Thứ năm, 25/04/2024 23:13 (GMT+7)

Vì sao tiền điện lại tăng đột biến?

MTĐT -  Thứ bảy, 18/04/2020 09:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày qua, nhiều người dùng cũng chia sẻ về việc tiền điện gia đình tháng 3/2020 tăng đột biến.

Chia sẻ với báo Tuổi trẻ, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (phường Phú Thuận, Q.7) cho hay, vừa nhận được hóa đơn tiền điện của tháng 3 với số tiền tăng đột ngột lên 534.000 đồng. Trước đó, trong tháng 2 chị Hằng chỉ trả tiền điện 374.000 đồng.

Theo chị Hằng, do sống một mình và làm việc tại ngân hàng nên trong tháng 3 chị luôn rời khỏi nhà từ 6h30 - 21h mỗi ngày. Trong nhà vẫn sử dụng tủ lạnh, điều hòa, máy nước nóng nhưng dùng rất hạn chế. Với mức dùng như thế, chị Hằng cho biết các 4 tháng qua tiền điện cũng chỉ hơn 300.000 đồng, riêng tháng 3 tăng cao hơn 42% khiến chị rất bất ngờ.

Lý giải về nguyên nhân khiến tiền điện ở TP.HCM tăng cao hơn tháng trước đó, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cho biết, “Tại nhiều khu vực, nhất là các tỉnh phía Nam, theo quy luật thời tiết thì tháng 3 bắt đầu chuyển sang nắng nóng. Điển hình tháng 3 năm nay còn có một số ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35 độ. Trong thời gian này, các hộ khách hàng sử dụng nhiều thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn”.

Tuy nhiên, không chỉ tại TP.HCM, tại Hà Nội, miền Bắc vẫn đang có không khí lạnh nhưng hóa đơn tiền điện tháng 3 vẫn tăng đột biến.

Trao đổi với báo Thanh niên, bà Minh Anh (Q.Ba Đình, Hà Nội) kể gia đình có sử dụng máy lạnh nhưng tháng nào nhiều nhất cũng không quá 1,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng tháng 4, hóa đơn điện lên tròn 2 triệu đồng. Nhận hóa đơn mà 2 vợ chồng bà “còn nghi nhà mình bị câu trộm điện”.

Bà Minh Anh nói: “Tôi hiểu rất rõ ý thức tiết kiệm điện. Chủ động cắt bớt việc giặt máy, thức khuya, xem ti vi, máy lạnh, không dùng lò nướng… Đợt này nếu bù qua sớt lại, tôi nghĩ với ai không biết, chứ gia đình tôi tiền điện tháng này nhẽ ra phải giảm vì nhiều sinh hoạt sử dụng điện tôi cắt giảm tối đa. Còn làm việc online thì hai vợ chồng tôi làm việc tự do nên xưa nay làm online là chính rồi. Nếu nói miền Nam nắng nóng quá nên sử dụng điện tăng là phải thì miền Bắc và một số tỉnh miền Trung đang lạnh rét co ro thế này, tại sao tiền điện vẫn tăng?”.

Trước thực tế hoá đơn liên tục tăng cao, nhiều ý kiến hoài nghi liệu có tác động ngoại lực để điều chỉnh số điện trên công tơ?

Trao đổi với VTC News về vấn đề này, TS Phùng Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Thiết bị điện – điện tử Viện Điện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, công tơ điện luôn luôn có sai số nhưng rất nhỏ, trong phạm vi cho phép và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng nhận kiểm định.

“Về nguyên tắc, công tơ điện do cơ quan điện lực lắp cho khách hàng theo hợp đồng mua bán đều phải đảm bảo tiêu chuẩn về đo lường chất lượng, có dán tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định. Sai số có thể âm hoặc dương, nhưng rất nhỏ và nằm trong giới hạn cho phép”, Tiến sỹ nói.

Nói về chi phí tiền điện tăng hoặc giảm bất thường, TS Tuấn cho biết có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến hoá đơn điện như mức độ tiêu thụ, thời tiết, cách tính của ngành điện hoặc thời điểm chốt số… Tuy nhiên chuyên gia loại bỏ khả năng tác động từ bên ngoài khiến công tơ chạy nhanh hơn bình thường.

Trước thắc mắc của khách hàng về tình hình hóa đơn tiền điện, EVN cho biết bên cạnh việc tuyên truyền, các tổng công ty điện lực cũng thực hiện nhiều giải pháp khác để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Đơn cử như thông tin về lượng điện năng tiêu thụ tháng trước để kiểm tra việc sử dụng điện, thực hiện phúc tra chỉ số côngtơ do bộ phận độc lập thực hiện với 100% hóa đơn có mức tăng trên 30%, trước khi phát hành tới khách hàng.

EVN cũng cho hay đang tăng cường lực lượng các điện thoại viên để tiếp nhận, giải quyết kiến nghị. Trong vòng 24 giờ khi nhận được phản ánh, EVN sẽ cử nhân viên trực tiếp xuống gặp gỡ khách hàng.

Cũng theo EVN, trong bối cảnh dịch bệnh tác động lớn, gây nên nhiều khó khăn cho đời sống sản xuất, kinh doanh, tập đoàn và Bộ Công thương đã có đề xuất giảm tiền điện cho người dân và doanh nghiệp. Dự kiến số tiền điện giảm cho người dân lên tới gần 12.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do đến nay chưa có quyết định chính thức và hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền về việc giảm giá điện, thời gian áp dụng. Vì vậy, EVN cho biết phải thực hiện việc phát hành hóa đơn tiền điện theo đúng các quy định hiện hành.

EVN tiếp tục khuyến cáo và đề nghị khách hàng cần thật sự quan tâm và thực hành tiết kiệm điện. Đơn cử như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn, trang bị các thiết bị được dán nhãn tiết kiệm năng lượng, điều hòa nhiệt độ làm mát chỉ đặt từ 26 độ trở lên…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao tiền điện lại tăng đột biến?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.