Thứ ba, 19/03/2024 16:45 (GMT+7)

TP.HCM - Cán bộ huyện Củ Chi cố tình cản trở phóng viên tác nghiệp!

Nhóm phóng viên -  Thứ tư, 08/07/2020 08:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chuyên viên Văn phòng UBND huyện Củ Chi cố tình gây khó dễ và không cho PV tác nghiệp.

Ngày 26/06/2020 vừa qua, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam có cử PV tới UBND huyện Củ Chi liên hệ làm việc về cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, PV đã bị ông Trần Đăng Vinh - chuyên viên Văn phòng UBND huyện Củ Chi cố tình gây khó dễ và không cho tác nghiệp.

Cụ thể, hơn 11h ngày 26/06/2020, phóng viên đã đến UBND huyện Củ Chi để làm việc theo Giấy giới thiệu số 254/GGT-CQĐD và Công lệnh số 16.20/CL-CQĐD của Cơ quan đại diện Môi trường và Đô thị tại TP.Hồ Chí Minh cùng nội dung câu hỏi phỏng vấn về sự việc theo phản ánh của bạn đọc. Buổi làm việc diễn ra bình thường giữa phóng viên và ông Nguyễn Văn Nhựt - Phó Chánh VP UBND huyện, nhưng đến cuối buổi, đột nhiên ông Trần Đăng Vinh xuất hiện, xưng là Chuyên viên Văn phòng HĐND huyện, được cơ quan phân công tiếp xúc báo chí, cố tình cản trở công việc. Tại đây, ông Vinh dẫn dắt theo Luật Báo chí, yêu cầu phóng viên phải xuất trình được Thẻ nhà báo hoặc Giấy giới thiệu và thẻ nhân viên của báo. Vì những yêu cầu hết sức vô lý và trái với tinh thần văn bản số 1933/STTTT-BC của Sở Thông tin Truyền thông và chỉ đạo của Bộ Thông tin Truyền thông về việc cấp thẻ nội bộ tại các cơ quan báo chí nên PV đã ra về.

Theo văn bản 1933/STTTT-BC của Sở Thông tin Truyền thông Tp.HCM về hướng dẫn công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, thì PV không có Thẻ nhà báo chỉ cần xuất trình Giấy giới thiệu kèm giấy tờ tùy thân. Không biết ông Vinh cố ý hay chưa đọc được văn bản này mà gây khó khăn cho PV khi tác nghiệp? Ông Vinh tự giới thiệu phụ trách nghiệp vụ báo chí và đại diện tiếp xúc báo chí của cơ quan, nhưng lại không biết PV cần có những loại giấy tờ gì để làm việc? Bản thân ông Vinh có được Chủ tịch UBND huyện Ủy quyền bằng văn bản để tiếp xúc với báo chí hay không mà ngay cả nhà báo và phóng viên ông Vinh cũng không phân biệt được?

Không dừng lại ở đó, khi PV ra về thì ông Vinh đuổi theo và yêu cầu xóa đoạn ghi âm của buổi làm việc. Yêu cầu này không đúng theo Luật Báo chí 2016 nên chúng tôi kiên quyết không xóa và lấy đó làm bằng chứng báo cáo Tòa soạn về hành vi cố tình cản trở tác nghiệp.

Ông Trần Đăng Vinh chặn ngay cửa, không cho PV ra về khi chưa xóa đoạn ghi âm.

Do bị PV từ chối xóa đoạn ghi âm, trong đó có ghi lại cả những lời lẽ không chuẩn mực của mình, ông Vinh đã chỉ đạo bảo vệ của UBND khóa cửa lại, chặn PV không cho ra. Tiếp sau đó, ông Vinh tiếp tục đuổi theo ra đến cổng UBND và bắt PV thực hiện yêu cầu. Tiếp sau đó, xe PV khi ra cổng thì bị bảo vệ bấm cửa cho đập vào xe, ngay cả khi ô tô đã dừng lại, bảo vệ lại tiếp tục bấm cửa để đập lần thứ 2.

Sự việc có dấu hiệu hủy hoại tài sản của PV.

Quá bức xúc trước hành vi phá hoại tài sản ngay trong cơ quan Nhà nước, chúng tôi đã yêu cầu Cơ quan Công an huyện Củ Chi lập biên bản hiện trạng xe và giữ xe để giám định thiệt hại tài sản, làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Song song đó, PV đã làm đơn khiếu nại về hành vi cản trở tác nghiệp của ông Trần Đăng Vinh tới UBND huyện Củ Chi.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh - Đoàn Luật sư TP.HCM: “Khoản 3 Điều 3 Nghị định 09/2017/NĐ-CP ngày 09/2/2017 quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước, đối với UBND cấp huyện, người có thẩm quyền phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là Chủ tịch Ủy ban, trường hợp bận công tác có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban và người này không được ủy quyền lại.

Ngoài ra, khoản 12, điều 9 Luật báo chí 2016 cũng quy định rất rõ, nghiêm cấm hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên hay hành vi hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 30 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, người gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản của nhà báo, phóng viên còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ Luật dân sự”.

Ngày 1/7/2020, Cơ quan đại diện Tạp chí Môi trường & Đô thị Việt Nam tại TP.HCM đã có công văn gửi đến Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, đề nghị làm rõ việc cán bộ của huyện cố tình cản trở PV tác nghiệp đúng luật báo chí và hành vi cố ý hủy hoại tài sản, phương tiện của PV nhưng đến nay, Tòa soạn vẫn chưa nhận được phản hồi. 

Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục thông tin./.

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM - Cán bộ huyện Củ Chi cố tình cản trở phóng viên tác nghiệp!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.

Tin mới

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.