Thứ sáu, 29/03/2024 17:39 (GMT+7)

Tranh cãi về đề xuất xé núi tạc phù điêu ở Bình Định

MTĐT -  Thứ năm, 19/09/2019 15:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tỉnh Bình Định dự kiến sẽ chi 86 tỷ đồng xây công trình phù điêu vào vách núi với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”.

Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị đang hoàn tất các hồ sơ, thủ tục để thi công công trình phù điêu vách núi với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”.

Theo đó, vị trí tạc phù điêu là núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn) nằm dọc giữa ngã 5 đường Trần Hưng Đạo giao với đường Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành dẫn vào trung tâm TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Về phương án thi công, đơn vị thi công sẽ cắt sâu vào vách núi (khoảng 20 đến  25m) để tạo mặt phẳng đứng để tạc phù điêu trực tiếp vào vách núi. Theo đó, tổng chiều dài bức phù điêu dài 81,5m, vị trí cao nhất 35m; hệ thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ 3.000m2.

Tỉnh Bình Định dự kiến chi hơn 86 tỷ đồng (tiền ngân sách hơn 34 tỷ, nguồn xã hội hóa hơn 51 tỷ) để thực hiện công trình phù điêu trên, thời gian thực hiện công trình dự kiến từ năm 2020 - 2022.

Phác họa phù điêu tạc vào vách núi tại TP. Quy Nhơn.

Sở Văn hóa - thể thao Bình Định cho rằng công trình này sẽ làm tăng giá trị không gian văn hóa - lịch sử, kiến trúc cảnh quan đô thị và tăng giá trị hình ảnh quảng bá, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương cho rằng, công trình phù điêu hiện nay chưa cần thiết, có thể gây lãng phí. Họ yêu cầu cơ quan chức năng dừng chi 86 tỷ đồng (trong đó có hơn 30 tỷ là ngân sách) để tạc phù điêu vào vách núi.

Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Sanh Hồng (ngụ phường Đống Đa) - người đã có hơn 20 năm sống gần núi Bà Hỏa nói rằng mùa mưa, nước từ trên núi tuôn xuống xối xả, gây ngập nhiều tuyến đường khu vực ngã 6 - cửa ngõ ra vào TP Quy Nhơn.

"Địa phương còn nghèo, Bình Định nên dành tiền mở rộng nút giao thông, chăm lo cho người nghèo hay đầu tư vào lĩnh vực y tế... Lo nhất là vào mùa mưa, núi sạt lở vùi lấp mất phù điêu thì lãng phí lắm", ông Hồng nói.

Trong khi đó, trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Vũ Hoàng Hà - cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Định - chia sẻ mới đây Thường trực Tỉnh ủy có mời một số nguyên lãnh đạo chủ chốt đến tham gia lấy ý kiến về một số vấn đề, trong đó có hỏi ý kiến về việc bức phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ.

Theo ông Hà, muốn làm phù điêu này, việc trước hết phải quy hoạch giao thông của ngã năm này với tầm nhìn xa. Sau khi quy hoạch nút giao thông này và được duyệt mới tính đến việc đặt phù điêu ở chỗ nào để khỏi che khuất tầm nhìn, tránh gây tai nạn giao thông.

Ông Hà cũng nhận xét phác họa phù điêu như phác thảo là rất rối. Lãnh đạo tỉnh Bình Định nên gặp gỡ lấy ý kiến các nhà sử học, Bộ VH-TT&DL, chuyên gia có chuyên môn hiến kế xây dựng lại chủ đề.

Theo ông Hà, lãnh đạo tỉnh không nên làm theo kiểu tư duy nhiệm kỳ, lãnh đạo làm nhiệm kỳ này đôi khi cũng muốn để lại một công trình gắn liền với tên tuổi thì không nên, ngược lại phản tác dụng nếu không thành công.

Kết quả thăm dò của chuyên gia Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ cũng xác định núi Bà Hỏa có địa chất gồm đá núi lửa rhyolite, đá cao oxit silic (Si02) tương đối bền với thời gian nhưng dễ nứt nẻ. Loại đá thứ hai là cát kết, cuội kết... gọi chung là đá trầm tích, độ ổn định kém. Từ đỉnh trở xuống (từ 4-9 m) là lớp đất phong hóa, phía bên dưới có một số khe nứt. Phần còn lại là lớp đá liền khối có thể tạc phù điêu.

"Chúng tôi đã khuyến cáo cơ quan chức năng nếu tạc phù điêu vào vách núi này thì phải có giải pháp làm kè, mái che bên trên, xây mương thu nước để chống sạt lở; dùng phụ gia xử lý một số vết nứt để bảo đảm an toàn cho công trình", ông Trần Huynh, chuyên gia Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ, nói.

Tuy nhiên, theo thông tin trên báo Dân trí, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cũng khẳng định việc tạc phù điêu vào vách núi mới có chủ trương, vẫn trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để thẩm định, phê duyệt dự án.

“Địa phương sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các chuyên gia về chủ đề cũng như vị trí đặt bức phù điêu. Khi nào nhân dân đồng thuận mới triển khai. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là tính toán làm sao làm phải phù hợp, thiết thực, hiệu quả, không nóng vội”, ông Thanh nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tranh cãi về đề xuất xé núi tạc phù điêu ở Bình Định. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ