Thứ bảy, 20/04/2024 14:51 (GMT+7)

Hà Nội: Dịch tả lợn Châu Phi lây lan nhanh

Diệp Anh -  Thứ tư, 15/05/2019 15:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Hà Nội đang lây lan nhanh và chưa có dấu hiệu chững lại. Dự kiến nếu thành phố bị thiệt hại 30% (tổng đàn lợn) TP sẽ mất khoảng hơn 1.000 tỷ.

Mặc dù thành phố Hà Nội đã tiêu tốn hàng trăm tấn hóa chất, tuy nhiên dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Từ 25 con bị bệnh đến 120.782 con phải tiêu hủy

Từ ngày 27/2/2019 tại Hà Nội đã xảy ra 1 ổ dịch tại hộ chăn nuôi ông Nguyễn Thái Sơn, tổ 17, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Tổng đàn 25 con lợn Rừng (gồm 5 lợn nái, 20 lợn thương phẩm), chết 3 con. Thành phố đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn ở trang trại này (25 con).

Khoảng 1 tuần sau, ngày 5/3, tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh. Xuất hiện ổ dịch được xác định tại hộ gia đình bà Trương Thị Vân ở xóm 6, thôn Thụy Lôi. Huyện Đông Anh đã tiêu hủy toàn bộ 10 con lợn trong hộ chăn nuôi này.

Sau 2 ổ dịch này, một ngày sau lại xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Nhận được tin báo, cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội, đã lập tức tới hiện trường, tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 46 con của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lan (số 6, ngách 95/203 phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam).

Tuần đầu tiên xảy ra dịch bệnh, đến nay ở Hà Nội dịch bệnh đã xảy ra tại 7.760 hộ chăn nuôi thuộc 346 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện, thị xã. Tổng đàn lợn bị mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải tiêu hủy là 120.782 con (chiếm gần 6,5% tổng đàn lợn toàn TP). Tổng trọng lượng lợn đã bị tiêu hủy lên tới 8.165 tấn. Hộ có số lượng lợn tiêu hủy lớn nhất là 629 con.

Đã được cảnh báo từ trước

Ngay sau khi xảy ra Dịch tả lợn Châu Phi, thành phố đã lên phương án diễn tập. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội và huyện Thanh Oai cần tổ chức "diễn tập cho tốt" để có kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh.

Phát biểu khai mạc tại buổi diễn tập ngày 7/3/2019, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Hiện một số ổ dịch xảy ra tại một số điểm chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng lợn phải tiêu hủy tương đối nhỏ (một hộ tiêu hủy 10 đến 20 con) nếu như xảy ra ở trang trại lớn, nuôi hàng nghìn con thì lúc đó thiệt hại về kinh tế sẽ là rất lớn.

"Nếu như thành phố thiệt hại 30% (tổng số lợn của thành phố) tương đương 600.000 con, trung bình 2 triệu đồng/con, như thành phố sẽ thiệt hại khoảng hơn 1.000 tỷ. Nếu như thiệt hại 50% số lợn trên địa bàn thì thành phố sẽ mất vài nghìn tỷ", lãnh đạo Sở đưa ra giả thiết.

Lãnh đạo Sở này cho rằng, khi xảy ra tình trạng như vậy phải mất ít nhất 6 tháng sau mới bắt đầu chăn nuôi phát triển lại được. Vì vậy nếu như dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện mình thì không chỉ thiệt hại cho các hộ nông dân mà con ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của toàn huyện.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT từ đầu năm 2019 đến nay thành phố đã triển khai 4 đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc. Thành phố đã sử dụng 187 tấn hóa chất. Ngoài ra ngân sách thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung khoảng 85 tấn hóa chất và 2.219 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc tại ổ dịch và nơi nguy cơ cao.

Như vậy diễn biết dịch tại Hà Nội đã được cảnh báo trước, tuy nhiên tính đến nay sau hơn 2 tháng xảy ra dịch bệnh thiệt hại cho người dân và cho thành phố vẫn không ngừng tăng lên.

Xem xét trách nhiệm cán bộ "chậm" mua vật tư, hóa chất

Với diễn biến phức tạp đó, văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ra thông báo số 130/TB-VP, tại văn bản này Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết "nếu địa phương nào để xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi do lơ là, thiếu trách nhiệm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ quản lý khu vực phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND thành phố".

Hà Nội đã phải tiêu hủy là 120.782 con trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

Văn bản cũng yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn (huyện có số lượng lợn bị dịch lớn nhất) phải kiểm điểm rút kinh nghiệm về việc chậm trễ, chưa quyết liệt trong thực hiện chống dịch. Trong đó xem xét trách nhiệm của cá nhân đồng chí trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện Sóc Sơn trong công tác tham mưu về tài chính mua vật tư, hóa chất quá chậm. Điều này làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống bệnh dịch.

Huyện Sóc Sơn là địa phương mắc bệnh phải tiêu hủy nhiều nhất với 30.413 con (chiếm 25%) tổng đàn, huyện Quốc Oai là 10.252 con, huyện Đông Anh là 9.547 con.

Nguy cơ bệnh dịch còn diễn biến phức tạp, kéo dài

Ngày 21/4/2019, Hà Nội đã tiêu hủy 21.307 con lợn, chiếm 1,5% tổng đàn và tính đến nay sau 3 tuần tổng đàn lợn bị mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải tiêu hủy là 120.782 con chiếm gần 6,5% tổng đàn lợn toàn TP.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội dự báo trong thời gian tới, nguy cơ bệnh bệnh dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phưc tạp, kéo dài, tiếp tục xảy ra ở các hộ chăn nuôi có quy mô lớn. Do dịch bệnh đã xảy ra 24/24 quận, huyện thị xã có chăn nuôi, dịch bệnh đã làm việc tiêu thụ lợn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, số lượng lợn trong các hộ chăn nuôi hiện còn rất lớn, nhất là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khi đó việc xuất bán gặp nhiều khó khăn (nhiều lợn thương phẩm đến kỳ xuất bán không bán được) đây là nguy cơ lớn xảy ra bùng phát dịch bệnh.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, môi trường hiện đang ô nhiễm nặng, do thời tiết khí hậu biến đổi bất thường, lượng virus đang tồn dư nhiều trong môi trường, thức ăn, dụng cụ chuồng nuôi. Trong khi đó việc kiểm soát lưu thông, vận chuyển (lợn khỏe, lợn bệnh) gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến nguy cơ bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Dịch tả lợn Châu Phi lây lan nhanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ