Thứ ba, 16/04/2024 12:32 (GMT+7)

Phố sách không chỉ là nơi mua bán

MTĐT -  Thứ tư, 03/05/2017 11:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phố sách 19/12 ở Hà Nội tấp nập hai ngày nay mới chỉ là tín hiệu ban đầu. Điều mà các nhà quản lý, người làm sách và độc giả trông đợi hơn cả là một địa chỉ văn hóa thực sự của Thủ đô.

200m có 16 quầy sách

Phố sách khai trương hôm 1/5 sau hơn bốn tháng thi công. Hai ngày đầu rơi vào kỳ nghỉ nên khá đông. Có người đến mua sách, có người tò mò dạo chơi hay đơn giản mua cốc nước tại khu cà phê. Phố sách nằm trên con phố 19/12 vốn là “chợ âm phủ” xưa kia. Còn nhớ, nếu không có tiếng nói mạnh mẽ của công luận thì khu vực này biến thành siêu thị chứ không phải một nơi người dân có thể ung dung tản bộ, nhẩn nha chọn sách và cả đọc sách nữa.

Phố sách dài khoảng 200m với 16 quầy sách của các nhà sách, xuất bản như Kim Đồng, Tiền Phong, Huy Hoàng, Nhã Nam, Thái Hà, Alphabooks, NXB Hà Nội. Ban quản lý nằm ngay cạnh một quán cà phê sách. Đầu phố là cửa hàng hoa 19/12, dọc khu phố đặt những chiếc xích lô hoa cho không gian bớt tẻ.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội-đơn vị chủ trì đề án phố sách- tạo ra được khu trung tâm khá rộng đủ chỗ cho hàng trăm người dự sự kiện giao lưu văn hóa, giao lưu sách. Giữa các quầy là khoảng nghỉ để thư giãn và đọc sách. Hai đầu phố có biểu tượng phố sách Hà Nội, có điểm tra cứu thông tin. Kiến trúc khá hài hòa với xung quanh. Đặc biệt các quầy sách được đánh giá là đẹp hơn đường sách Nguyễn Văn Bình ở TPHCM bởi kiến trúc quen thuộc với các ngôi nhà cổ Hà Nội. Dải phân cách ở giữa ngoài đặt chậu cây xanh và hoa còn là chỗ đặt ghế ngồi cho người dân và du khách đến tham quan, thưởng sách.

“Tôi thấy sách ở đây cũng đa dạng. Các cháu nghỉ lễ thích ra đây để tập trung cho dễ thôi chứ không gian hơi chật chội. Mẹ nhiều khi phải đứng ngoài chờ con chọn sách xong thì vào trả tiền vì quầy sách không có chỗ. Khoảng ghế bố trí ở ngoài có thể đọc sách nhưng vào ngày nắng nóng và đông đúc thế này rất khó”, chị Trịnh Liên Hương (Hai Bà Trưng) nói. Trước khi có phố sách này, người dân quen thuộc với phố sách tự phát ở Đinh Lễ-Nguyễn Xí. Tuy nhiên nhiều nhà quản lý cho rằng với tiêu chí khắt khe đặt ra, độc giả đến phố sách sẽ được đảm bảo sách thật, không phải sách lậu trôi nổi như ở nhiều nơi khác.

Phố sách, rồi sao nữa...

“Chỗ này mục đích chính không phải đến để mua sách, các bạn có thể thấy rất nhiều ghế dành để đọc sách, có quán cà phê đọc sách, nước uống miễn phí, máy bán nước tự động. Người ta có thể đến đây để chơi với sách, vui chơi giải trí. Hà Nội chưa có không gian rộng thế này để người dân đến chơi với sách. Nếu hội chợ sách thường là cái chợ bán sách, thì mục đích chính của nơi đây là tôn vinh sách, kích thích văn hóa đọc, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu, trao đổi với tác giả, chuyên gia và bạn đọc”, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Cty sách Thái Hà nói.

Văn hóa đọc là chuyện cá nhân, không phải phong trào để hô hào rầm rộ? “Ít nhất chúng ta tạo thói quen đọc sách trước đã. Đường sách ở TPHCM sau thời gian dài giờ đi vào nề nếp và tổ chức nhiều hoạt động liên quan văn hóa và sách”, ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nói. Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, cho rằng chỉ cần một điểm mua sách thôi, chưa cần tới phố sách đã đáng mừng cho văn hóa đọc và đời sống văn hóa.

“Có phố sách, không chỉ nhà văn, những người quan tâm tới văn hóa đọc mà rất nhiều người thấy vui. Đi dọc Hà Nội từ trung tâm tới ngoại ô thấy quán karaoke, game quá nhiều mà quán sách hay địa điểm văn hóa quá ít. Tôi muốn có nhiều điểm như phố sách hơn nữa. Ở nước ngoài có tiệm sách, phố sách và cả quầy sách lưu động. Mong một ngày Hà Nội làm được điều đó, bởi nó vừa tạo ra vẻ đẹp vừa tạo ra đời sống. Khi chúng ta có nhu cầu về sách và phát triển điều đó thì chứng tỏ văn hóa tinh thần, ý thức giáo dục đã đến một mức khác”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.

Các nhà tổ chức cũng thừa nhận phố sách mới đi vào hoạt động còn cần hoàn thiện dần dần. Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết thời gian tới sẽ cùng cơ quan chức năng tổ chức phân luồng giao thông, bố trí bãi đỗ xe tốt hơn. Hai đầu phố luôn có lực lượng an ninh, bảo vệ túc trực hướng dẫn giao thông và ngăn xe máy đi xuyên qua phố. Ngoài ra điều mà nhiều người quan tâm không phải ở cái vỏ phố sách, mà ở những hoạt động sau này gắn với sách và văn hóa đọc.

“Nếu các nhà quản lý thực sự quan tâm thì có rất nhiều điều có thể làm ở đây. Không chỉ đặt các ki ốt bán sách mà phải đưa nó trở thành phố sách tiêu biểu. Phải bán những cuốn sách hay, đa dạng. Tạo ra các sự kiện, hoạt động cuối tuần về sách, về văn hóa. Đã có địa chỉ rồi, chúng ta có rất nhiều thứ có thể làm cho sách và văn hóa đọc”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.

“Có phố sách, không chỉ nhà văn, những người quan tâm tới văn hóa đọc mà rất nhiều người thấy vui. Đi dọc Hà Nội từ trung tâm tới ngoại ô thấy quán karaoke, games quá nhiều mà quán sách hay địa điểm văn hóa quá ít. Tôi muốn có nhiều điểm như phố sách hơn nữa”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Bạn đang đọc bài viết Phố sách không chỉ là nơi mua bán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Miền Đông Tây Ban Nha cháy rừng dữ dội
Ngày 15/4, giới chức Tây Ban Nha cho biết trong điều kiện nhiệt độ cao bất thường, một trận cháy rừng đã thiêu trụi 500 ha đất tại miền Đông nước này và buộc 180 người phải sơ tán.
Bài thơ: Tháng Tư...
Sao trời nỡ đem mưa về phố vắng//Để tháng Tư ướt đẫm những cung đường//Chân trần bước... đếm ngày trôi thầm lặng//Rẽ lối nào... sẽ gặp lại người thương?!