Thứ sáu, 29/03/2024 16:29 (GMT+7)

Kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân vùng dịch

MTĐT -  Thứ hai, 24/05/2021 12:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời điểm này, ngoài vải thiều, Bắc Giang còn nhiều loại nông sản đang vào chính vụ, thời gian thu hoạch ngắn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản phẩm khó tiêu thụ.

Tiêu thụ chậm

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ nông sản gặp trở ngại. Tại huyện Lục Nam có khoảng 400 ha dứa và hàng trăm ha đỗ tương, dưa các loại… đang cho thu hoạch, tập trung ở các xã: Đông Phú, Tam Dị, Bảo Đài, Bảo Sơn, Chu Điện, Phương Sơn…

Hỗ trợ tiêu thụ dứa cho nông dân xã Hương Sơn (Lạng Giang).

Anh Nguyễn Văn H, tiểu thương thu mua nông sản tại thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện nói: “Trước kia, mỗi ngày tôi cân 10-15 tấn dưa hấu, dưa bở và củ đậu đi Quảng Ninh. Từ hôm dịch đến nay, các nhà hàng đặt ít, tôi chỉ cân 5-7 tạ/ngày. Để giúp bà con, tôi mua đều cho các hộ là khách quen vài chục cân/ngày". Theo anh H, một số thương nhân ở Hải Dương, Quảng Ninh đã chuyển sang tỉnh khác thu mua.

Được biết, tại Lục Nam, giá các loại nông sản chững lại, một số giảm mạnh, rất khó tiêu thụ, nhất là sản phẩm không có hợp đồng bao tiêu như: Các loại dưa giá 5-6 nghìn đồng/kg, giảm một nửa so vụ trước. Dứa, dưa chuột, đỗ tương mặc dù có hợp đồng tiêu thụ nhưng cũng khó bán do thương nhân không đến tận nơi thu mua.

Tại huyện Lạng Giang, khi thực hiện cách ly xã hội và lập các chốt kiểm soát dịch bệnh, nhà hàng, quán ăn đóng cửa, thương nhân có tâm lý ngại đến vùng dịch mua hàng. Vì vậy, thị trường thu hẹp khiến giá nông sản giảm mạnh. Giá dứa tại xã Hương Sơn còn 6,5 nghìn đồng/kg, mướp 3 nghìn đồng/kg. Một số xã trồng nấm đã dừng sản xuất lứa mới do khó bán. Dưa hấu, ngô ngọt, ngô nếp, rau, củ, quả ở huyện Yên Dũng, Tân Yên cũng trong tình trạng như trên.

Qua tìm hiểu, không chỉ các loại rau, củ, quả, gà đồi Yên Thế tiêu thụ chậm. Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin, hiện tổng đàn gà của huyện hơn 2 triệu con, trong đó hơn 300 nghìn con được xuất chuồng. Gà được tiêu thụ chính ở nội tỉnh; hầu hết tiểu thương ở tỉnh khác không đến thu mua. Việc chuyển lợn đi thị trường Quảng Ninh cũng giảm song giá vẫn giữ ở mức 68-70 nghìn đồng/kg.

Linh hoạt các giải pháp

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, thời điểm này Bắc Giang có gần một triệu con lợn, sản lượng 44 nghìn tấn thịt; gần 10 nghìn tấn gia cầm; gần 17 nghìn tấn thủy sản; khoảng 20 nghìn tấn rau; 15 nghìn tấn dứa… 

Với tinh thần chung tay hỗ trợ người dân, Đoàn Thanh niên Các cơ quan tỉnh đã phát động Chương trình “Hỗ trợ tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nông dân huyện Việt Yên”. Đến thời điểm này, các cơ sở đoàn đã đăng ký tiêu thụ được 10 tấn dưa.

Huyện Đoàn Lục Nam đã kết nối với cá nhân, doanh nghiệp tại Hà Nội, Thái Nguyên thu mua 10,5 tấn dứa cho nông dân Bảo Sơn và sẽ tiếp tục kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

UBND tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, TP quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phép các xe vận chuyển nông sản của Bắc Giang được lưu thông, tiêu thụ trên địa bàn; giúp các thủ tục liên quan đến việc thông thương hàng hóa qua cửa khẩu thuận lợi, nhanh chóng; chỉ đạo các Bộ, ngành T.Ư hỗ trợ tỉnh trong việc kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; các doanh nghiệp (DN), kênh phân phối, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại tích cực tham gia tiêu thụ nông sản. Hiện các địa phương như: Lạng Sơn, TP Hồ Minh đã có văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Bắc Giang lưu thông.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, ngoài việc lập kế hoạch, kịch bản tiêu thụ vải thiều, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện thống kê, lên kế hoạch cụ thể cho hoạt động tiêu thụ nông sản khác; tạo mọi điều kiện cho thương nhân, DN đến thu mua và có biện pháp phòng, chống dịch an toàn; chú trọng mời gọi các DN chế biến nông sản đến tiêu thụ.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân, DN, địa phương tập trung bán hàng bằng thương thức thương mại điện (zalo, facebook, website và các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Vỏ sò, Tiki, Shopee, Sendo, Lazada, Alibaba…) để mở rộng đối tượng khách hàng trong và ngoài nước; chủ động kết nối cung cấp rau, củ, quả cho hệ thống siêu thị bán lẻ, DN chế biến.

Trường hợp dịch kéo dài, ngành xây dựng phương án cụ thể về xúc tiến các kênh tiêu thụ và hỗ trợ vốn cho người sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm an toàn phòng dịch lại tăng hiệu quả sản xuất.

Chú trọng kết nối, tiêu thụ trực tuyến

Các địa phương đã có những cách làm sáng tạo giúp đỡ bà con tiêu thụ nông sản. Theo ông Vũ Văn Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam, huyện đã bố trí các điểm cân ở đầu chốt kiểm dịch tại các thôn có nông sản tiêu thụ, tạo thuận lợi cho tiểu thương, DN lưu thông và thu mua. 

Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19, gồm 14 thành viên. ông Nguyễn Năng Ban, Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng tỉnh là Tổ trưởng (ĐT: 0915172336); ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh là Tổ phó (ĐT: 0973184301).

Cán bộ trực chốt có phun khử khuẩn phương tiện theo quy định phòng dịch. Tổ chức hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền qua zalo, facebook quảng bá sản phẩm, hỗ trợ người dân bán hàng. Đến nay, toàn huyện tiêu thụ được 8 nghìn tấn dứa. Tại Lạng Giang, nhiều ngày qua, Huyện Đoàn, Hội Nông dân cấp huyện phối hợp cùng một số DN tổ chức điểm bán hàng hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở thị trấn Vôi, Kép, xã Hương Sơn và bán online. 

Ngoài ra, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên xã còn cử hội viên, đoàn viên giúp bà con hai thôn bị cách ly thuộc xã Hương Sơn vận chuyển dứa tới điểm tiêu thụ. Đến nay, dứa đã tiêu thụ được một nửa. Riêng nấm ăn tại xã Tiên Lục và Tân Thanh, huyện bố trí một điểm tập kết tại thị trấn Vôi để nhận hàng vào đầu giờ theo đúng quy định phòng, chống dịch.

Ở Yên Thế, UBND huyện đang xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản. Trước mắt đẩy mạnh bán hàng qua các kênh thương mại điện tử; tăng sản phẩm chế biến từ gà (giò, xúc xích, chả gà).

Bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống, huyện Lục Ngạn, Tân Yên còn hướng dẫn các đơn vị, hợp tác xã tập trung kinh doanh online, xây dựng các gian hàng thương mại điện tử. 

Ví như tại Lục Ngạn, địa phương đã phối hợp Công ty Logistics Những ngôi sao liên kết tổ chức hội nghị vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử, giúp nông sản, người dân tiếp cận lượng lớn khách hàng, DN trong và ngoài nước. Đến thời điểm này, có 15 DN được hỗ trợ bán nông sản qua sàn giao dịch này. Tại huyện Việt Yên có sáng kiến thành lập nhóm zalo kết nối cung - cầu nông sản trong địa bàn mùa dịch./.

Theo Báo Bắc Giang

Bạn đang đọc bài viết Kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân vùng dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.