Thứ sáu, 29/03/2024 09:34 (GMT+7)

Giãn dân phố cổ: Phải biết vì sao dân không muốn rời khỏi nội đô!

MTĐT -  Thứ hai, 29/03/2021 15:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với việc ban hành quy hoạch phân khu đô thị ở 4 quận nội đô, Hà Nội một lần nữa đi tìm lời giải cho bài toán giãn dân phố cổ.

Một bài toán đã kéo dài hơn 20 năm mà chưa tìm ra cái kết thỏa đáng. Và ở lần trở lại này, với những thách thức đã tồn tại dai dẳng hàng thập kỷ qua, bài toán giãn dân phố cổ cần hiểu rõ căn nguyên vì sao người dân không muốn rời khỏi nội đô để mà giải quyết.

Cuộc sống của người dân phố cổ Hà Nội trong những con ngõ chật hẹp. Ảnh: Tùng Giang

Đề án 23 năm chưa về đích

Ngay từ năm 1998, UBND TP.Hà Nội đã đặt ra chủ trương di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư cũng như áp lực lên cơ sở hạ tầng tại khu vực này. Dù vậy, đến tháng 1.2013, đề án giãn dân phố cổ mới chính thức được phê duyệt. Theo đề án này, mật độ dân cư phố cổ sẽ được giảm từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020. Khu vực phố cổ nằm tại quận Hoàn Kiếm sẽ phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người.

Đề án giãn dân phố cổ được thực hiện thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV/2016 sẽ thực hiện di dời khoảng 1.153 hộ dân. Để thực hiện kế hoạch này năm 2015, UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho quận Hoàn Kiếm triển khai xây dựng khu đô thị giãn dân phố cổ tại phường Việt Hưng, quận Long Biên.

Giai đoạn 2 dự kiến sẽ bố trí khoảng 30ha để di dời 5.020 hộ dân sau khi dự án giai đoạn 1 kết thúc. Việc thực hiện đề án giãn dân phố cổ dự kiến kết thúc vào năm 2020.

Năm 2019, TP.Hà Nội đã giao quận Hoàn Kiếm phối hợp với các bên liên quan lựa chọn nhà đầu tư, hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ, dự kiến thực hiện trong quý IV/2019. Theo đó, UBND quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý phố cổ đã rà soát, phân loại các trường hợp giãn dân nhằm lấy cơ sở xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi thường với các trường hợp nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc. Các phường được rà soát là: Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông và Lý Thái Tổ.

Tuy nhiên, đến nay, đề án giãn dân phố cổ đã không thể về đích đúng thời hạn. Những hộ dân nằm trong diện di dời, giãn dân phố cổ vẫn cố bám trụ trong những căn nhà chật hẹp. Theo số liệu từ Tổng điều tra dân số lần thứ 5 cho thấy, khu vực quận Hoàn Kiếm (bao gồm toàn bộ khu phố cổ), mật độ dân số đạt 39.830 người/km2, gấp 137,3 lần mật độ dân số toàn quốc.

Theo ông Đặng Đình Bằng - Phó trưởng ban thường trực Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, đến nay, đề án nhà ở giãn dân phố cổ vẫn trong quá trình thực hiện giai đoạn 1. Cả 2 đối tượng thuộc diện di dời bao gồm đối tượng bắt buộc (cư dân sống ở khu vực di tích, trường học...) và tự nguyện (cư dân sống tại các nhà cũ xuống cấp, có diện tích dưới 5m2) đều chưa thể thực hiện đề án một cách triệt để.

Thêm một lần tìm lời giải

Sự chậm trễ của đề án giãn dân phố cổ được chỉ ra với nhiều lý do, thậm chí là cả những tranh cãi. Từ cơ chế, chính sách đền bù, phương án di dời đến tập tục, văn hóa và cả sinh kế lâu dài cho những “người phố cổ”.

Anh Phạm Đức Bách (sinh năm 1980, trú tại số 74 phố Hàng Khoai, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là chủ một quán phở lâu năm trong khu phố cổ. Anh Bách thừa nhận, hầu hết các căn nhà trong phố Hàng Khoai đã quá mức xập xệ và chật hẹp với cuộc sống của một hộ gia đình. Nhưng bởi nhiều lý do, gia đình anh Bách gồm 4 nhân khẩu vẫn cố gắng bám trụ dù điều kiện sống vô cùng khó khăn và sinh hoạt chỉ bó hẹp trong diện tích khoảng 10m2.

“Nhiều người hỏi tôi vì sao không chuyển đến một căn nhà rộng rãi hơn, nhưng nếu chuyển đi, tôi cũng không biết tương lai sẽ phải là gì để kiếm tiền nuôi gia đình”, anh Bách băn khoăn. Gia đình anh Bách là điển hình của một hộ dân sinh sống dựa vào việc buôn bán tại khu phố cổ Hà Nội. Mỗi tháng, quán phở của anh Bách thu về từ 20 triệu đồng tiền lợi nhuận mà không phải trang trải các phụ phí như thuê mặt bằng, thuê nhân công.

Còn vợ chồng ông Hà Đình Thành (66 tuổi) đã gần 30 năm sống dưới gầm cầu thang trong con ngõ nhỏ hẹp tại số 33 (phố Hàng Vải, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nơi được gọi là “nhà” này chưa đầy 3m2, cả gia đình sống nhờ vào việc bán trà đá. Nơi ở hẹp đến nỗi chỉ đủ để kê được tấm phản làm giường chung cho cả vợ chồng ông cùng người con gái vào mỗi buổi tối.

Ông Thành chia sẻ, vì nhà quá bé nên vợ chồng ông không dám sinh thêm con, cũng không bao giờ rủ bạn bè về nhà chơi. Mọi cuộc gặp gỡ, tiếp khách ông Thành đều bố trí ngay dưới quán trà đá của gia đình ở đầu phố Hàng Vải. Nói về cuộc sống sau này, ông Thành mong muốn, con cái của mình sẽ lập gia đình và chuyển đến một nơi ở khang trang hơn, rộng rãi hơn.

Mới đây, TP.Hà Nội đã công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị: H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4, tỉ lệ 1/2.000 tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng; với yêu cầu chính là kiểm soát dân số tại 4 quận, các đồ án nhằm mục tiêu giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672.000 dân; đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Với động thái này, một lần nữa vấn đề giãn dân phố cổ lại được cơ quan chức năng đặt ra.

Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, các quy hoạch nội đô lịch sử vừa được phê duyệt cũng gắn với đề án giãn dân mà quận triển khai trong nhiều năm qua. Đại diện quận Hoàn Kiếm cũng cho biết đang tích cực triển khai nhiều phương án để đề án này được triển khai có hiệu quả. “Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị, quận cũng dành nguồn lực rất lớn cho giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân sống trong di tích, trường học, công sở” - ông Phạm Tuấn Long nói.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam chỉ ra những nguyên nhân khiến người dân không mặn mà rời khỏi nội đô: “Thứ nhất là do các vấn đề thủ tục, pháp lý. Thứ hai là vướng mắc trong cải tạo, xây dựng các khu chung cư mới cùng các nhà chung cư trong nội đô. Cuối cùng là chưa tạo điều kiện thuận lợi, mức giá ưu đãi cho người di dời ra khỏi khu vực này”. Chuyên gia cũng cho rằng, để bài toán giãn dân phố cổ, sau hơn 20 năm chờ đợi có được lời giải thỏa đáng cần sự đồng thuận từ nhân dân và nỗ lực mạnh mẽ của các cấp chính quyền.

Đình Trường - Tùng Giang/Báo Lao động

Bạn đang đọc bài viết Giãn dân phố cổ: Phải biết vì sao dân không muốn rời khỏi nội đô!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.