Thứ sáu, 29/03/2024 21:32 (GMT+7)

Người dân đổ xô ra đường: Ít ca nhiễm mới không có nghĩa đã an toàn

MTĐT -  Thứ sáu, 10/04/2020 09:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau hơn 1 tuần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ, người dân bắt đầu chủ quan, lơ là, đổ ra đường. Tuy nhiên, chuyên gia y tế cảnh báo, ca nhiễm nhiễm mới ít đi không có nghĩa là đã an toàn.

Theo bản tin phát lúc 6h00 sáng ngày 10/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, sáng nay, Việt Nam tiếp tục không phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới. Hiện số mắc vẫn là 255 ca. Cũng trong ngày hôm nay, dự kiến có 14 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Sau hơn 1 tuần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhiều người dân tại Hà Nội và TP.HCM bắt đầu lơ là, chủ quan với việc giãn cách để phòng dịch bệnh. Đường phố những ngày gần đây bắt đầu đông đúc phương tiện hơn; nhiều khu vực công cộng xuất hiện các hoạt động thể dục, thể thao và chỉ khi có sự xuất hiện của lực lượng chức năng đến nhắc nhở, vận động, người dân mới chấp hành.

Nguyên nhân có thể một phần do thời tiết đang ấm dần cộng với việc trên các báo, đài ghi nhận các ca bệnh có dấu hiệu giảm xuống, điều này làm nhiều người có tâm lý chủ quan với dịch bệnh, "thả lỏng" sau thời gian ở nhà do yêu cầu cách ly xã hội.

Đường phố Hà Nội đông đúc như không hề có lệnh cách ly xã hội. Ảnh: Báo Lao động.

Dù vậy, các chuyên gia y tế cảnh báo người dân có tâm lý chủ quan khi số ca mắc mới đang có xu hướng giảm trong vài ngày gần đây. Theo lý giải của các nhà khoa học, mặc dù số ca mắc mới mỗi ngày giảm, nhiều thời điểm ít hơn số ca được công bố khỏi bệnh, tuy nhiên, một số bệnh nhân mới có lịch trình phức tạp đang cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm cộng đồng gia tăng.

Đáng nói, người dân lại đang có tâm lý chủ quan dễ dẫn đến mọi nỗ lực phòng chống dịch thời gian qua của Chính phủ và các ngành chứ năng bị “đổ sông đổ bể”.

Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết: “Chúng ta đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, với tư tưởng chủ quan như vậy sẽ khiến virus lây lan, dịch bùng lên lúc nào không biết”.

“Dịch đang âm thầm và hoàn toàn có thể bùng lên. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc giãn cách xã hội rất quan trọng. Vì khi có ca lây nhiễm trong cộng đồng, sẽ không biết ai là người đang nhiễm và không biết đâu là nguồn bệnh”, PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Trao đổi với VTCNews, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về vấn đề này cho rằng, sự thiếu ý thức của một số người có thể dẫn đến hậu hoạ mà chúng ta không thể lường trước, khiến công sức chống dịch 2 tháng nay có thể đổ sông, đổ biển.

Nếu lỡ phát sinh một cộng đồng nhiễm bệnh lây lan nhanh thì chúng ta sẽ trở tay không kịp. Trên thế giới, nhiều nước hùng mạnh về kinh tế, quân sự đang thảm thương vì tình cảnh này. Cho nên Việt Nam phải cố gắng cao nhất để điều đó không xảy ra.

Việc tập trung đông người ở các quán hàng, ngã ba, ngã tư, hay tụ tập hát hò, câu cá là điều cấm kỵ. Lực lượng chức năng cần xử phạt nghiêm các đối tượng này.  Với những kẻ lợi dụng dịch COVID-19 để đua xe cũng phải bị xử lý.

Còn những người trốn cách ly là đối tượng nguy hiểm, có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho xã hội, cần phạt nặng. Người không đeo khẩu trang cũng phải xử phạt.

Đường phố TP.HCM cũng đông đúc hơn những ngày đầu thực hiện cách ly xã hội.

Trước đó, chiều 8/4, chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các quận huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những cửa hàng bán hàng không thiết yếu, những người ra đường không đeo khẩu trang…

Theo chủ tịch UBND TP Hà Nội, hiện đang có hiện tượng người dân ra đường và đi tập thể dục đông hơn, "phá vỡ những chỉ đạo".

"Nếu như vậy, rất dễ rơi vào trường hợp như của Singapore, đến nay họ phải thiết quân luật", ông Chung nói.

Chiều 9/4, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình dịch COVID -19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nguy cơ lây nhiễm còn lớn nên không thể chủ quan. “Mọi người dân phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ai không thực hiện thì xử phạt nghiêm, phê phán cá phân, tập thể vi phạm. Chúng ta không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch COVID-19 như tình trạng một số nước vấp phải”, Thủ tướng nêu rõ.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Người dân đổ xô ra đường: Ít ca nhiễm mới không có nghĩa đã an toàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới