Thứ bảy, 20/04/2024 02:13 (GMT+7)

Thái Bình: Dấu hiệu thi công “không đạt chuẩn” tại dự án trăm tỷ?

Ngọc Tuấn – Phạm Khanh -  Thứ sáu, 23/10/2020 10:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không chỉ bị tố thi công gây ô nhiễm môi trường, nhà thầu thi công dự án trăm tỷ ở huyện Thái Thuỵ (Thái Bình) còn bị phản ánh nhiều “vấn đề” về năng lực và chất lượng thi công…

Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng ven biển, hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (sau đây viết tắt là Dự án), là dự án chống biến đổi khí hậu đầu tiên của Quỹ Cô Oét phát triển kinh tế Ả Rập tài trợ cho Việt Nam.

Sai “kép” khi sử dụng vật liệu là chất thải xây dựng (gạch, vữa, bê tông…) để đắp đê, mà chưa dọn sạch lớp cỏ theo quy định

Dự án được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt theo Quyết định số 315/QĐ-UBND ngày 4/2/2013 và phê duyệt điều chỉnh bổ sung tại Quyết định số 1243/QĐ-UBND ngày 25/5/2018. Chủ đầu tư dự án là UBND huyện Thái Thụy. Tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án là hơn 261 tỷ đồng, trong đó vay Quỹ Cô Oét phát triển kinh tế Ả Rập hơn 9,3 triệu USD, còn lại là vốn ngân sách địa phương. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với huyện Thái Thụy nói riêng và Thái Bình nói chung, nhằm chủ động phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân trong vùng do bão và nước biển dâng; bảo đảm an toàn dân sinh trong vùng, ổn định dân cư ngoài bãi ven đê thuộc khu 1 đến khu 5, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ. Đơn vị trúng thầu và thi công dự án là liên danh 3 công ty: Công ty cổ phần Nhân Bình; Công ty cổ phần Xây dựng công trình Nam Đô và Công ty TNHH Nam Thái. Đơn vị Tư vấn giám sát gồm: Công ty cổ phần Tư vấn ĐTXD&TM Nam Bình và Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng THD Thái Bình.

Dấu hiệu sử dụng loại đất giống đất hữu cơ, đất bùn chứa đầy rác thải để đắp đê là vi phạm yêu cầu về chất lượng đất quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9165:2012  Công trình thuỷ lợi – Yêu cầu kỹ thuật đắp đê

Xác định tầm quan trọng của dự án, Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng huyện Thái Thụy (đơn vị đại diện chủ đầu tư) đã tích cực triển khai thực hiện dự án. Ngày 19/5/2020, Ban đã ký hợp đồng thi công gói thầu xây lắp và cung cấp lắp thiết bị thuộc dự án với liên danh 3 nhà thầu trên, giá trị hợp đồng gần 179 tỷ đồng. Thời gian thi công 36 tháng.

Tuy nhiên, những bất cập đã xuất hiện ngay khi triển khải thi công Dự án. Việc này đã được Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử phản ánh trong bài viết: “Thái Thuỵ - Thái Bình: Dân “khốn khổ” vì dự án trăm tỷ gây ô nhiễm môi trường?”

Sau khi tiếp thu phản ánh từ nhân dân và báo chí, đơn vị thi công dự án  đã đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông trên tuyến đường này, như: dọn dẹp những đống bê tông, cốp pha sắt gọn vào ven đường; chôn cọc chăng giây tạo ngăn cách giữa đường giao thông với khu vực kè đê...

Thế nhưng, khi những mối lo ngại về môi trường, cuộc sống và sức khoẻ của người dân chưa được khắc phục triệt để, thì một nỗi lo khác còn lớn hơn xuất hiện trong quá trình thi công Dự án. Đó là việc, nhà thầu thi công đã không nghiêm túc thực hiện yêu cầu về quy trình, kỹ thuật đắp đê; sử dụng vật liệu đắp đê có dấu hiệu không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Cụ thể:

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ngoài công trình Dự án cho thấy, đơn vị thi công công trình  đã sử dụng các loại đất giống đất hữu cơ, đất bùn, chất thải xây dựng (gạch, vữa, bê tông…) để đắp đê.

Chiếu theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9165:2012  Công trình thuỷ lợi – Yêu cầu kỹ thuật đắp đê, được áp dụng trong thi công xây dựng đê mới hoặc cải tạo đê cũ như tôn cao, đắp áp trúc, đắp cơ thuộc hệ thống đê sông. Thì đơn vị thi công sử dụng các loại vật liệu nêu trên để đắp đê, là biểu hiện không đúng tiêu chuẩn về yêu cầu chất lượng đất.

Đặc biệt, quá trình đắp đê đơn vị thi công đã không dọn sạch lớp cỏ mọc dầy kín sườn đê, không dọn sạch nền đê mà cứ thế đổ vật liệu lên bề mặt này... Đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng yêu cầu về công tác xử lý nền, theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9165:2012 nêu trên. Cụ thể: 

Trước khi đắp đê, thì nền đê phải được xử lý tốt để đảm bảo ổn định của đê, bằng công tác dọn nền bao gồm: Chặt và đào hết gốc rễ của các loại cây cối lớn, nhỏ, đào hết lớp cỏ; Bóc hết lớp đất xấu mà thiết kế đã quy định; Dọn sạch các hang cầy, chuột, tổ mối, nếu là tổ mối phải áp dụng biện pháp diệt và xử lý triệt để, đất đào tổ mối phải đổ ra ngoài phạm vi bảo vệ an toàn của đê… 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Ng, là người địa phương có mặt tại công trường, tỏ ra lo lắng về chất lượng thi công công trình này. Ông  nói: “Tôi thường xuyên qua khu vực này, chứng kiến đơn vị thi công ngang nhiên đổ đất đắp đê mà không hề làm sạch nền, kiểm tra xem phía sau những bụi cỏ kia có hang chuột, tổ mối hay không, thì làm sao mà đảm bảo chất lượng được”.

Một dự án với số tiền đầu tư lớn, và có ý nghĩa rất quan trọng, trong việc phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân trong vùng do bão và nước biển dâng,... thế nhưng mới đang trong giai đoạn đầu thi công, đã bộc lộ rõ việc thi công ẩu, và dấu hiệu sử dụng vật liệu “không đạt chuẩn” để đắp đê. Thì việc lo lắng của người dân, của dư luận xã hội về chất lượng, sự an toàn của công trình này khi hoàn thành đưa sử dụng trong tương lai là hoàn toàn chính đáng và có cơ sở.

Sự việc rất cần ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thái Bình, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc tiến hành các biện pháp giám sát, kiểm tra để dự án được đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn.

Tuyến đê của dự án trăm tỷ bị “nghi” sử dụng vật liệu “không đạt chuẩn” để đắp đê?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Bạn đang đọc bài viết Thái Bình: Dấu hiệu thi công “không đạt chuẩn” tại dự án trăm tỷ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...