Thứ năm, 18/04/2024 12:21 (GMT+7)

Loạt bài phản ánh tại Phú Thiện: Trách nhiệm lãnh đạo huyện đến đâu?

A LỰC -  Thứ tư, 28/04/2021 08:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau loạt bài phản ánh các vấn đề nóng tại huyện Phú Thiện (Gia Lai), trong khi hàng loạt vấn đề cần được làm rõ, thì UBND Huyện này lại có văn bản phản hồi nhưng chưa thuyết phục.

“Cát vẫn còn nguyên vẹn”?

Sau khi đăng tải loạt bài phản ánh những vấn đề nóng được dư luận quan tâm tại huyện Phú Thiện. Mới đây, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được Văn bản số 531/UBND-TH ngày 14/4/2021 của UBND huyện Phú Thiện “V/v liên quan đến thông tin báo chí phản ánh trên địa bàn huyện Phú Thiện”.

Văn bản số 531/UBND-TH ngày 14/4/2021 của UBND huyện Phú Thiện liên quan đến MT&ĐT.

Đối với nội dung khai thác cát trái phép tại xã Ia Sol, theo Văn bản số 531: “Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường và UBND xã Ia Sol tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin báo phản ánh và xử lý sai phạm kịp thời (nếu có). UBND xã Ia Sol đã có Báo cáo số 26/BC-UBND ngày 10/02/2021, Phòng Tài nguyên - Môi trường đã có Báo cáo số 15/BC-TNMT ngày 11/02/2021 về nội dung trên. Tiếp đó, sau khi trao đổi trong lãnh đạo UBND huyện đầu giờ, sáng ngày 11/02/2021, đồng chí Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện và lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường, UBND và Công an xã Ia Sol đã trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra, xử lý; kết quả như sau: Hiện trạng khu vực phản ảnh của Báo là bãi cát bồi, hiện có một số luồng vét khơi dòng chảy, tại một số vị trí khơi dòng người dân đang đặt máy bơm nước để tưới cho diện tích trồng thuốc lá, lúa và ngô khu vực ven bờ sông. Tại thời điểm kiểm tra không còn máy móc nào tại khu vực trên. Qua kiểm tra không có dấu hiệu khai thác cát trái phép vì: Cát vẫn còn nguyên vẹn sau khi người dân khơi thông dòng chảy, không có dấu hiệu vận chuyển, thất thoát; Khu vực này chỉ có đường nội đồng để người dân đi lại sản xuất nông nghiệp, các phương tiện cơ giới vận chuyển cát, xe máy không thể di chuyển được. Sáng ngày 12/4/2021, đồng chí Trịnh Văn Sang - Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện và UBND xã Ia Sol tiếp tục xuống hiện trường để kiểm tra; kết quả như sau: Không có phương tiện nào hoạt động, không có dấu hiệu khai thác, vận chuyển cát; chỉ có một số luồng vét khơi dòng, nạo vét dòng sông do người dân làm nhằm phục vụ tưới tiêu cho diện tích trồng lúa và thuốc lá; hiện trường vẫn còn nguyên như đợt kiểm tra ngày 11/02/2021. (Có hình ảnh và video ghi lại hiện trạng khu vực trên kèm theo). Từ kết quả kiểm tra trên, UBND huyện Phú Thiện khẳng định không có khai thác cát trái phép ở khu vực trên; đề nghị Ban Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam xem xét, đính chính theo quy định.”

Liên quan đến nội dung trên, MT&ĐT thông tin lại cho rõ ràng như sau: ngày 6/2, người dân phản ánh đến PV về việc khai thác cát trái phép tại thôn Ia Ptau, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện. Để chứng minh cho nội dung phản ánh, người dân có cung cấp cho PV hình ảnh và nhiều video thể hiện có máy móc hoạt động tại địa điểm nghi ngờ các đối tượng lợi dụng dịch Covid-19 để khai thác cát trái phép cả ngày lẫn đêm.

Ngoài ra, người dân cho biết cũng đã phản ánh đến lãnh đạo UBND huyện Phú Thiện và Sở Tài nguyên và Môi trường. Người dân có cung cấp file ghi âm thể hiện họ đã gọi cho người đứng đầu hai cơ quan nói trên. Sau khi ghi nhận thông tin trên tại thời điểm người dân phản ánh, PV đã liên hệ ngay với ông Trịnh Văn Sang - Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện để phản ánh lại sự việc trên, thì được ông Sang trả lời “Cái đó làm việc với anh Ngô, mình lo chống Covid chứ đâu có rảnh đâu…cái đó tôi sẽ chỉ đạo cho xã kiểm tra…”.

UBND huyện Phú Thiện giải thích vấn đề này như thế nào về những phương tiện máy móc hoạt động ngày đêm.

Còn đối với nội dung người dân gọi điện báo tin cho ông Trịnh Văn Sang, thì Ông lại bảo người dân báo cho UBND xã Ia Sol. Theo quy định, thẩm quyền về chức năng và nhiệm vụ được phân cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật Khoáng sản năm 2010, khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản thì UBND cấp huyện có trách nhiệm tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc được báo tin xảy ra trên địa bàn.

Vậy tại sao khi nhận được tin báo, ông Sang lại yêu cầu người dân phải báo UBND xã, trong khi đó trách nhiệm này thuộc về huyện, khi người dân đã báo thông tin này cho Chủ tịch huyện.

Dựa trên cơ sở nào để UBND huyện Phú Thiện khẳng định “cát vẫn còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu vận chuyển, thất thoát”?

Mặt khác, pháp luật quy định việc UBND cấp huyện có trách nhiệm tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc được báo tin xảy ra trên địa bàn. Thời điểm người dân phản ánh là ngày 6/2, nhưng mãi đến ngày 10/2 cơ quan chức năng mới tiến hành kiểm tra. Vậy câu hỏi được đặt ra, đó là tại sao cơ quan chức năng của huyện Phú Thiện không tiến hành kiểm tra, xử lý ngay sau khi nhận được tin báo trên địa bàn theo quy định. Vấn đề này, vị Chủ tịch Huyện trả lời như thế nào?

Cũng theo Văn bản số 531 kết quả kiểm tra nêu rõ: Hiện trạng khu vực phản ảnh của Báo là bãi cát bồi... Tại thời điểm kiểm tra không còn máy móc nào tại khu vực trên…Cát vẫn còn nguyên vẹn sau khi người dân khơi thông dòng chảy, không có dấu hiệu vận chuyển, thất thoát… Từ kết quả kiểm tra trên, UBND huyện Phú Thiện khẳng định không có khai thác cát trái phép ở khu vực trên…”. Vậy phương tiện máy móc hoạt động ngày đêm như video và những hình ảnh mà MT&ĐT đã đăng tải trong các bài viết thì UBND Huyện giải thích như thế nào? Nếu UBND huyện Phú Thiện cho rằng “Khu vực này chỉ có đường nội đồng để người dân đi lại sản xuất nông nghiệp, các phương tiện cơ giới vận chuyển cát, xe máy không thể di chuyển được”. Nếu nội dung này của Huyện là đúng, vậy thì chiếc “máy múc đang hoạt động dưới lòng sông” mà UBND xã Ia Sol đã lập biên bản khi đi kiểm tra thực tế từ đâu mà có, rồi di chuyển bằng cách nào? Và hiện nay chiếc máy múc “để khơi thông dòng chảy, phục vụ nước tưới cho diện tích trồng thuốc lá và lúa tại khu vực trên” (trích Báo cáo số 26/BC-UBND ngày 10/02/2021 của UBND xã Ia Sol) đang ở phương trời nào, và bằng cách nào mà chiếc máy múc này đi chuyển được, trong khi “Khu vực này chỉ có đường nội đồng để người dân đi lại sản xuất nông nghiệp, các phương tiện cơ giới vận chuyển cát, xe máy không thể di chuyển được”?

Ngoài ra, UBND huyện Phú Thiện cho rằng “Qua kiểm tra không có dấu hiệu khai thác cát trái phép vì: Cát vẫn còn nguyên vẹn sau khi người dân khơi thông dòng chảy, không có dấu hiệu vận chuyển, thất thoát”. Như thế nào được gọi là “cát vẫn còn nguyên vẹn”? Huyện Phú Thiện phải chăng chỉ kiểm tra bằng cách nhìn nhận, chứ không có đơn vị nào cân đong, đo đếm số cát trên? Và khối lượng cát tại khu vực người dân phản ánh ngày 6/2 với khối lượng cát ngày 10/2, làm cách nào mà UBND huyện biết được “vẫn còn nguyên vẹn”?

Việc ông Trịnh Văn Sang đề nghị Môi trường và Đô thị Việt Nam xem xét, đính chính là không có cơ sở, bởi toàn bộ những thông tin mà MT&ĐT đăng tải là có chứng cứ rõ ràng, thuyết phục.

Chủ tịch huyện Phú Thiện hứa “sẽ rút kinh nghiệm”

Theo văn bản số 531, “Đối với nội dung tại văn bản số 59/CV - VPĐDKVMT ngày 01/4/2021 của Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam: “đề nghị ông Trịnh Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai cung cấp chứng cứ cho rằng Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử “bịa chuyện””.

Với nội dung này: đồng chí Trịnh Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện thông tin lại là: lúc đó đồng chí đang họp, Phóng viên lại gọi liên tục, nên đồng chí đã nhắn tin cung cấp số điện thoại của đại diện Lãnh đạo UBND huyện phụ trách lĩnh vực; đồng chí có nhắn tin qua Zalo để trao đổi riêng giữa đồng chí và Phóng viên là “Cac chú đóg gop vao viec chung thi a rat hoan ngenh, và cũg gop phan qly. đừg bịa chuyện như chỗ bãi cat vua roi la đc”, đây là ý trao đổi chỉ với 02 người với nhau, không có người thứ 03, không có hành vi, ý định xúc phạm uy tín của Phóng viên; do cách dùng từ chưa hợp lý nên dẫn đến việc hiểu lầm giữa hai bên; vấn đề này, đồng chí sẽ rút kinh nghiệm”.

Liên quan đến nội dung trên, sau khi đăng tải loạt bài phản ánh các vấn đề nóng tại huyện Phú Thiện. Chiều 19/3/2021, lãnh đạo Văn phòng đại diện khu vực Tây Nguyên tại Gia Lai gọi điện cho ông Trịnh Văn Sang - Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện để đăng ký làm việc theo quy định. Thì ông Sang nói với PV là nói nhanh vì ông bận rất nhiều việc. Khi PV đề cập đến nội dung xe quá khổ quá tải lưu thông tại thôn Ia Ptau, xã Ia Sol thì ông Sang nói PV liên hệ với ông Tuấn (Nguyễn Anh Tuấn) - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện. Điều đáng nói ở đây khi gọi điện cho lãnh đạo Huyện, PV chỉ gọi một lần để đăng ký làm việc với Chủ tịch UBND huyện, nhưng vì điện thoại của ông Sang bận, nên sau đó PV có gọi lại và ông Sang nghe máy như nội dung nói trên, chứ không có việc “Phóng viên lại gọi liên tục” như những gì ông Sang trả lời. Phải chăng vị Chủ tịch Huyện này có ý tô vẽ thêm hòng bôi xấu về văn hóa gọi điện của PV MT&ĐT đến nhiều cơ quan khác. Bởi Văn bản số 59/CV - VPĐDKVMT ngày 01/4/2021 của Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam chỉ kính gửi UBND tỉnh Gia Lai, và UBND huyện Phú Thiện. Nhưng Văn bản số 531 do ông Trịnh Văn Sang ký, thì lại kính gửi đến 9 cơ quan, chưa kể nơi nhận là hàng loạt các cơ quan: “Thường trực Huyện ủy; Thường trực HĐND huyện; Chủ tịch, các PCT UBND huyện; Công an huyện; các phòng Kinh tế - Hạ tầng, Tài nguyên - Môi trường; Chánh VP, Phó chánh VP UBND huyện; Đảng ủy, HĐND, UBND các xã thị trấn; Cổng Thông tin điện tử huyện”.

PV chỉ gọi cho ông Sang một lần, nhưng điện thoại của ông Sang bận, nên PV gọi lại, chứ không có việc “Phóng viên lại gọi liên tục” như những gì ông Sang trả lời.

Theo Văn bản số 306/STTTT-TTBCXB ngày 20/4/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai “V/v hướng dẫn một số nội dung thực hiện Nghị định 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ”. Theo đó, đối với các cơ quan hành chính nhà nước, người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được quy định cụ thể như sau: Các sở, ban ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh: Thủ trưởng cơ quan. Ủy ban nhân dân cấp cấp huyện và cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân đân. Trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó là người được giao phụ trách cơ quan thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (gọi là người được ủy quyền phát ngôn). Việc ủy quyền này phải được thực hiện bằng văn bản và chỉ áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định.

Khi thực hiện ủy quyền thì họ, tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ email của người được ủy quyền phát ngôn cùng văn bản ủy quyền phải được đăng tải trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan (đối với trường hợp cơ quan chưa có cổng/trang thông tin điện tử) trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ký văn bản ủy quyền.

Vậy trách nhiệm của ông Trịnh Văn Sang - Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện (là người phát ngôn của UBND huyện) trong việc phát ngôn báo chí đến đâu khi nói PV liên hệ với ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện? Ông Sang đã có văn bản ủy quyền cho ông Tuấn phát ngôn trong vấn đề mà PV MT&ĐT đề cập hay chưa? Nếu ông Sang chưa có văn bản ủy quyền cho ông Tuấn, mà đề nghị PV liên hệ với ông Tuấn, là hành vi tùy tiện, xem thường (hoặc không biết) quy định của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.

Tình trạng xe quá tải, quá khổ tăng thêm sau khi UBND huyện có văn bản chỉ đạo “không để xảy ra tình trạng trên trong thời gian tới”

Ngày 19/3/2021, UBND huyện Phú Thiện có Văn bản số 392/UBND-TH “V/v liên quan đến thông tin Báo Môi trường và Đô thị phản ánh”. Theo đó, “Trong thời gian đến, UBND huyện yêu cầu Ban ATGT huyện, lực lượng cảnh sát giao thông huyện và chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm ATGT, nhất là các trường hợp xe quá tải, quá khổ lưu thông trên địa bàn huyện;… UBND huyện sẽ chỉ đạo cơ quan có liên quan kiểm tra, rà soát và tổ chức cắm biển báo theo đúng tải trọng thiết kế của tất cả các tuyến đường trên địa bàn huyện… Về thông tin chiều 16/3/2021 nhiều xe quá tải, quá khổ di chuyển từ bãi cát Kim Ngân ra tuyến đường liên thôn, liên xã…: Vấn đề này, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Ia Sol, lực lượng cảnh sát giao thông huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm không để xảy ra tình trạng trên trong thời gian tới”.

Nội dung Văn bản chỉ đạo của UBND huyện Phú Thiện quyết liệt là vậy. Tuy nhiên, trên thực tế, không rõ cơ quan chức năng của Huyện này đã kiểm tra xử lý xe quá khổ, quá tải như thế nào, mà tình trạng trên không thuyên giảm. Trái lại, còn vi phạm nhiều hơn. Điều này, càng làm dư luận đặt câu hỏi, phải chăng các xe chở cát quá tải thường xuyên lưu thông trên tuyến đường nói trên được một thế lực nào đó bảo kê, hoặc có “lợi ích nhóm” nên tình trạng trên vẫn tồn tại sau khi UBND huyện có văn bản chỉ đạo.

Từ đầu năm 2021 đến nay, đội CSGT Công an huyện Phú Thiện xử lý được… 4 trường hợp xe quá khổ quá tải, trong đó có 2 trường hợp chở cát từ trong bãi cát Kim Ngân ra ngoài. Tuy nhiên, những trường hợp mà PV cung cấp vẫn chưa được xử lý.

Đơn cử là buổi chiều 29/3, theo ghi nhận của PV tại thôn Ia Ptau, hàng loạt các xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đoạn đường giao thông nông thôn nhưng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng xử lý. Cụ thể, nhiều xe tải chở cát từ hướng bãi cát Kim Ngân chạy ra QL 25 như: xe tải BSK: 81C-178.81; xe tải BKS: 81H-001.25 và nhiều xe quá khổ, quá tải khác. Tất cả những chiếc xe này đều chở cát cao vượt thùng xe và không được che chắn kỹ làm cát rơi vãi và chảy nước xuống mặt đường, nhưng cũng không thấy lực lượng chức năng xử lý.

Hoặc ngày 3/4, PV vẫn tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp các xe quá khổ, quá tải chở cát từ hướng bãi cát Kim Ngân chạy ra QL 25 nhưng vẫn không thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Vậy Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện sẽ chịu trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra tình trạng các xe quá khổ, quá tải chở cát lưu thông trên đường bê tông nông thôn diễn ra trong thời gian dài, đặc biệt là sau khi UBND huyện có văn bản chỉ đạo “không để xảy ra tình trạng trên trong thời gian tới”?

Để có câu trả lời thuyết phục, đề nghị UBND tỉnh Gia Lai có hinh thức xử lý trách nhiệm người đứng đầu UBND huyện Phú Thiện. Và có Văn bản phản hồi gửi đến Văn phòng đại diện Môi trường và Đô thị Khu vực Tây Nguyên tại Gia Lai nhằm thông tin kịp thời đến bạn đọc.

Môi trường và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Loạt bài phản ánh tại Phú Thiện: Trách nhiệm lãnh đạo huyện đến đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.