Thứ tư, 24/04/2024 15:55 (GMT+7)

Phó Chủ tịch xã mê làm men sinh học

Nguyên Lộc -  Thứ năm, 29/10/2020 08:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong một lần về công tác tại UBND xã Thạnh Phú (H. Vĩnh Cửu, Đồng Nai), anh Phó Chủ tịch xã mời bằng được chúng tôi đến các thùng phi chứa cây cỏ, trái cây và rác hữu cơ bốc mùi men thoang thoảng.

Người tui lúc nào cũng có … mùi men!

Không thấy anh làm, người nghe lầm tưởng anh là ...“hũ hèm”. “Trước khi đến cơ quan làm việc, tui phải ghé vào thăm từng thùng phi chứa men sinh học. Tui dùng khúc cây khuấy đảo đều, mùi men bốc lên, dính vào áo quần nên lúc nào người cũng có mùi … men hết á!”- Anh Phó Chủ tịch Phạm Lê Nhân giải thích. 

Anh Nhân khuấy đảo men chế phẩm vi sinh

 Hai tay khuấy đảo nhẹ nhàng như người chèo đò, anh tiếp: “Chỉ riêng xã Thạnh Phú đã có hơn 500 hec ta trồng cây bưởi lấy trái. Xã không làm mẫu thì nông dân biết đâu mà làm. Các nước trên thế giới họ canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Tui cũng muốn bà con mình chuyển đổi, minh bạch sản phẩm thì mới tiêu thụ được!”.

Thấy chúng tôi đưa máy lên ghi hình hàng loạt bảng công thức, anh nói như nằm lòng: “Tạo men sinh học dễ lắm, ai cũng làm được! Công thức như nấu canh mà: nếm, thử, ăn, uống đều tốt cho đường ruột luôn. Chỉ cần cho 10 lít nước sạch vào thùng phi nhựa. Gia vị gồm có: 1kg bí đỏ, ½ kg đường tán, hũ yaour, 10 gói men tiêu hóa mua ở tiệm thuốc tây gần nhà, 1 trái chuối chín, 100gr cám gạo, 20g men nấu rượu rồi hòa tan chúng trong nước, khuấy đều hàng ngày. 7 ngày sau thu được dung dịch men có mùi thơm, hơi chua vị dấm. Lấy dung dịch men này phun lên rác thải hôi thối, thấy không còn mùi là thành công thôi!”.

Thử sản phẩm men

Chuyển qua một thùng phi nhựa khác, anh tiếp: “Có được men sinh học này rồi, nông dân chỉ cần nhân nó lên cũng không hề phức tạp. 1 lít men pha với 20 lít nước sạch. Cho ăn thêm: 1 kg đường tán, 1 trái chuối chín, 20gr cám gạo. Tất cả hòa tan vào nước, sau 4 ngày nông dân có 20 lít men. Cứ vậy mà nhân lên và bảo quản trong mát cho con vi sinh nó sống. Còn muốn làm phân đạm, kali đều được hết. Cá, chuối cây, chùm ngây… cây gì mà sâu bọ có hại không ăn là đem ngâm với men hết. Đồ ăn dư thừa, rác thải khi chế biến thức ăn bỏ hết vào thùng men sinh học làm phân. Sau đó pha theo tỷ lệ 1lít men pha 50 – 100 lít nước tùy từng loại cây đều tốt cả…”.

Chúng tôi quan sát thấy, mô hình tại xã do anh làm cho người dân đến tham khảo có thứ tự, thùng nào thì treo công thức nấy, như thùng phi làm thuốc bảo vệ thực vật bằng sinh học ghi chi tiết các thành phần nguyên liệu cây nhà lá vườn, không hề tốn kém, đắt đỏ tí nào. Mỗi thứ 1 lạng: gừng, ớt, sả, tỏi, thuốc rê tất cả trộn đều với 10 lít men cho vào phi đậy nắp sau 7 ngày pha tỷ lệ như trên rồi phun lên lá cây để trừ sâu bệnh có hại. 

Anh Nhân tự làm hũ men để quảng bá sản phẩm men vi sinh ngon như sinh tố, tốt cho đường tiêu hóa

 “Nói về xử lý môi trường thì men này không chê vào đâu được. Chỉ cần pha tỷ lệ 1 men 10 nước khử mùi hôi cống rảnh, bãi rác thì có hiệu quả ngay tức thì” anh Nhân khẳng định. 

Chính quyền đi đầu

Để từng bước phổ biến tuyên truyền cho người dân, với cương vị là Phó Chủ tịch xã, anh đã yêu cầu nhà ăn của Xã đội thực hiện: Dùng một thùng chứa 20 lít men, khi có rác thải sinh hoạt hữu cơ phải bỏ rác vào thùng, sau 7 ngày hòa với nước để tưới cây.  

Còn cá nhân anh thì tự làm một hũ men, ôm kè kè bên mình quảng bá: “Ngon lắm, y như sinh tố lên men. Bỏ tủ lạnh lấy ra ăn là hết sẩy luôn, tốt cho đường tiêu hóa lắm!”- anh Nhân rót ra ly cho chúng tôi nếm thử.

Nông dân xã lấy men về áp dụng cho cây trồng vật nuôi

Anh Nhân cho biết, nhiều hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp chế phẩm men vi sinh báo cáo lại hiệu quả rất khả quan.

“Thói quen diệt cỏ cũng làm cho đất chai ỳ, dẫn đến mưa nhiều úng nước, đất thiếu oxy, cây bị thối rễ, nấm và vi khuẩn có hại phát triển. Giải pháp chế phẩm men vi sinh phần này đã cải tạo được đất, giúp cây trồng phát triển tốt hơn. Giải pháp đầu tư một lần nhưng phát triển bền vũng lâu dài. Những năm tới, hy vọng bà con nông dân sẽ tự chủ với cây trồng vật nuôi của mình và không phụ lòng chúng tôi”- anh Nhân kỳ vọng…

Theo tính toán của anh Nhân, nông dân trồng bưởi ở xã Thạnh Phú áp dụng phương pháp chế phẩm men sinh học trên cây trồng vật nuôi chi phí thấp khoảng 30% so với chi phí đầu vào và so với phương pháp vô cơ. Cái được hơn cả là môi trường trong sạch, đảm bảo sức khỏe cho mọi người.

Bạn đang đọc bài viết Phó Chủ tịch xã mê làm men sinh học. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.