Thứ năm, 28/03/2024 18:04 (GMT+7)

Những ngày cuối của PGS. Văn Như Cương qua lời kể của bác sĩ

MTĐT -  Thứ tư, 11/10/2017 07:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

PGS. Văn Như Cương đã ra đi rất thanh thản, êm ái, bởi tất cả có sự chuẩn bị trước và ở người thầy đó là một ý chí, nghị lực của một người truyền cảm hứng.

Những "khúc cua tử thần"

Những ngày cuối đời, PGS.TS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội được Ths.BS Đoàn Trung Hiệp, phụ trách Ung bướu người lớn, bệnh viện Vinmec, Hà Nội và cũng là người điều trị trực tiếp bệnh ung thư gan cho PGS. Văn Như Cương, xin phép gia đình cho thầy về tổ ấm đã gắn bó với mình trong suốt nhiều năm qua.

“Lúc ấy tôi cũng nói vợ thầy rằng, “Lá rụng về cội, khi con người ta mất, họ thích nhất ở những nơi mà người ta muốn thuộc về. Và không nơi nào có thể tốt đẹp hơn, an bình hơn chính là tổ ấm của họ”. Đó là mong muốn của bất cứ cá nhân nào chứ không phải riêng ai. Tôi cũng chia sẻ với gia đình thầy, đó là điều cuối cùng bác sĩ có thể làm cho người bệnh.

Vợ thầy rất ủng hộ ý kiến đó của tôi. Và buổi sáng trước hôm thầy mất 2 – 3 ngày, gia đình đưa thầy về nhà. Thầy ra đi trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè. Sự ra đi êm ái, viên mãn, rất nhẹ nhàng vì “sinh lão bệnh tử” là quy luật của tự nhiên, và mọi thứ đã được chuẩn bị”, Ths.BS Đoàn Trung Hiệp trải lòng.

PGS.TS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội (Ảnh: Zing)

Sau khi biết tin PGS qua đời, Ths.BS Hiệp cũng căn dặn người nhà thầy chú ý tới sức khỏe bà Đào Kim Oanh (vợ thầy Cương – PV), vì bà bị huyết áp cao.

Có lẽ, sau hơn 3 năm điều trị bệnh cho thầy Cương (từ khoảng tháng 7/2014 tới gần ngày thầy mất – PV), thì tình cảm của các bác sĩ với gia đình thầy Cương đã gắn bó tới mức không cần nói nhiều nhưng ai cũng hiểu.

Tuy không một ngày học thầy Cương nhưng vị bác sĩ ấy vẫn tôn trọng gọi PGS. là thầy. Và mối quan hệ của hai con người ấy vừa là thầy – trò, vừa là bệnh nhân – thầy thuốc.

Khi điều trị bệnh ung thư gan cho PGS. Văn Như Cương, người làm chuyên môn thường nói với gia đình là như “đi xiếc trên dây”. Vì thầy tuổi cao, bệnh nặng, rối loạn nội khoa cũng nhiều, bất cứ một diễn biến gì cũng phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ. Thầy cũng trải qua nhiều lần điều trị mà bác sĩ và người nhà gọi đó là “khúc cua tử thần”. Nhưng bằng sức mạnh của ý chí, người thầy ấy đã vượt qua những “khúc cua tử thần” ấy.

“Rất may mắn khi bên cạnh thầy có người vợ, dù bị cao huyết áp, tai biến nhưng luôn theo sát chồng mình. Tôi từng gặp rất nhiều cặp vợ chồng bệnh nhân già, nhưng thầy cô là cặp hiếm có. 80 tuổi vẫn gọi nhau là anh em như tuổi đôi mươi. Và hình ảnh 3 – 4 đời trong gia đình thầy quây quần bên giường bệnh khiến tôi thực sự xúc động”, Ths.BS Đoàn Trung Hiệp tâm sự.

Ths.BS Đoàn Trung Hiệp

Chia sẻ về ấn tượng của mình với PGS. Văn Như Cương, Ths.BS Đoàn Trung Hiệp bảo rằng, bản thân bác sĩ vẫn nói với bệnh nhân, việc điều trị, bác sĩ như huấn luyện viên, còn bệnh nhân mới là tiền đạo và là lính tiên phong ngoài mặt trận. Nếu lính đầu hàng thì người chỉ huy, người huấn luyện viên cũng chịu thua.

Và ý chí của thầy Cương là một tấm gương không những cho gia đình, cho các bệnh nhân khác mà cho cả những người làm nghề y như Ths. Hiệp.

“Tôi tin rằng tấm gương đó, học trò của thầy cảm nhận rõ và cả xã hội cũng cảm nhận như vậy. Về phía học trò, xã hội là những nguồn động viên lớn, sau đó mới tới lực lượng chuyên môn như chúng tôi hàng ngày, hàng giờ chăm lo điều trị cho thầy.

Nhiều lúc hôn mê gan, tiền hôn mê gan thậm chí nói lảm nhảm, nói lẫn, và không đi lại được… nhưng thầy vẫn dùng ý chí để chiến thắng bệnh tật”, Ths.BS Đoàn Trung Hiệp nói thêm.
Có lẽ, dù thầy đã mãi đi xa nhưng câu chuyện về ngày khai giảng cách đây 1 năm vẫn sẽ đọng lại mãi trong ký ức của Ths. Hiệp.

Thời điểm đó, thầy bị tiền hôn mê gan và không ai nghĩ thầy có thể quay về trường để dự lễ khai giảng. Nhưng hôm đó, bằng sự nỗ lực của cả đội ngũ y, bác sĩ, thầy đã về trường, phát biểu 15 phút trong lễ khai giảng, sau đó quay trở lại bệnh viện. Đó là một “khúc cua tử thần”.

Hồi tháng 3/2017, thầy khó thở, sốt và bị nhiễm khuẩn, tràn dịch màng phổi. Với một người tuổi cao, bị ung thư gan giai đoạn muộn, lại có vấn đề ở phổi, không ai nghĩ thấy sẽ qua khỏi.

“Lúc ấy bác sĩ hội chẩn các chuyên ngành, tất cả đều giải thích cho gia đình và trao đổi gia đình nên xác định thầy sẽ không qua khỏi, vì mỗi ngày cơ thể thầy ra hàng lít dịch, và rất đau. Bác sĩ dùng nhiều biện pháp cũng không giữ được cho thầy giấc ngủ.

Rất may mắn, bằng nỗ lực, chúng tôi điều trị giúp thầy qua được “khúc cua tử thần” ấy. Tất cả đều không hình dung được sự thần kì này”, Ths. Hiệp nhớ lại.

Người truyền cảm hứng

Rồi trong ký ức của vị bác sĩ ấy là hôm trước khi tiễn thầy về, bác sĩ cũng hỏi thầy có đau không, thầy có nguyện vọng gì về mặt y khoa không? Nhưng thầy bảo không, cứ duy trì chế độ chăm sóc, điều trị như ở bệnh viện là tốt rồi, và thầy rất mãn nguyện.

“Tôi cũng hỏi cô Oanh để biết nguyện vọng của cô có muốn tôi nói với thầy về tình hình sức khỏe lúc này không, nếu cô muốn tôi sẽ nói vì tất cả đã có sự chuẩn bị.

Nhưng cô Oanh bảo để cô hỏi thầy, nếu thầy muốn sẽ nhờ bác sĩ Hiệp nói. Sau đó, cô không phản hồi lại và chúng tôi hiểu, không cần thiết phải nói.

Bởi lẽ, điều khó nhất khi tôi đối diện với thầy chính là lần đầu tiên cung cấp cho thầy những hình ảnh chẩn đoán về bệnh. Đó là năm 2014. Nhưng khác với suy nghĩ của tôi, thầy đối diện với thông tin về bệnh tình của mình một cách rất bình thường. Thầy vào viện với tình trạng khá nặng nhưng hiện lên trong đôi mắt người làm giáo dục ấy là ngọn lửa khát khao sống và cống hiến.

Tất cả những điều đó làm nên một kết quả, tôi cho rằng, đây là thành công về mặt nhân văn y khoa, điều trị bệnh, thành công về cả sự tương tác giữa thầy thuốc và bệnh nhân, để lại tình cảm đẹp giữa hai phía. Đặc biệt, chúng tôi nhận được rất nhiều từ thầy, đó là tấm gương truyền cảm hứng.

Những gì thầy làm trong cuộc đời giáo dục, mọi thứ tạo dựng nên cũng truyền cảm hứng cho rất nhiều người, không chỉ là các thế hệ học trò Lương Thế Vinh mà rất nhiều thế hệ học trò Việt Nam”, Ths.BS Đào Trung Hiệp nói.

Chính những tâm huyết của thầy đã khiến bệnh ung thư không thể tiêu diệt thầy trong ngày 1 ngày 2. Bởi lẽ, với bệnh của PGS., theo thống kê của thế giới, thời gian sống trung bình khoảng 6 tháng, nhưng thầy đã sống 3 năm 3 tháng. Đó là một kỳ tích mà không phải ai cũng có được bằng ý chí, bằng tâm huyết, nhiệt huyết sống và truyền cảm hứng.

Nói là có sự chuẩn bị về tâm lý, nhưng Ths. Hiệp cũng xúc động và như thấy mất mát điều gì đó trước thông tin thầy vĩnh viễn ra đi. Sự mất mát đó, có lẽ với cả xã hội…

Bạn đang đọc bài viết Những ngày cuối của PGS. Văn Như Cương qua lời kể của bác sĩ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.