Thứ bảy, 20/04/2024 02:14 (GMT+7)

Người phụ nữ Ê-đê làm thăng hoa hương rượu cần Tây Nguyên

Trần Quỳnh -  Thứ hai, 23/12/2019 16:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bà H’ Hương Byă đã có hơn 30 năm làm rượu cần, là nghề truyền thống của gia đình, là người xây dựng thương hiệu “Rượu cần Mí Gzoan”.

Rượu cần là sản phẩm có giá trị văn hoá truyền thống của người dân tộc Tây Nguyên, là thứ không thể thiếu trong các lễ hội và sinh hoạt cộng đồng. Mỗi dân tộc, mỗi buôn làng có phong cách nấu, pha chế rượu cần với hương vị đặc sắc riêng. Rượu cần gắn sinh hoạt hàng ngày với hoạt động văn hoá và đời sống tâm linh. Theo quan niệm của họ, rượu cần mang lại niềm vui, hạnh phúc, sự tốt lành...vì thế rượu cần thường được mọi người sử dụng. Giờ đây, rượu cần không chỉ được người dân bản địa dùng mà còn được đưa đến nhiều vùng trong cả nước, được nhiều người thưởng thức, tạo nên sự giao lưu văn hoá ẩm thực giữa các vùng miền.

Ở Đắk Lắk nhiều người biết đến “Rượu cần Mí Gzoan” đặc trưng của người Ê-đê do bà H’Hương Byă (tức Mí Gzoan) ở buôn Cuôr Đăng B (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar-Đăk Lăk) sản xuất là loại thơm ngon đang được tiêu thụ nhiều trong và ngoài tỉnh.

Bà H’ Hương Byă đã có hơn 30 năm làm rượu cần, là nghề truyền thống của gia đình, là người xây dựng thương hiệu “Rượu cần Mí Gzoan”. Hồi mới bắt đầu nấu rượu, H’Hương Byă chủ yếu nấu rượu cần bán trong buôn, trong xã vào những dịp lễ hội: mừng lúa mới, cúng các vị thần, lễ bỏ mả, đám cưới, đám tang, hội họp... Qua truyền miệng và việc tiêu thụ sản phẩm, rượu cần của H’ Hương Byă dần được nhiều người biết đến. Không ít người ở xa đặt mua rượu cần của bà qua điện thoại hoặc gửi xe hàng đến mua. Giờ đây, “Rượu cần Mí Gzoan” đã có mặt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hoà... và nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Bà H'Hương Byă đang ngâm ủ mẻ rượu cần mới.

Khi còn nhỏ H’Hương Byă thường ngồi chăm chú xem cha nấu rượu một cách thích thú. Yêu quý con gái, người cha đã truyền lại bí quyết nấu rượu cần cho H’Hương Byă. Sau khi lập gia đình, bà bắt đầu nấu rượu cần. Đối với bà, nấu rượu cần là niềm vui, sự đam mê của cuộc sống gia đình. Bà cho biết, làm rượu cần rất công phu, tỉ mỉ và phải thực hiện đúng quy trình ngâm ủ, pha chế, cũng như việc phải chọn đúng loại nguyên liệu để làm. Để làm được loại rượu ngon, bà phối hợp với một phụ nữ M’Nông ở huyện Lăk có kinh nghiệm nấu rượu cần cùng chế biến chất men rượu. Trước khi ngâm ủ rượu, bà xử lý rất kỹ trấu: phơi khô, sàng sạch cho vào ché. Bà dùng lá ổi luộc phơi khô lót vào đáy ché rồi cho nguyên liệu làm rượu đưa vào ngâm ủ rồi đậy kín bằng lá chuối khô được buộc chặt giữ kín hơi. Ngoài thứ nguyên liệu phải chọn kỹ, đối với ché rượu cũng được làm bằng sứ Bát Tràng từ Hà Nội chuyển vào. Mỗi đợt, bà đặt mua đặt 300-400 ché lớn nhỏ, được chuyển vào bằng ô tô đưa đến tận nhà. H’Hương Byă cho biết, nếu dùng ché sứ không đảm bảo thì khi sử dụng, rượu sẽ bị thấm ra ngoài thành bình, ảnh hưởng đến chất lượng. Căn cứ vào mức tiêu thụ sản phẩm, mỗi ngày bà ủ được 10 ché rượu cần (50 kg gạo). Cứ mỗi lần ủ xong một mẻ rượu, người bà cứ lâng lâng do ngửi nhiều men rượu. Sau khi vào xong mỗi mẻ, bà đưa hàng loạt ché rượu cần vào phòng riêng cất giữ, chờ ngày tiêu thụ sản phẩm. Thông thường, rượu làm xong 3-5 ngày là bán hết. Khi hỏi tại sao rượu cần của bà được nhiều người ưa chộng, H’Hương Byă cho biết: “Rượu cần của người Ê-đê mang màu cà phê, có vị chua ngọt, đắng, cay giống như hương vị cuộc sống; uống nước đầu say lâng lâng, nhưng uống đến nước thứ hai, ba là giải rượu. Do vậy, uống rượu cần không bị say và mệt như những loại nước uống có cồn khác”.

Trong những ngày rỗi việc, bà Hương thường đi đến các xã ở xa, tham gia các lễ hội của nhiều dân tộc khác như Sê Tăng, STiêng, Gia Rai, M’ Nông...để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nấu rượu cần. Khi có hội thi rượu cần ở xã, cuộc thi ở huyện và ở tỉnh, bà đã đưa sản phẩm của mình trưng bày và giới thiệu. Trong các cuộc thi đó, “Rượu cần Mí Gzoan” thường đạt giải A và được nhiều khách hàng chú ý.

Là người gắn bó cả cuộc đời với rượu cần, bà H’Hương Byă đã truyền nghề cho con trai Y Gzoan Byă (buôn Kô Thông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) và con gái H’ Loan Byã (Buôn Alê A, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột). Đến nay, các con bà cũng là những tay sành điệu về sản xuất rượu cần với chất lượng thơm ngon mang nét đặc sắc của người Ê-đê. Hiện nay, nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến “Rượu cần Mí Gzoan” và loại sản phẩm thơm ngon nổi tiềng đang được tiêu thụ ngày càng tăng. Từ đầu năm đến nay, tại địa phương tổ chức nhiều lễ hội văn hoá dân tộc, diễn ra nhiều sự kiện quan trọng nên việc tiêu thụ sản phẩm “Rượu cần Mí Gzoan” tăng lên đáng kể. Đặc biệt gần những ngày tết dương lịch và tết nguyên đán, nhiều người dân trong và ngoài tỉnh, nhiều cơ quan đoàn thể, khách du lịch đặt hàng, đã làm cho H’Hương Byă rất bận rộn tiếp khách đến mua rượu cần.

Không chỉ là người làm nên thương hiệu “Rượu cần Mí Gzoan” thơm ngon nổi tiếng, H’Hương Byă còn là người phụ nữ tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hoá. Trong thời gian qua, bà đã giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn trong buôn Cuôr Đăng B phát triển kinh tế, giảm bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống. Với thành tích xuất sắc trong việc xây dựng cuộc sống mới và tấm lòng hiếu thảo trong giúp đỡ người nghèo, bà được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và được địa phương bình chọn là Phụ nữ Ê-đê tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk.

Bạn đang đọc bài viết Người phụ nữ Ê-đê làm thăng hoa hương rượu cần Tây Nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...