Thứ năm, 28/03/2024 19:07 (GMT+7)

Tiêu chí Môi trường & An toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới

MTĐT -  Thứ tư, 02/06/2021 11:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 24/96 xã đạt tiêu chí số 17 Môi trường và An toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới.

Chi hội Phụ nữ phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) quét dọn, thu gom rác thải bảo vệ môi trường.

Theo quy định, để đạt tiêu chí về Môi trường và An toàn thực phẩm phải hoàn thành 5 nội dung: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 75%; 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Trong những năm qua, thực hiện tiêu chí số 17 là tiêu chí khó thực hiện nhất đối với các xã khi xây dựng nông thôn mới. Các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là quy mô hộ gia đình, hợp tác xã, chỉ có một số ít cơ sở chăn nuôi sử dụng biện pháp xử lý nước thải bằng hầm biogas, các cơ sở chăn nuôi còn lại đều xả nước thải chăn nuôi trực tiếp ra môi trường. Mặt khác, do tập quán chăn nuôi lâu đời nên việc vận động người dân di dời chuồng trại ra xa nhà ở khó khăn. Về việc thu gom, xử lý nước thải, đa số các xã đều đã có kênh mương thoát nước thải nhưng chủ yếu là rãnh đất, chưa có rãnh xây, chưa đảm bảo việc xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Bên cạnh đó, dân cư sống không tập trung nên khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải.

Phần lớn các xã trên địa bàn tỉnh đều có xuất phát điểm thấp, gần như chưa đạt các tiêu chí nông thôn mới, nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đảm bảo, một số tiêu chí khó đạt như: Giao thông, Thủy lợi, Thu nhập... Nhu cầu nguồn lực đầu tư khá lớn, trong khi việc phân bổ nguồn vốn ngân sách hằng năm từ Trung ương, tỉnh và huyện rất hạn chế; việc huy động sức dân gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng các công trình. Phương pháp và hình thức tổ chức công tác tuyên truyền còn hạn chế và thực hiện chưa đầy đủ nên kết quả tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường nông thôn chưa đạt hiệu quả sâu rộng.

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn tỉnh Bắc Kạn, trong đó có lĩnh vực bảo vệ môi trường. Một số hoạt động tiêu biểu về bảo vệ môi trường đã được các xã trong tỉnh nhân rộng như: Thành lập các tổ thu gom rác thải dưới sự chỉ đạo, giám sát của UBND xã; đầu tư lò đốt rác sinh hoạt góp phần tăng cường xử lý rác thải vùng nông thôn; trồng hoa dọc các tuyến đường tại một số xã đã góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, chấm dứt tình trạng vứt rác ven đường.

Đến nay, bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt cảnh quan môi trường được cải tạo xanh, sạch, đẹp, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; gắn kết giữa văn hoá với du lịch; giữa bảo tồn và phát triển. Các hộ dân đã tích cực cải tạo, nâng cấp đường làng, ngõ xóm, cải tạo vườn, hàng rào, trồng cây xanh nơi công cộng, không còn hiện tượng vứt rác bừa bãi. Công tác tuyên truyền thời gian qua đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về nội dung, ý nghĩa của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nói chung và thực hiện tiêu chí Môi trường và ATTP nói riêng. Qua đó, đã tạo được phong trào thi đua sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Đồng chí Ngô Văn Viện - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới theo tinh thần người dân phải là chủ, làm chủ; huy động nội lực là chính. Đa dạng hoá việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch. Cần có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị; tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, thúc đẩy thực hiện phong trào. Đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm đối với các xã; lồng ghép các nhiệm vụ liên quan đến nông thôn mới vào các nhiệm vụ chuyên môn của Sở. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường, chú trọng tập trung các xã phấn đấu đạt tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới./.

Theo Bích Ngọc/Báo Bắc Kạn

Bạn đang đọc bài viết Tiêu chí Môi trường & An toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.