Thứ sáu, 29/03/2024 12:42 (GMT+7)

Ngày Xuân nói chuyện…rác ở Sài Gòn!

Thu Hiền -  Thứ ba, 26/01/2021 08:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rác đúng là bỏ đi, nhưng bỏ đi đâu trong cái Sài Gòn chật chội này? Theo ước tính, năm 2020, SG có khoảng 9 triệu dân, mỗi người chỉ bỏ đi 1 kg rác/ngày thì mảnh đất này phải gánh khoảng 9.000 tấn rác

Để người Sài Gòn tự giác…

Gặp chúng tôi trước thềm năm mới, ông Cao Văn Tuấn - Trưởng phòng Công nghệ Môi trường và Kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) cho biết, với trách nhiệm là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực vệ sinh môi trường của Sài Gòn, ngay từ những năm 2013, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đã tổ chức thực hiện thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên đường Độc Lập, phường Tân Thành, quận Tân Phú. 

Tuyên truyền hướng dẫn phân loại rác tại hộ gia đình.

Qua sơ kết ban đầu, chương trình chưa đạt được hiệu quả vì sự phối hợp giữa đơn vị thực hiện chương trình với các ban ngành đoàn thể địa phương trong công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả cao. Vì vậy, chất  thải tái chế sau phân loại, người Sài Gòn gom lại bán cho lực lượng ve chai thay vì giao  cho chương trình. “Thì cũng đúng thôi! Vì họ không được lợi ích gì mà thực hiện phân loại rác lại phiền  phức. Hơn nữa, đa số họ cho đây là hoạt động diễn ra trong thời gian ngắn chứ không phải là một chương trình mang tính chất lâu dài”- ông Tuấn  nói.  

Trên cơ sở rút kinh nghiệm giai đoạn 1, tháng 4/2014, công ty mạnh dạn khởi động giai đoạn 2 của dự án, mở rộng thêm 3 tuyến đường Lê Lư, Lê Khôi, Tân Sơn Nhì trên địa bàn quận Tân Phú. Ở giai đoạn này, công ty điều chỉnh chương trình bằng hình thức vận động người dân phân loại và giao chất thải tái chế cho chương trình. Đổi lại, chương trình sẽ tặng những sản phẩm tiêu dùng tương ứng với khối lượng chất thải tái chế mà các hộ dân chuyển giao.“Có cơ chế khuyến khích đối  với các hộ tham gia, họ mới tích cực. Bên cạnh đó, công ty tặng túi nylon tự hủy, thùng rác cho các hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nhà. Tháng 9/2014 đến tháng 7/2015, Chương trình thấy có hiệu quả ngay, nên mở rộng thêm 02 tuyến đường là đường Cây Keo, Trần Hưng Đạo và chung cư Tây Thạnh”- Ông Tuấn chia sẻ.

Thành viên Đội Tuyên truyền Đoàn Công ty chụp ảnh lưu niệm anh Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng CNMT và KTCL, chị Nguyễn Thị Quế Lâm, Bí thư Đoàn Công ty.

Nhờ thay đổi và điều chỉnh phương pháp thực hiện, đặc biệt quan tâm đến lợi ích của người dân mà hiện nay có gần 60% hộ gia đình (1.102/1.910 hộ trên địa bàn) đã tham gia phân loại và chuyển giao rác phân loại cho lực lượng thu gom hàng  tuần. Ý thức tự giác của người Sài Gòn trong việc tham gia bảo vệ môi trường đã được nâng lên rõ rệt, góp phần xây dựng thành phố sạch, xanh. 

Sức mạnh của sự liên kết

Bên cạnh công tác “dân vận”, công ty còn phối kết hợp với Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam triển khai thực hiện dự án “Không còn bao bì nhựa thải ra môi trường” tại 02 trạm trung chuyển liên vùng. Dự án được UBND thành phố cho công ty tiếp tục vận hành, mở rộng và nâng cấp giai đoạn từ  2020-2025, giúp hình thành thói quen phân  loại rác thải bao bì nhựa từ lực lượng thu gom rác dân lập. Từ đó, tạo nền tảng hình  thành thị trường thu mua chất thải bao bì nhựa để nghiên cứu sản xuất nguồn nguyên  liệu thứ cấp, phục vụ cho hoạt động tái chế, tái sử dụng giúp giảm thiểu ô nhiễm môi  trường và thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn. 

Đại diện lãnh đạo Công ty, đại diện địa phương và các đơn vị phối hợp tổ chức chụp ảnh lưu niệm với bà Lê Thị Hồng Hậu, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp TP và bà Đỗ Thị Diễm Thuý, Phó phòng Quản lý Chất thải rắn Sở Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh đó, công ty còn tham gia dự án quốc tế về “Quản lý và tái chế nhựa” SEA Plastic Edu của  Erasmus+ nhằm nâng cao năng lực quản lý, tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng công  nghệ tái chế nhựa hiện đại từ các nước phát triển vào thực tiễn tại đơn vị. 

Không chỉ vậy, công ty còn phối hợp với Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, các đơn vị thành viên của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững tổ chức thực hiện sáng kiến “Không xả thải ra thiên nhiên” tại Aeon Tân Phú, nhằm tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường, huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia giải quyết các vấn đề môi trường nói chung và chất thải nhựa nói riêng

Thành viên Đội Tuyên truyền Đoàn Công ty chụp ảnh lưu niệm với ông Võ Phi Hải, Phó trưởng phòng TN và MT quận Tân Phú; Anh Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng CNMT và KTCL, chị Nguyễn Thị Quế Lâm, Bí thư Đoàn Công ty.

“Với phương châm "Rác là tài nguyên" cùng tầm nhìn chiến lược, công ty hoàn toàn tự tin về năng lực, trình độ, luôn chủ động và tiên phong đi đầu trong thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đặc biệt, nhờ áp dụng mô hình “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn” nên đã thúc đẩy, nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo chủ trương của thành phố”- Ông Cao Văn Tuấn khép lại câu chuyện đầu Xuân.

Bạn đang đọc bài viết Ngày Xuân nói chuyện…rác ở Sài Gòn!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới