Thứ sáu, 29/03/2024 16:37 (GMT+7)

Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 18/11/2018

MTĐT -  Chủ nhật, 18/11/2018 13:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/11/2018, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất của Hà Nội ngày 18/11 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khen Bộ Y tế trong thực hiện cơ chế một cửa

Chiều 17/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ Y tế về việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực y tế.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết tháng 11/2018, Bộ Y tế đã chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia với việc kết nối 7/23 thủ tục hành chính (1 ở lĩnh vực thiết bị y tế (TBYT)  và 6 thủ tục ở dược). 

Tháng 12/2018, Bộ Y tế sẽ hoàn thành kết nối 10 thủ tục hành chính. 6 thủ tục hành chính còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 1-2019. Bộ Y tế cũng đã cắt giảm 1.363/1871 điều kiện đầu tư, kinh doanh (đạt 72,85%) và 169/234 thủ tục hành chính (đạt 72,22%). 

Bên cạnh đó, năm 2018, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính ban hành 4 Thông tư số danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu gắn mã HS ở các lĩnh vực: Thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm; Hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn và TTBYT. Bộ cũng ban hành danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc dùng cho người và mỹ phẩm xuất khẩu, nhập khẩu đã xác định mã số hàng hóa, gồm 10 danh mục với hơn 3.000 ngành hàng, gồm tất cả các loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu.

Nhiều mặt hàng đã được Bộ Y tế quy định không kiểm tra chuyên ngành khi thông quan tại cửa khẩu... Trong lĩnh vực ATTP,  Bộ Y tế được giao quản lý 5 mặt hàng. Bộ Y tế đã qui định các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm được miễn kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu...

Đại diện Tổ công tác chuyên ngành cho biết Bộ Y tế tiên phong trong cắt giảm thủ tục hành chính ở khối văn xã. Việc cắt giảm thủ tục hành chính của Bộ Y tế khởi động chậm nhưng tăng tốc quyết liệt và hiệu quả rõ ràng khi hàng ngàn thủ tục hành chính đã được cắt bỏ...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả đạt được của Bộ Y tế trong thực hiện cơ chế một cửa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. “Đây cũng là nỗ lực lớn của Bộ Y tế khi Chính phủ đặt mục tiêu cả nước là 50% thì Bộ Y tế đạt hơn 72%. Việc kết nối cơ chế một cửa, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp tác động đến người dân, doanh nghiệp vì tiết kiệm thời gian và tiền của. Chúng tôi đánh giá Bộ Y tế đi đầu trong  vấn đề xã hội hóa và quản lý giá”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hà Nội: Sau đua F1, sẽ có trường đua ngựa 500 triệu USD

Trường đua ngựa dự kiến có vốn đầu tư khoảng trên 500 triệu USD xây dựng tại huyện Sóc Sơn, đảm bảo không xâm lấn vào đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Dự án vận hành dự kiến sẽ tạo thu nhập cho khoảng 5.000 lao động trực tiếp và khoảng 20-25 nghìn lao động từ các dịch vụ kèm theo.

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản số 5373 gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về dự thảo báo cáo điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trước đó, tại Công văn số 1941/VPCP-QHQT ngày 1/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của UBND thành phố Hà Nội bổ sung Dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – Trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa) vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 - (gọi tắt là QH2011).

Theo UBND thành phố Hà Nội, việc điều chỉnh QH2011, trong đó trọng tâm là bổ sung dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa) có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố thêm nguồn lực đầu tư, tạo ra những sản phẩm du lịch mới chất lượng hơn, thúc đẩy mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Dự kiến dự án có vốn đầu tư khoảng trên 500 triệu USD, chiếm tỷ trọng khoảng 1% tổng đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố và ngành du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

Việc bổ sung Dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa vào quy hoạch có tác động đến nguồn ngân sách của thành phố nhưng không lớn, do thành phố chỉ chi ngân sách cho việc tổ chức giải phóng mặt bằng, tổ chức quản lý dự án, trong khi đó mặt bằng khu vực dự kiến hình thành dự án chủ yếu là đất ruộng nông nghiệp.

Theo tính toán của UBND thành phố, quá trình hình thành và vận hành dự án sẽ tạo thu nhập cho khoảng 5.000 lao động trực tiếp. Ngoài ra, hoạt động phụ trợ (khách sạn, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm và công viên phục vụ cho văn hóa giải trí) dự tính thu hút khoảng 20-25 nghìn lao động.

Dự án hoàn thành sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn, thuế doanh nghiệp thu được dự kiến trung bình đạt khoảng 10 triệu USD/năm và khoảng 40-50 triệu USD/năm khi đi vào vận hành toàn bộ. Ngoài ra, tiền thuế tiêu thụ đặc biệt do hoạt động đua ngựa khi Dự án đi vào hoạt động khoảng 100-200 triệu USD/năm.

Coi thường cảnh báo, nam thanh niên tử vong khi băng qua đường sắt

Bất chấp đèn cảnh báo có tàu đang tới, nam thanh niên vẫn cố tình điều khiển xe máy phóng qua đường sắt và bị tàu SE3 tông trúng. 

Tối ngày 17/11, tại Km17+150, khu vực ga Thường Tín (Hà Nội) xảy ra một vụ tai nạn chết người. Khi đoàn tàu SE3 (hướng Hà Nội- Hồ Chí Minh) đang đi tới đoạn này, một xe máy mang BKS 18F5-3910  chở 2 nam thanh niên bất chấp đèn cảnh báo có tàu vẫn có phóng qua đường sắt. Chiếc xe máy trên bị tàu SE3 tông trúng, người lái xe tử vong tại chỗ, còn người ngồi sau vì kịp nhảy khỏi xe nên thoát được.

Theo thông tin ban đầu, người lái xe tử nạn kia quê ở Ý Yên, Nam Định đang đi từ quốc lộ 1A vào cụm dân cư Bắc Vy.

Vụ tai nạn khiến tàu khách phải dừng tại ga Thường Tín gây chậm tuyến hơn 24 phút.

Hà Nội: Công khai 125 đơn vị nợ hơn 110 tỷ đồng tiền thuế, phí

Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa tiếp tục công khai đợt tháng 11/2018 danh sách 125 đơn vị nợ thuế, phí với số nợ hơn 110 tỷ đồng.

Tại danh sách công khai, có 23 doanh nghiệp nợ với số tiền gần 53 tỷ đồng, Cục Thuế đã đăng công khai từ các năm trước (năm 2015, 2016 hoặc 2017). Tuy nhiên, số nợ của các doanh nghiệp này còn lớn nên Cục Thuế tiếp tục công khai lại đối với các đơn vị này trong đợt tháng 11/2018.

Ảnh minh họa. (Nguồn: PLDS)

Đứng đầu danh sách là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 với số nợ tính đến ngày 30/9/2018 là 18 tỷ đồng.

Tiếp theo, có thể kể tới như Công ty Cổ phần Xây dựng 699 nợ gần 10 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng Bạch Đằng 8 nợ hơn 6,1 đồng; Công ty Cổ phần Sông Hồng số 6 nợ 3,3 tỷ đồng...

Cùng với đó, có 102 doanh nghiệp nợ thuế, phí (công khai lần đầu) tại kỳ khóa sổ ngày 30/9/2018 với tổng số nợ gần 58 tỷ đồng.

Đứng đầu với số nợ 13,7 tỷ đồng là Công ty Cổ phần vật liệu và xây dựng Hà Nội. Tiếp theo là các đơn vị như Công ty Cổ phần dịch vụ và vận tải Bảo Châu nợ 4,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Phú Mai nợ 3,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần sản xuất thép kết cấu và xây dựng Thành Trung nợ 2,8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Alpha M.A.I Việt Nam nợ 2,4 tỷ đồng. Các đơn vị còn lại đều nợ dưới 2 tỷ đồng.

Nếu tính từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội đã đăng công khai 1.627 đơn vị nợ tiền thuế, phí, các khoản thu liên quan đến đất với tổng số tiền nợ đã đăng công khai là 6.350 tỷ đồng. Kết quả sau khi đăng công khai đã có 660 doanh nghiệp và dự án nộp 517 tỷ đồng.

Cục Thuế thành phố cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, đề xuất các cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế quyết liệt hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư có nguồn tiền nhưng cố tình chây ì, không hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Hà Nội: Chất lượng không khí tốt dần vào những ngày cuối tuần

Thống kê chỉ số AQI trong tuần (11/11 - 17/11) trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, chất lượng không khí có xu hướng cải thiện hơn so với tuần trước đó. Số ngày AQI đạt mức tốt tăng nhẹ, số ngày AQI chạm ngưỡng kém tại các trạm quan trắc giao thông lớn giảm.

Chỉ số chất lượng không khí trong tuần dao động trong khoảng 47 - 117. Trong đó, các trạm nền đô thị AQI dao động trong khoảng 47 - 86, các trạm quan trắc giao thông AQI dao động trong khoảng 54 - 117, cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa các loại hình trạm quan trắc.
Cụ thể, tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, trong tuần này chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức trung bình là chủ yếu; số ngày AQI đạt mức tốt tăng nhẹ. Theo ghi nhận, Tân Mai là trạm có số ngày AQI đạt mức tốt cao nhất chiếm 42,9%, tiếp đến là các trạm Trung Yên 3, Kim Liên và Tây Mỗ chiếm 14,3%, riêng trạm Mỹ Đình 100% số ngày AQI ở mức trung bình.
Tại 2 điểm quan trắc giao thông Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông, so với tuần trước đó thì trong tuần này chất lượng không khí đã được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, số ngày AQI ở mức kém lần lượt giảm từ 71,4% (tuần trước đó) xuống còn 28,6% và 57,1% xuống 28,6%, còn lại ở mức trung bình. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm này cũng đã giảm xuống rõ rệt, lần lượt là 117 và 114 (tuần trước đó: 177 và 164).
Tại các điểm quan trắc giao thông nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công có diễn biến tương tự các trạm khác, chất lượng không khí cũng có xu hướng cải thiện. Cụ thể, tại trạm Hàng Đậu số ngày AQI chạm ngưỡng kém giảm xuống còn 1 ngày (ngày 13/11) chiếm 14,3% và trạm Thành Công không còn ngày nào AQI chạm ngưỡng kém, 100% ở mức trung bình. Riêng trạm Hoàn Kiếm trong tuần này không có ngày nào AQI đạt tốt, 100% số ngày AQI ở mức trung bình.

200 cô trò ngộ độc sau bữa ăn mừng ngày Nhà giáo

Cuối giờ chiều 17/11, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo nhanh về việc điều trị các trường hợp nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn của Trường Mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh).

Theo đó, tính đến 16h30 ngày 17/11, đã có 195 trường hợp (gồm: 193 trẻ mầm non và 2 cô giáo) nhập viện điều trị nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền thăm hỏi các bệnh nhân nhi tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Hiện đã có 14 trường hợp được xuất hiện, 7 trường hợp được chuyển viện, một số bé được đưa lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) và cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trong số 174 trường hợp đang tiếp tục được điều trị tại hai viện Đông Anh và Bắc Thăng Long, có 124 người sức khoẻ tiến triển tốt, 50 người tiến triển chậm hơn và hiện được chăm sóc, điều trị tích cực.

Ngoài ra, kết quả cấy vi khuẩn trên bệnh phẩm của bệnh nhân ngày 17/11 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho thấy, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Salmonella tuýp 2.

Salmonella là tên chung của nhiều loại vi khuẩn. Chúng có thể có mặt ở các loại thịt gia cầm và trứng, hay ở cả trái cây, rau hoặc  nước uống hay sữa bị ô nhiễm... Hầu hết các loại Salmonella đều tác hại trực tiếp vào dạ dày khiến người bệnh đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa trong vài ngày.

Cũng có loại vào đường ruột, gây thương hàn khiến người bệnh có thể tử vong.

Trước đó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã lấy 8 mẫu thức ăn của cả 2 ngày 14- 15/11 và 2 mẫu nước bao gồm nước nấu ăn, nước uống đóng bình để kiểm nghiệm, làm rõ nguyên nhân.

Ngày 14/11, gần 200 cô và trò của trường mầm non Xuân Nộn đã tham gia liên hoan cho cô và trò nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Bữa trưa 14/11 các cháu được ăn buffe tại trường với các món xúc xích, bò sốt vang, xôi Lệ phố, cơm rang, rau củ quả luộc, nước cam và sữa chua, bánh ngọt vào bữa chiều. 

Công ty cung cấp bữa trưa buffet và thực phẩm hàng ngày cho trường là Công ty TNHH Bảo An có địa chỉ tại thị trấn Đông Anh.

Sau bữa ăn hơn một ngày, đến 15 giờ ngày 15/11, một số trẻ của Trường Mầm non Xuân Nộn được nhập viện với các biểu hiện sốt cao, nôn nhiều, đi ngoài...

Hà Nội phấn đấu hoàn thành trên 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 26-4-2016, Thành ủy Hà Nội ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình số 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”. Chương trình này dựa trên những thành tựu và kinh nghiệm về xây dựng, phát triển NTM của giai đoạn 2010 – 2015.

Giai đoạn 2016 - 2020, bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM tăng thêm 10 chỉ tiêu so với giai đoạn trước nhưng Hà Nội luôn giữ vững “lá cờ đầu”, là địa phương đi đầu và luôn dẫn đầu cả nước về thành tích xây dựng NTM.

Đến hết năm 2017, Hà Nội đã có 4 huyện là Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện NTM. Có 294/386 xã (đạt 76,16%) đạt chuẩn NTM. Trong số 92 xã còn lại, có 56 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí, bình quân đạt 18,19 tiêu chí/xã.

Nhiều việc khó như dồn điền, đổi thửa, đã đạt kết quả rất cao (sau 3 năm từ 2012 - 2014, TP đã cơ bản hoàn thành, với tổng diện tích 76.891ha). Xuất hiện nhiều tấm gương hiến đất, mở đường, đóng góp tiền của xây dựng NTM. Những công việc quan trọng và khó nhất trong xây dựng NTM đều được nhân dân đồng thuận cao, bảo đảm công khai, minh bạch, phát huy tốt vai trò của người dân là chủ thể của chương trình xây dựng NTM.

Thành ủy, UBND TP đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tạo cơ chế đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trọng tâm của Chương trình, như: Chỉ thị số 09, ngày 1-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP Hà Nội”; thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia, trong đó có Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của TP; kiện toàn Hội đồng thẩm định và Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn NTM TP Hà Nội.

Công tác tuyên truyền và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp từ TP đến huyện, xã và thôn, xóm được quan tâm. Từ năm 2016 đến nay, đã có trên 20.000 lượt cán bộ được tập huấn bồi dưỡng.

Tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn của Hà Nội ngày càng tăng cao. Giai đoạn 2010 - 2015, đạt 63.553 tỷ đồng, trong đó có 34.456 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM, đạt 170% kế hoạch. Vốn ngân sách nhà nước đầu tư 23.573 tỷ đồng, ngân sách TP là 10.166 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động từ DN, Nhân dân đóng góp là 10.892 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy (Khóa XVI), năm 2016, 2017 đã đầu tư cho khu vực nông thôn 25.094 tỷ đồng (ngân sách T.Ư là 58 tỷ đồng, ngân sách TP và cấp huyện, xã là trên 22.786 tỷ đồng; nguồn vốn huy động ngoài ngân sách là 2.250 tỷ đồng).

Các quận nội thành đã tích cực hỗ trợ các huyện, thị xã nguồn lực xây dựng NTM (từ năm 2016 đến nay, 12 quận đã hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí là 284,9 tỷ đồng).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội đã cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 101.385 tỷ đồng, trong đó cho vay xây dựng NTM là trên 42.455 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hà Nội cho vay tại 18 huyện, thị xã là 5.193 tỷ đồng, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân nông thôn.

TP đang tích cực chỉ đạo, với nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi để tập trung cho các xã còn lại phấn đấu đạt chuẩn NTM đến năm 2020 để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu có trên 80% số xã trở lên đạt chuẩn về NTM theo Chương trình số 02 của Thành ủy.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 18/11/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Tuấn Anh (TH)

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.