện tượng tràn lan. Bưng bít thông tin càng khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền, nghĩ rằng mọi thứ đều là dối trá. Có hiện tượng dân chỉ chăm chú theo dõi mọi đồn đoán trên mạng xã hội hơn là báo chí chính thống. Đây là điều rất không nên bởi báo chí mới là cơ quan đưa sự thật, trong khi mạng xã hội đưa quá nhiều tin tức không được kiểm chứng càng khiến người dân hoang mang và mất niềm tin.

Mọi người chúng ta đều đã biết tình trạng gian dối ở nước ta là chuyện không mới, nó va chạm hàng ngày với chúng ta nhưng không giải quyết được. Người Việt Nam cũng có xu hướng dĩ hòa ví quý, dễ chấp nhận để được yên thân, hoặc tố cáo cũng chẳng giải quyết được gì, nay tâm lý này cũng cần được thức tỉnh để thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Một vấn đề quan trọng khác là chính quyền phải thực thi pháp luật một cách nghiêm minh. Tất cả các vụ nói dối, lừa lọc gây hậu quả trong xã hội cần phải được điều tra để xử lý. Để làm được điều đó, cán bộ công quyền phải hết lòng vì dân, những cán bộ có phẩm chất xấu nhất thiết phải loại trừ khỏi cơ quan công quyền khi phát hiện gian dối. Chỉ có sự nghiêm minh của kỷ cương pháp luật mới ngăn chặn và giảm thiểu những hành vi vì lợi ích nhỏ mà gian dối khiến toàn bộ xã hội bị thiệt hại. Tuyên chiến xử lý gian dối là biện pháp ngăn chặn tốt nhất để xây dựng một xã hội lành mạnh, bảo vệ an ninh và bảo vệ nền văn hoá truyền thống Việt Nam vốn dựa trên sự thật thà của những người nông dân chất phác.

Sự giả dối trong quan hệ ứng xử đã làm thui chột các giá trị tốt đẹp, cái đáng tôn vinh, điều đáng tôn vinh, người đáng tôn vinh có khi không được xã hội thừa nhận, còn kẻ đáng chê trách, phỉ báng có khi không dám chỉ trích, thậm chí có trường hợp còn được tô điểm như là những người có hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp chung.

Thói háo danh, trọng bằng cấp, chạy theo thành tích của nhiều người được cho là trực tiếp khuyến khích các hành vi gian dối có điều kiện nảy nở, lây lan. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ được tác hại khôn lường của nó và tìm cách ngăn chặn, loại bỏ.

Công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng được Đảng ta khởi xướng, đẩy mạnh thực hiện thời gian qua cũng chính là nhằm hướng đến ngăn chặn, triệt tiêu sự gian dối trong nội bộ Đảng, với tư cách là Đảng cầm quyền. Những hành vi gian dối nhỏ là vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm kỷ luật Đảng sẽ bị xử lý hành chính thích đáng. Với những hành vi gian dối, sai phạm nghiêm trọng, đến mức phải xử lý hình sự thì cần phải quyết liệt xử lý nghiêm, với tinh thần “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Sự nghiêm minh, tự soi, tự sửa trong nội bộ Đảng khi làm tốt sẽ tự thân tạo sức lan tỏa mạnh mẽ ra toàn xã hội./.

Bạn đang đọc bài viết Giả dối sẽ làm xói mòn giá trị đạo đức xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.