Thứ sáu, 19/04/2024 06:17 (GMT+7)

Thay đổi của huyện Kỳ Anh sau 5 năm điểu chỉnh địa giới hành chính

Nguyễn Hoàng - Văn Huân -  Thứ sáu, 24/07/2020 15:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 903 ngày 10/04/2015 của UBTVQH về điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Kỳ Anh - tỉnh Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến tích cực; không ngừng phát triển

Huyện Kỳ Anh cũ có 33 xã, thị trấn sau khi điều chỉnh địa giới hành chính còn lại 21 xã. Mặc dù là huyện cũ, nhưng huyện Kỳ Anh lại phải chuyển ra cơ sở mới tại xã Kỳ Đồng, gần như toàn bộ trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất bàn giao lại cho Thị xã Kỳ Anh; Cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể sử dụng Trường THCS Giang Đồng cũ để làm trụ sở hoạt động. Đội ngũ cán bộ công chức của huyện ra làm việc tại địa điểm mới với lực lượng nhân sự thiếu trầm trọng cùng với điều kiện làm việc gần như là bàn tay trắng. Trong 5 năm liền có nhiều biến cố, ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội... của huyện, tỉnh và thậm chí là quốc gia. Sự cố môi trường biển năm 2016 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc trước mắt và lâu dài, huyện Kỳ Anh phải chịu tác động hết sức nghiêm trọng. Năm 2017, cơn bão số 10 là cơn bão nặng nhất trong vòng 30 năm qua tàn phá nặng nề trên tất cả các xã thuộc huyện Kỳ Anh, đánh giá thiệt hại cho ngân sách của huyện trong khoảng 20 năm. Ngoài ra, còn đó là tồn đọng của công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, hay ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19… Tuy vậy, với sự quan tâm của tỉnh và Trung ương, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân toàn huyện đã đoàn kết, cố gắng, vượt khó để đi đến sự phát triển toàn diện.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, UBND huyện tiếp tục thực hiện việc cải cách hành chính (CCHC), đưa Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả theo mô hình “một cửa, một cửa liên thông” đi vào hoạt động gồm 7 lĩnh vực: Tư pháp - Hộ tịch, Đăng ký kinh doanh, Thi đua khen thưởng, Lao động TB&Xã hội, Cấp phép xây dựng, TN&MT, VH-TT với trên 50 nhóm thủ tục hành chính được áp dụng; các thủ tục hành chính ngành Điện, Bảo hiểm, Thuế, Đăng ký quyền sử dụng đất cũng được đưa vào hoạt động và đạt hiệu quả cao. Tiến hành chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung công việc được giao.

Đại biểu Quốc hội, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Trần Đình Gia chia sẻ: “Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Kỳ Anh gặp không ít khó khăn nhưng có sự quan tâm, chỉ đạo chính quyền các cấp, công tác CCHC của huyện, đặc biệt giai đoạn 2015 - 2020 sau khi điều chỉnh lại địa giới hành chính đã đạt được kết quả khá tốt và có nhiều chuyển biến tích cực. Từ khi đưa Trung tâm hành chính công huyện đi vào hoạt động đến nay, ghi nhận các tổ chức, cá nhân khi tham gia giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi, đem đến sự hài lòng cho cá nhân, doanh nghiệp và người dân. Tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước các cấp được củng cố, sắp xếp, cải thiện và kiện toàn phát huy hiệu quả”.

Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Anh, trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các phong trào được phát động, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, phát triển tương đối toàn diện, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Chính quyền chủ động thực hiện nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất Nông - Lâm - Ngư, đã tạo bước chuyển biến mới trong phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,03%; tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt hơn 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng 49,2% so với năm 2015; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tỉ trọng Công nghiệp - xây dựng 40,3% (tăng 4,7%), nông - lâm - ngư nghiệp 29% (giảm 5,2%); thương mại - dịch vụ 30,7% (tăng 0,5%); thu nhập bình quân đầu người đạt 39,5 triệu đồng/năm, tăng 13,8 triệu đồng so với năm 2015.

Các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội tiếp tục được cải thiện. Hoạt động Giáo dục - đào tạo, lao động - việc làm và Y tế - dân số của người dân luôn được chú trọng và đạt được những kết quả tích cực. Gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới…”, “giải phóng mặt bằng”. Việc xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, sâu rộng, hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống Nhân dân.

Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, huyện Kỳ Anh hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch phân khu Trung tâm đô thị Kỳ Đồng; bộ mặt đô thị mới đang dần được hình thành, lần lượt đưa vào hoạt động đồng bộ. Bên cạnh đó, việc giải quyết hiệu quả những vấn đề phức tạp về quốc phòng - an ninh trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra điểm nóng đảm bảo ổn định cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Để có được những ghi nhận, đánh giá, đáng chú ý là thực hiện phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền các cấp đạt được những kết quả tích cực. Đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và Nhân dân trong toàn huyện. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã chủ động và phối hợp để tổ chức các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, được đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia hưởng ứng.

Ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh chia sẻ: “Đến thời điểm này, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã đạt và vượt kế hoạch. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển vượt bậc, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, là thành quả của sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Kỳ Anh trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Tuy nhiên, huyện Kỳ Anh có nhiều điểm khó cần khắc phục để phát triển. Thứ nhất, chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế tự nhiên, cần phải phát triển hơn nữa kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư. Thứ hai, đội ngũ cán bộ công chức của huyện còn thiếu trầm trọng so với biên chế được giao, cần có sự bổ sung thêm. Thứ ba, quy hoạch vùng triển khai định hướng lâu dài phải xác định rõ trên cơ sở phát triển các vùng sinh thái, lợi thế vùng biển, đẩy mạnh thương mại du lịch, kích cầu phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, tiếp tục tạo điều kiện, thu hút đầu tư phát triển về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Nâng cao thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức và phát huy xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với hoạt động nhà nước".

Bên cạnh những kết quả tích cực được ghi nhận vẫn còn có nhiều vấn đề tồn đọng, bắt nguồn từ những điều kiện khách quan cũng như chủ quan nhất định. Tuy nhiên, có thể thấy được sự hiệu quả, xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng của Chính quyền và Nhân dân toàn huyện Kỳ Anh không ngừng xây dựng và phát triển địa phương.

Trung tâm hành chính huyện Kỳ Anh chuẩn bị được đưa vào sử dụng. Công tác chuẩn bị nhân sự chào mừng Đại Hội Đảng XXIII nhiệm kỳ năm 2020-2025 được triển khai thành công tốt đẹp. Với những thành tựu mà huyện Kỳ Anh đạt được sẽ tạo nên bước đà phát triển kinh tế xã hội, hứa hẹn một ngày không xa huyện Kỳ Anh trở thành trung tâm đô thị phát triển vượt bậc mà người dân mong đợi.

Bạn đang đọc bài viết Thay đổi của huyện Kỳ Anh sau 5 năm điểu chỉnh địa giới hành chính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.