Thứ sáu, 19/04/2024 23:42 (GMT+7)

Hái lộc đầu năm, hiểu thế nào cho đúng?

MTĐT -  Thứ năm, 15/02/2018 16:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người Việt có tục hái lộc đầu xuân từ ngàn xưa, vào thời điểm sau giao thừa, người ta thường hái một cành lộc mang về nhà để lấy may. Tuy nhiên, ngày nay phong tục này đang dần bị biến tướng.

 Theo phong tục, cứ đêm giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết, người dân đến đình chùa, đền phủ để hái một cành lộc non mang về với ý nghĩa xin cành lộc nhỏ ở chốn linh thiêng để rước tài lộc, may mắn về nhà. 

Trước đây các cụ chỉ hái một cành rất nhỏ cây sanh, si, sung, đa... vốn có sức sống mạnh mẽ để mang về nhà, chứ không cho ai vì sợ “mất lộc”.

Cành lộc được treo trước hiên nhà hoặc cắm vào bình hoa, có nơi còn treo trước gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ, hay có ý báo là đã “rước phước lộc” về gia đình.

Tục hái lộc đầu năm đang dần bị biến tướng.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người (Liên hiệp Hội KH & KT Việt Nam), tục hái lộc là một nét đẹp văn hóa. Lộc là nụ đầu tiên, mầm non mới nhú. Hái lộc ở đền, chùa ngụ ý xin hưởng một chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân dịp đầu năm mới.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhận thức của nhiều người về tục hái lộc đầu xuân đã sai lệch, mang khía cạnh tiêu cực. Theo các nhà nghiên cứu, sai lầm lớn nhất là nghĩ rằng cành cây càng to, lộc càng nhiều. Vì thế nên nhiều người mang hẳn cả dao đi để “chặt lộc” chứ không phải hái lộc.

Có người còn trèo lên cây để cao để chọn “lộc đẹp” và không chỉ hái riêng cho mình mà còn hái hộ cho bạn bè, người thân. Có người còn lấy cả xe máy chở chậu cây cảnh nhà chùa về cho “đại cát, đại lợi”.

Ngoài đền chùa, nhiều người còn đến các trụ sở ngân hàng, kho bạc... để hái lộc vì nghĩ, cây xanh ở các địa điểm này sẽ cho nhiều tiền tài.

Thầy Thích Thanh Toàn, Trụ trì Chùa Sặt (Hải Dương) cho rằng, nên hạn chế hái lộc đầu năm.

Từng chia sẻ trên Dân Việt, trụ trì chùa La Dương (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hái lộc theo nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây. Lộc xuân có thể là mua một vài quả khế, cây mía, cành vàng lá ngọc hoặc một chậu cây nho nhỏ… đem về nhà trong ngày đầu năm.

Chia sẻ thêm với PV Dân Việt, thầy Thích Thanh Toàn, Trụ trì Chùa Sặt (Hải Dương) cũng cho rằng, trong quan niệm của người Việt, chùa là một mảnh đất an lành, nơi tràn ngập sự thương yêu, sự tha thứ, cảm thông. Nên qua giao thừa, trong ngày mồng 1 Tết người ta muốn đến lễ chùa để cầu nguyện những điều tốt đẹp đến cho mình và người thân trong gia đình.

"Tuy nhiên, giáo lý của Phật Giáo được xây dựng trên nền tảng Nhân và Quả. Tức là có Nhân an lành thì mới có Quả an lành. Ngày đầu xuân đi lễ chùa thì có phong tục  hái cành lộc. Tuy nhiên, ngày nay xã hội cũng có nhiều thay đổi cho nên việc hái lộc đầu xuân, bẻ cành, bẻ cây chúng ta nên hạn chế vì gây ô nhiễm môi trường.

Quan trọng là làm sao thức tỉnh được tinh thần từ bi thương yêu của mình mới là ý nghĩa quan trọng nhất khi chúng ta đến chùa” Trụ trì Thích Thanh Toàn chia sẻ.

Theo Báo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết Hái lộc đầu năm, hiểu thế nào cho đúng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...