Thứ sáu, 19/04/2024 14:55 (GMT+7)

Thay đổi thói quen để bớt rác thải nhựa: Ai ý thức hơn?

MTĐT -  Thứ ba, 10/09/2019 15:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rác thải nhựa, hạn chế được không? Câu trả lời là được nếu mỗi người tự bỏ dần thói quen, dù chỉ với hành vi nhỏ hằng ngày.

"Mỗi cán bộ đoàn thể nêu gương, thực hiện trước sẽ tiếp cận, vận động, thuyết phục người dân hiệu quả hơn. Chúng ta cần làm gương ngay trước mặt con em mình, cộng với được giáo dục thường xuyên, tôi tin các cháu nhỏ hôm nay lớn lên sẽ ý thức hơn trước vấn đề rác thải nhựa". Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn chia sẻ

Buổi sinh hoạt chuyên đề về hạn chế bao bì nhựa sử dụng một lần trong công tác và sinh hoạt hằng ngày được đại diện các đoàn thể tại TP.HCM tổ chức, tìm kiếm giải pháp mới thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và trên kênh rạch vì một TP sạch và giảm ngập nước" trong người dân TP hiện nay.

Các bạn trẻ Q.Gò Vấp (TP.HCM) dùng gạch sinh thái bó vỉa bồn hoa trang trí tại công viên vừa hoàn thành bên kênh Tham Lương đoạn qua phường 14 - Ảnh: Q.NG.

Câu chuyện gạch sinh thái

Anh Võ Trọng Định (Quận đoàn 3) mang đến câu chuyện về gạch sinh thái. Đó là những "viên gạch" ra đời bằng cách dồn nhiều loại rác thải: túi nilông, mút, hộp xốp vào trong các chai nhựa đã qua sử dụng đến khi "viên gạch" cứng lại, bóp không móp là được.

"Có người lo ngại rác nhựa, nilông dồn vào đó có gây bệnh không. Tất cả rác nilông trước khi được dồn vào làm gạch sinh thái đều được rửa sạch để không trở thành nơi ủ bệnh hay phát tán ổ bệnh" - anh Định chia sẻ.

Anh Phạm Trung Hiếu (Quận đoàn Gò Vấp) cho biết dùng gạch sinh thái giúp thay thế một phần vật tư xây dựng, giảm bớt kinh phí trong khi lại có thể tận dụng và giải quyết rác thải nhựa.

Anh Võ Trọng Định nói: "Có vài khó khăn ban đầu song hiện nhiều người dân Q.3 đã biết đến loại gạch này và ủng hộ. Khi chúng tôi mở chương trình đổi gạch sinh thái lấy cây sen đá, đã có hơn 3.000 lượt người mang gạch sinh thái đến đổi".

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn cho rằng, gạch sinh thái ra đời từ quan sát thực tiễn của các bạn trẻ, làm thử và nhiều nơi hưởng ứng nên thành phong trào lan rộng.

"Các bạn vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để xử lý hợp lý nhưng nên ủng hộ cách làm này vì ít ra đang góp phần giải quyết chuyện rác thải nhựa. Còn đặt vấn đề loại gạch này có làm được công trình gì khác không lại là phạm vi khác nữa, nhưng nếu chỉ dùng bó vỉa bồn cây, xây bồn hoa trong công viên là khả thi" - anh Sơn phát biểu.

Đổi thay bắt đầu từ ý thức

Ông Nguyễn Văn Chương (Hội Cựu chiến binh TP.HCM) chỉ ra hai hình ảnh ông chứng kiến. Người phụ nữ trung niên uống xong ly nước mía tiện tay quẳng luôn chiếc ly nhựa xuống đường, trong khi một em học sinh nhỏ cầm trên tay hộp sữa đã uống hết đợi lúc xuống xe tìm thùng rác bỏ vào.

Ông đặt câu hỏi: "Ai ý thức hơn ai?"! Rồi ông trả lời: "Vấn đề là phải xây dựng được ý thức mới mong thay đổi dần thói quen và hành vi của mỗi người".

Bà Lê Thị Tấn Lộc (Hội LHPN Q.10) kể ban đầu không dễ tiếp cận và nói người dân bỏ đi thói quen vốn đã thành nếp trong sinh hoạt hằng ngày.

"Chúng tôi mang ống hút bột đi mời các quán cà phê, trà sữa dùng thử, đổi sách báo cũ lấy rau sạch. Đến nay cả quận có 15 điểm bán túi nilông tự hủy thay thế túi nhựa. Một số tiểu thương ở chợ giờ gói rau bằng lá chuối thay bịch nhựa" - bà Lộc kể.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Đoàn Trung nhận định, hạn chế rác thải nhựa, vận động người dân vào cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì một TP sạch và giảm ngập nước" là câu chuyện dài mà chính một cán bộ, từng hội viên, đoàn viên các đoàn thể cùng chung sức, chia sẻ trước khi lan rộng ra người dân TP.

"Dù khó nhưng chúng ta sẽ vẫn kiên trì làm, đến khi nào người dân thấy đồng thuận, hài lòng về một TP văn minh của chúng ta" - ông Trung nói.

Nêu gương và làm gương

Cùng với chia sẻ cách làm, nhiều ý kiến cho rằng cán bộ các đoàn thể cần nêu gương, phải làm gương trước khi vận động hội viên, người dân cùng làm. Ông Trần Thanh Xuân (Hội Cựu chiến binh Q.Phú Nhuận) nói các hội viên của quận đăng ký không dùng bao bì nhựa sử dụng một lần, lên danh sách theo dõi hẳn hoi.

Các cuộc họp đã không còn dùng loại nước đóng chai nhựa cho mỗi người, mà chỉ để một bình nước chung, ai uống tự đi rót. Theo ông Xuân, không khó để hạn chế rác thải nhựa nếu chúng ta có cùng quyết tâm.

"TP nên có chính sách động viên, hỗ trợ các đơn vị sản xuất sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần để họ tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường đưa đến tay người dân rộng rãi, tôi tin sẽ được ủng hộ" - ông Xuân phân tích.

TheoTTO

Bạn đang đọc bài viết Thay đổi thói quen để bớt rác thải nhựa: Ai ý thức hơn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Bí thư Thành ủy thăm, tặng quà người có công
Chiều 17/4, Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Chiến sĩ Điện Biên, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến tại quận Hải An. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 07/5/2024).

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.