Thứ ba, 16/04/2024 16:18 (GMT+7)

Ngày Nước thế giới năm 2021 có chủ đề là “Giá trị của nước'

PV -  Thứ hai, 22/03/2021 10:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2021 có chủ đề là “Giá trị của nước”, nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của tài nguyên nước.

Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2021 có chủ đề là “Giá trị của nước”, nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của tài nguyên nước; giá trị của nước về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội; giải pháp hiệu quả để bảo vệ nguồn nước trước các áp lực do gia tăng dân số, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và biến đổi khí hậu.

Chúng ta biết nước là khởi nguồn của sự sống, mọi biến động về nguồn nước cũng sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố môi trường và sự sống trên Trái đất. Hiện nay, tại nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới, nhu cầu về nước sạch và các điều kiện vệ sinh môi trường của người dân chưa được đáp ứng đầy đủ do bị hạn chế trong việc tiếp cận với nguồn nước sạch và hạ tầng nguồn nước. Vì vậy, nước có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng. Trong các hộ gia đình, trường học hay nơi làm việc, nước có thể mang ý nghĩa về mặt sức khỏe, vệ sinh và quyết định năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Với thiên nhiên, nước mang ý nghĩa cho sự hòa bình, hòa hợp và bảo tồn, phát triển.

Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2021 có chủ đề là “Giá trị của nước”, nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của tài nguyên nước

Hiện nay, tài nguyên nước đang bị đe dọa nghiêm trọng do dân số tăng nhanh, nhu cầu ngày lớn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Như vậy, nếu không có các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch để tiết kiệm và bảo tồn tài nguyên nước sẽ không thể bảo vệ được nguồn tài nguyên hữu hạn này.

Thông qua thông điệp, chủ đề Ngày nước thế giới năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn sự quan tâm, chung tay của cộng đồng trong việc nhận thức được sự quan trọng của tài nguyên nước đối với mỗi gia đình, sinh kế, tập quán văn hóa, quyết định hạnh phúc và môi trường sống của con người. Bằng các giá trị của nước đem lại, có thể đưa ra các giải pháp hiệu quả để quản lý, bảo vệ nguồn nước, tài nguyên nước hiệu quả.

Hiện nay, còn 2,2 tỷ người đang sống trong tình trạng không được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn. Do vậy, các quốc gia cần phải có những hành động mang tính toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng nước nhằm đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững 6: “Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030”. Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Thị Thu Linh đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí để làm rõ hơn về Chủ đề Ngày Nước thế giới năm nay.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Thị Thu Linh.

Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, đến năm 2025 sẽ có 30 quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm nước. Sự phát triển kinh tế và dân số toàn cầu ngày càng tăng đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng ngày càng cần nhiều nước hơn cũng đồng nghĩa với việc nước ngọt tiếp tục trở nên khan hiếm, suy giảm. Vậy, Việt Nam có nằm trong trình trạng này không?

Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Linh cho biết:  Việt Nam có 108 lưu vực sông (LVS), với khoảng 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên nên thường được nhận định là quốc gia có nguồn tài nguyên nước dồi dào với tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 9.434 m3/người/năm, cao so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu.

Tuy nhiên, do tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ đạt 4.200 m3/người/năm, thấp so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900m3/người/năm. Trong bối cảnh đó, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, nước ta là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng.

Đồng thời, trong những năm gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn đã và đang đẩy mạnh việc khai thác sử dụng nước trên các sông liên quốc gia, nhất là trên lưu vực sông Mê Công và lưu vực sông Hồng. Đặc biệt, hoạt động đắp đập, chặn dòng, xây dựng công trình thủy điện và vận hành của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mê Công đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam, đe dọa an ninh nguồn nước của nước ta.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, 11/16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước đặc biệt là trên 4 lưu vực sông chính tạo ra 80% GDP của Việt Nam: Hồng-Thái Bình, Cửu Long, Đồng Nai và nhóm lưu vực sông Đông Nam Bộ. Giá trị kinh tế của nước chưa được phân bổ đồng đều cho các đối tượng sử dụng nước khác nhau, chẳng hạn như còn các cơ chế miễn phí, ưu đãi đặc biệt cho sử dụng nước cho nông nghiệp - là hộ sử dụng nước có tiêu hao lớn nhất dẫn đến sử dụng nước còn lãng phí, không hiệu quả.

Theo tính toán, với mỗi đơn vị (m3) nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 đôla GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 đôla, thấp hơn Lào 2,53 USD. Giá trị của nước không được nhận thức đúng đắn dẫn đến tình trạng sử dụng tài nguyên nước lãng phí.

Chủ đề của Ngày Nước Thế giới năm 2021 nhấn mạnh về giá trị của nước, nâng cao vị thế giá trị mà nước mang lại cho cuộc sống, sức khỏe và môi sinh. Nội dung chính và ý nghĩa của chủ đề năm nay?

 Bà Linh cho biết thêm, chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2021 được chọn là “Giá trị của nước” nằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị thế giá trị mà nước mang lại cho cuộc sống, sức khỏe và môi sinh.

Việc chúng ta nhận thức về giá trị của nước sẽ quyết định nước được quản lý và chia sẻ như thế nào đó là nội dung chính của chủ đề năm nay. Thực tế, ngoài các giá trị nước mang lại cho mọi người như nước sạch, vệ sinh hoặc cho các hoạt động sản xuất và dịch vụ thì nước còn có các giá trị về sức khỏe, môi trường, văn hóa, đời sống xã hội và tâm linh mà các giá trị này ít hoặc không được chú ý đến. Do vậy, giá trị của nước nhiều hơn rất nhiều so với giá thành của chúng, nhiều giá trị không thể ước tính bằng tiền tệ mà lại vô cùng quan trọng với cuộc sống con người; việc xác định đầy đủ giá trị của nước tùy vào mục đích sử dụng nước giúp chúng ta quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên này.

Thông qua các thông điệp này Ngày Nước thế giới năm 2021 nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách tăng cường thực hiện các giải pháp hiệu quả bảo vệ nguồn nước trước áp lực của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu. Theo đó, nhấn mạnh giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp chúng ta đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Bạn đang đọc bài viết Ngày Nước thế giới năm 2021 có chủ đề là “Giá trị của nước'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.