Thứ năm, 28/03/2024 23:30 (GMT+7)

Người dân khóc ròng bên đống đổ nát sau cơn bão số 12 Damrey

MTĐT -  Thứ hai, 06/11/2017 11:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giữa đống đổ nát sau khi cơn bão Damrey đi qua, những người dân xã Yang Mao chỉ biết dốc chút sức lực còn lại để tìm, đào bới với hy vọng vớt vát lại chút tài sản cuối cùng.

Tan hoang sau bão

Sau 2 ngày cơn bão số 12 – bão Damrey đi qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi đã vượt hàng trăm km tìm về xã Yang Mao (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão.

Nhà dân vẫn chìm trong biển nước sau bão. Ảnh: Trang Anh

Ngay từ đầu xã là cảnh tượng hoang tàn, đổ nát. Những ngôi nhà của người dân đã sinh sống từ lâu đời nay chỉ còn lại những tấm tôn, khúc gỗ gãy đổ. Người người, nhà nhà chỉ biết dùng chút sức lực còn sót lại sau cơn bão chống tạm nhà để lấy chỗ che mưa, che nắng.

Đang loay hoay giữa căn nhà đổ nát với ánh mắt nặng trĩu, ông Grưm Êban (SN 1960, buôn Mnang Dơng, xã Yang Mao) cố khơi những tấm tôn, thanh gỗ để tìm kiếm những tài sản còn sót lại.

Nhưng người đàn ông với thân hình nhỏ thó, nước da ngăm đen vì nắng gió chỉ biết thở dài bởi tất cả tài sản đều bị hư hỏng hoàn toàn.

Ông Grưm dốc chút sức lực cuối cùng để sửa sang lại nhà cửa. Ảnh: Trang Anh.

Đưa mắt nhìn về phía xa, ông Grưm cho hay, vào rạng ngày 4/11, khi gia đình ông đang ngủ bỗng giật mình bởi mưa lớn kèm gió giật mạnh, sau đó những tấm tôn của gia đình ông bắt đầu bật lên khỏi mái. Lo sợ tính mạng của gia đình bị đe dọa, gia đình ông gồm 5 người đã đưa nhau qua trú tạm nhà hàng xóm. Đến sáng khi mưa đã ngớt ông về thăm nhà thì chỉ còn lại đống đổ nát.

“Bão tàn phá khủng khiếp quá, gia đình tôi có còn gì nữa đâu. Ngay cả căn nhà để trú ngụ cũng bị gió bão quật đổ. Không những thế cà phê, tiêu là nguồn thu nhập chính của gia đình cũng bị bão làm cho đổ rạp. Thời gian tới vợ chồng tôi không biết phải sống làm sao”, ông Grưm rưng rưng nước mắt nói.

Nhiều nhà dân đổ sập hoàn toàn sau cơn bão. Ảnh: Trang Anh.

Tương tự ông Grưm, bà H'Na Byă (xã Yang Mao) ngồi dưới căn nhà đổ nát, vừa đưa tay vuốt những trang sách đang còn ướt của con mình rồi nghẹn ngào nói.

“Tài sản giá trị nhất của gia đình tôi chỉ có chiếc ti vi đen trắng để theo dõi tin tức mỗi ngày. Nhưng sau khi bão đi qua, ngay cả chiếc ti vi cũng đã không còn nữa. Giờ đây mái nhà bị tốc hết, tường bị sập, sách vở của con tôi cũng đã ướt hết”, bà H’Na ôm mặt khóc nấc.

Được biết, gia đình chị có 3 người con và thuộc gia đình hộ nghèo tại địa phương. Mặc dù 5 con người nhưng chỉ biết trông cậy vào 4 sào mì để lấy cái ăn và nuôi con ăn học. Bão đi qua khiến diện tích mì sắp cho thu hoạch của gia đình chị gãy đổ.

Ăn mì qua cơn đói vì không còn gạo

Với đôi mắt đỏ hoe ngồi thẫn thờ dưới tấm bạt được căng 4 đầu để làm nhà tạm, bà H'Bir Mdrang (SN 1973, buôn Ta, xã Yang Mao) khi được hỏi về thiệt hại sau bão chỉ biết ôm mặt khóc nức nở.

Bà H'Bir khóc nức nở vì căn nhà đã đổ sập, gia đình bà giờ chỉ biết ở tạm dưới tấm bạt. Ảnh: Trang Anh.

Mãi hồi lâu, bà H’Bir mới mở lời cùng hai dòng nước mắt đang lăn dài trên gò má. Chị cho hay, do điều kiện khó khăn nên chị phải vay mượn 20 triệu của nhà nước để xây dựng căn nhà lấy chỗ ở cho 7 con người.

Nợ chưa trả hết thì vừa qua cơn bão số 12 đi qua khiến hai căn nhà của chị sập. Tất cả các tài sản của gia đình chị đều bị cây cối, tôn… đè hư hỏng hoàn toàn.

“Nợ cũ chưa trả xong, giờ nhà tôi chỉ còn vỏn vẹn tấm bạt này để che mưa, che nắng. Hai ngày nay, không có gạo để nấu cơm, may mắn còn có mì tôm ăn để sống qua ngày. Mấy đứa nhỏ bị đói, bị lạnh gọi bà, gọi mẹ, nhưng tôi giờ trắng tay chỉ biết ôm chúng mà khóc chứ chẳng biết làm sao”, bà H’Bir òa khóc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, tính đến chiều 5/11 tại huyện đã có một người chết, hai người bị thương do bão gây ra. Cùng với đó, khoảng 702 căn nhà bị hư hỏng, trong đó có hơn 100 căn bị sập hoàn toàn, tập trung chủ yếu tại xã Yang Mao.

Không những thế, hơn 1.500 ha diện tích cây trồng các loại bị hư hỏng, đặc biệt diện tích ngô của bà con mất trắng hoàn toàn.

Nhiều ngôi nhà tốc hết mái sau bão. Ảnh: Trang Anh.

“Hiện nay, chính quyền địa phương đang tập trung tổ chức lực lượng giúp đỡ bà con khắc phục nhà cửa để có chỗ ở tạm thời. Cùng với đó, đơn vị cũng nắm bắt nhu cầu thực phẩm thiết yếu của người dân để giải quyết khẩn cấp.

Đồng thời, phía chính quyền sẽ cho rà soát lại các hộ dân bị thiệt hại do bão để báo cáo cơ quan chức năng cấp tỉnh có phương án hỗ trợ cho người dân”, ông Bài thông tin.

Theo số liệu chưa đầy đủ của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, mưa lũ làm một người chết do nhà sập, 3 người bị thương. Bên cạnh đó, 119 nhà bị sập, 1.318 nhà dân, 5 trụ sở cơ quan và 11 trường học bị tốc mái, 302 hộ dân phải di dời.

Mưa bão cũng khiến cho 8.369 ha cây trồng các loại bị gãy đổ, ngập lụt và nhiều diện tích cao su bị hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, nhiều trụ điện bị đổ gãy, nhiều tuyến đường giao thông sạt lở, cầu, cống bị trôi, hư hỏng gây chia cắt giao thông khiến 2.323 hộ dân bị cô lập.

Ngày 5/11, các hồ thủy điện Buôn Tua Srah xả lũ 536m3/s, hồ Buôn Kuôp xả 425m3/s, hồ Srêpôk 3 xả 313m3/s.

Theo Đời sống & Pháp lý

Bạn đang đọc bài viết Người dân khóc ròng bên đống đổ nát sau cơn bão số 12 Damrey. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.