Thứ năm, 28/03/2024 23:44 (GMT+7)

Năm 2018 đầy cơ hội và thách thức

MTĐT -  Thứ năm, 08/03/2018 11:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn, cuốn hút các nhà đầu tư và du khách bốn phương

Khép lại năm 2017, nhiều tờ báo lớn trên thế giới đã có những bài viết phân tích, đánh giá tinh tế về tình hình Việt Nam. Tờ Độc lập của nước Nga nhận định rằng: có ba sự kiện nổi bật trong năm ở Việt Nam: “Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng; Kỷ niệm 100 năm cách mạng Tháng mười Nga và Kết quả tích cực của 30 năm đổi mới. Ba sự kiện đó ngang nhau về tầm vóc”.

Với tựa đề: “Việt Nam không còn là cá bé nữa”, cây bút bình luận nổi tiếng An-đi Mu-khơ-gi của tờ Bloomberg ngày 30/11/2017 ghi nhận sự khởi sắc mới của nền kinh tế Việt Nam. Tác giả lưu ý rằng, chỉ mới bốn năm trước, thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh có khối lượng giao dịch trị giá 50 triệu USD mỗi ngày trong khi thị trường chứng khoán ở Manila có quy mô gấp 5 lần. Nhưng đến năm 2017 này, Việt Nam có thể vượt Philippin.

Tác giả chỉ ra ba nguyên nhân chủ yếu:

Thứ nhất, hệ thống ngân hàng hiện nay so với năm 2012 đã “sạch hơn rất nhiều” và “đang tăng trưởng nhanh chóng trở lại”.

Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam quyết tâm thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (việc cổ phần hóa của Công ty sữa Vinamilk, Tổng Công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ở thành phố Hồ Chí Minh là thí dụ điển hình).

Thứ ba, Việt Nam đã gia nhập chuỗi cung ứng thiết bị điện tử và điện thoại thông minh châu Á. Mặt hàng xuất khẩu số một hiện nay của nước này không còn là may mặc, giày dép, thủy hải sản, cà phê, hạt điều nữa, mà là linh kiện điện thoại thông minh đã tăng vọt lên 36,5 tỷ USD trong năm 2017. Kinh tế tăng trưởng, chính trị - xã hội ổn định, làm cho du khách quốc tế đến Việt Nam cảm thấy yên tâm và thích thú. Dự các hoạt động bên lề Hội nghị cấp cao APEC 2017, phu nhân tổng thống Peru Nan-xi An Len-giơ chia sẻ: “Việt Nam là một đất nước tuyệt vời. Các bạn đã có một bề dày lịch sử đáng ngạc nhiên với những nghề thủ công truyền thống có giá trị, cần được gìn giữ không chỉ cho hiện tại mà cho cả tương lai”. Chị Ca-đri-nô-va, Chủ tịch Hội Nhà báo tiếng Bun-ga-ri và Tây Ban Nha cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và có ấn tượng vô cùng tốt đẹp với đất nước mến khách này”…

Ảnh minh họa

Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn, cuốn hút các nhà đầu tư và du khách bốn phương

Chỉ trong hai quý cuối năm 2017, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã bật tăng mạnh mẽ để về đích trước hai tháng so với kế hoạch, đưa con số của cả năm đạt kỷ lục cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Sau những trả giá vì “trái đắng Formasa”, các chuyên gia khuyến nghị, cần phải nhìn nhận lại một cách đầy đủ, toàn diện về chất lượng vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 2017 khép lại, thêm một năm ghi đậm dấu ấn đối ngoại Việt Nam. Cũng những thành quả về phát triển kinh tế - xã hội, thành tựu đối ngoại toàn diện và nổi bật đã đem đến vị thế mới, tinh thần mới cho đất nước, góp phần gia tăng sức mạnh quốc gia, tạo thế chiến lược vững vàng, là cơ sở quan trọng để Việt Nam chủ động và tự tin bước vào năm 2018.

Bản lĩnh, trí tuệ và sự trưởng thành của đối ngoại Việt Nam thể hiện rõ nét trong nỗ lực cùng các quốc gia thành viên tái khởi động thành công “phiên bản TPP 2.0” là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với việc “hồi sinh” thỏa thuận thương mại đa phương thế hệ mới nhất, Việt Nam góp phần quan trọng duy trì tiến trình hội nhập châu Á - Thái Bình Dương. Nỗ lực kết nối các mục tiêu chung trong chương trình nghị sự giữa APEC và ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công các cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo cấp cao, cũng như giữa các đại diện doanh nghiệp hai bên. Những thành tựu này phản ánh sinh động bước tiến mới của đối ngoại Việt Nam, đó là chủ động đóng góp xây dựng và định hình luật chơi chung, thể hiện là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Cố vấn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về cải thiện môi trường đầu tư còn đúc kết ba yếu tố để hợp tác thành công với các doanh nghiệp Nhật Bản. Đó là thực hiện nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và quy tắc tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế; theo đuổi hiệu quả và lợi nhuận. Thêm nữa, một chi tiết nhỏ và khá bất ngờ là giữ nhà xưởng sạch sẽ và ngăn nắp. Ông công bố, với các nhà đầu tư Nhật Bản, qua việc quan sát nhà xưởng, họ sẽ đánh giá được năng lực của đối tác chính xác hơn là đọc một tập tài liệu dày giới thiệu về Công ty. Nhưng trên thực tế chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chú trọng điều đó, vậy nên nhiều cơ hội đã bị bỏ qua.

Theo nhân định của các chuyên gia trong nước và nước ngoài, không chỉ năm 2017 hay năm 2018 mà đến cả năm 2022, 2023, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó là cơ hội, nhưng chúng ta cũng cần đến “lưới lọc” để loại bỏ những trường hợp mang lại rủi ro cho phát triển bền vững của quốc gia. Và để tận dụng tối đa cơ hội, ngoài việc cả hai bên đối tác doanh nghiệp cũng thật lòng cố gắng thì vai trò của Nhà nước cũng hết sức quan trọng để tạo nên hệ thống chính sách mang tính động lực thu hút đầu tư.

GS Nguyễn Mai nhìn nhận: “Triển vọng tốt đẹp có thành hiện thực hay không còn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xây dựng hệ thống chính sách đủ minh bạch, công khai, ổn định và thực thi nghiêm chỉnh”.

Cân nhắc lại, một mô hình tăng trưởng năng động, có tính đột phá đã là tư duy sớm, mong muốn của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam qua các thời kỳ. Sớm nhất, ý tưởng về xây dựng các khu kinh tế đã được đề xuất tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa VIII) vào tháng 12/1997.

Năm năm sau đó, năm 2002, khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) được thí điểm triển khai. Từ đó đến nay, đã có 18 khu đã hoạt động, sử dụng 730.553 ha mặt đất, mặt nước. Đó có thể coi là thành công, nhưng chỉ ở góc độ số lượng.

Về chất lượng phát triển, đặc biệt là tổng kết mô hình, thể chế hòa thành chính sách, thì khu kinh tế ven biển vẫn chưa tạo được đột phá. Và đó chính là điều dự thảo luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt muốn giải quyết.

Nhưng vấn đề là, những đề xuất về cơ chế đặc thù cho đặc khu kinh tế vẫn chưa được thông qua tại kỳ họp Quốc hội khép lại năm 2017, bởi vẫn chưa có được sự thống nhất về cơ chế, chính sách cho mô hình.

Tất nhiên, ở chiều xuôi, ai cũng hiểu, muốn có sự nhảy vọt về kinh tế cho một mô hình và tạo hiệu ứng lan tỏa tốt thì đòi hỏi chính sách phải có trước hết là sự đột phá. Đã xuất hiện đề xuất trao cho trưởng đặc khu 116 quyền tự quyết trong các lĩnh vực tài chính, ngân sách, đầu tư công, đầu tư kinh doanh, quy hoạch,xây dựng, đô thị, nhà ở và bất động sản, tài nguyên, môi trường, giao thông vận tải, công nghiệp… Đồng thời với đó là đề xuất cho thuê đất tới 99 năm trong đặc khu kinh tế, là ưu đái thuế thấp hơn hẳn mặt bằng quy định chung.

Kinh nghiệm hơn 30 năm đổi mới đất nước cho thấy, sự chậm trễ trong xây dựng chính sách, trong nhiều trường hợp, đồng nghĩa với đánh mất cơ hội phát triển. Một khi đặt ra yêu cầu về một nhà nước kiến tạo, trước hết phải ban hành kịp thời những chính sách, luật pháp có tính chất tạo nên bệ đỡ giúp cho tiềm năng tăng trưởng được khơi gợi và cất cánh.

Những nỗ lực và kết quả tích cực của hoạt động ngân hàng trong năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moodys đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ ổn định” lên “tích cực”.

Năm 2017, trong bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ quốc tế có nhiều biến động, theo đánh giá của Hãng tin Bloomberg, VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á. Nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ. Đặc biệt, tổng dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt mức kỷ lục, xất xỉ 52 tỷ USD. Trong năm 2018, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ một cách ổn định tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, tiếp tục chỉ đạo mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, và tập trung tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với ngành, lĩnh vực theo chủ trương chính phủ.

Với những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN và sự hưởng ứng, vào cuộc ngay từ những ngày đầu của năm của các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì được sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Năm 2017, theo nghiên cứu của ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 32 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đứng ở vị trí 46/190 quốc gia/ trên nền kinh tế. Việt Nam cũng là nền kinh tế có chỉ số tiếp cận điện năng cải thiện vị trí nhiều nhất trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, chưa thể bằng lòng với kết quả đạt được như trên, chặng đường phía trước EVN sẽ còn phải tập trung vào mũi nhọn cải cách và đổi mới trong tổ chức hoạt động, như một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu “tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đưa EVN trở thành tập đoàn vững toàn diện”.

Bước sang năm 2018 EVN xác định chủ đề “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” đáp ứng sự phát triển của EVN trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lộ trình tái cơ cấu Tập đoàn và các yêu cầu tại Nghị quyết 18- NQ/TW của BCHTU EVN tiếp tục hoàn thiện thể chế, mô hình tổ chức và công tác cán bộ góp phần quyết định năng lực quản trị của doanh nghiệp. nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển và hiện đại hóa của tập đoàn được xác định là động lực cho phát triển.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, cần tập trung ba nhóm nguồn nhân lực, về nguồn nhân lực quản lý, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và năng lực tốt, có cơ cấu phù hợp với các chiến lược phát triển của tập đoàn, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ,tiếp tục thực hiện các kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý đến năm 2020. Chương trình khung đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý các cấp, phấn đấu đến năm 2020, 100% số các bộ quản lý và quy hoạch cấp tập đoàn được đào tạo theo chương trình chuẩn của của EVN.
Trên cơ sở tính toán cung cầu điện năng năm 2018 với các chỉ tiêu điện sản xuất và mua vào tăng 9,43% so với năm 2017. Tâp đoàn Điện lực luôn chú trọng vào công tác sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện ngày một tăng cao.

Nhu cầu cuộc sống ngày đòi hỏi các nông thực phẩm phải đạt chất lượng cao. để làm được điều này, trong 24 năm qua công ty cổ phần chăn nuôi CP. Việt Nam (CPV) đã đón mọi nguồn lực đầu tư công nghệ, hợp tác với người dân sản xuất theo mô hình khép kín để nâng cao chất lượng nông phẩm Việt Nam. Trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân, ông Montri Swanposri - Tổng công ty CPV khẳng định:

“Ngành nông nghiệp của Việt Nam đang đứng trước thay đổi lớn khi chính phủ có nhiều quyết sách, để đổi mới ngành nông nghiệp và Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với các nước, theo tôi, ngành nông nghiệp Việt Nam dứt khoát phải thay đổi từ quy mô sản xuất, kỹ thuật canh tác, đặc biệt là phải tạo ra được những sản phẩm chất lượng. Riêng CPV sẽ gia tăng khả năng đầu tư vào nhà máy, đưa bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất áp dụng vào sản xuất. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với người nông dân VIệt Nam trong chăn nuôi, cung cấp con giống, thức ăn, kiểm soát thú y, bao tiêu sản phẩm để người chăn nuôi có lợi nhuận cao. Gần đây chính phủ Việt Nam đã hành động mạnh mẽ trong việc đối mới chính sách, hối thúc các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực đổi mới về sản xuất kinh doanh, tôi nghĩ bằng mọi quyết tâm của Chính phủ và sự chung tay của người dân, đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tang trưởng mạnh, vai trò đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp là hết sức quan trọng, trong đó có CPVcủa chúng tôi.”

Một lần nữa, vấn đề liên kết vùng để phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của các địa phương lại được đặt ra như mệnh lệnh của phát triển, hội đồng điều phối vùng, được thành lập theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), sẽ phải vận hành ra sao để tháo gỡ được bất cập bấy lâu.

Mục tiêu đặt ra cho liên kết vùng hết sức rỗ ràng, mang lại triển vọng phát triển chung cho cả khu vực ĐBSCL và nâng cao năng lực thích ứng với những vấn đề lớn như BĐKH, nước biển dâng trên quy mô rộng lớn. Tuy nhiên, khi đưa vào thực tế lại vấp phải những mối “xung đột lợi ích” do các ngành, các tỉnh, “chỉ lo cho mình”.

Liên kết vùng là vấn đề lớn, khó được thực hiện trên hiện trạng tổ chức bộ máy quản lý điều hành, các nguồn nhân lực phân tán, cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật “thiếu phối hợp, thừa chồng chéo”. Việc phân bố ngân sách cho các chương trình, dự án đầu tư liên kết vùng mang tính chất tích hợp, vượt ra ngoài không gian hành chính tỉnh và nội bộ một ngành, cho đến giờ vẫn luôn bị vướng mắc bởi nhiều quy định của Luật ngân sách, Luật đầu tư công, Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Theo đó cần thành lập Hội đồng điều phối vùng có thực quyền, chỉ tập trung hai lĩnh vực then chốt: điều phối việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước và quyết định và các dự án đầu tư lớn, có tính liên kết vùng (theo quy mô, tính chất dự án). Giúp việc cho Hội đồng chỉ cần có một bộ phận hoặc văn phòng gọn nhẹ cán bộ chuyên môn tốt .
Để kết luận bài này tôi xin trích ý kiến của thủ tướng Nguyễn Xuân phúc trong bài “Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững” (HNM ngày 2/3/2018)

“Với nhiều tín hiệu lạc quan từ quốc tế và trong nước, dự báo kinh tế vĩ mô và tăng trưởng năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không chủ quan trong bối cảnh tình hình biến đổi nhanh, khó dự báo với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Hoàn thiện thể chế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là một nội dung quan trọng nhằm phát huy vai trò kiến tạo của Nhà nước trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đường lối đổi mới của Đảng. Kiên quyết, kiên trì giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không tăng trưởng bằng mọi giá, là mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” chúng ta cần sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để ứng phó kịp thời với những biến động tình hình quốc tế, trong nước để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành kinh tế vĩ mô vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, đòi hởi các cấp, các ngành phải chủ động, linh hoạt luôn bám sát thực tiễn, không ngừng đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nền kinh tế nước ta vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững”./.

  PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Năm 2018 đầy cơ hội và thách thức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.