Thứ sáu, 26/04/2024 06:05 (GMT+7)

Việc điều tra, truy vết các ca bệnh còn nhiều khó khăn và vất vả

MTĐT -  Thứ sáu, 14/05/2021 15:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công tác điều tra, truy vết thần tốc ca bệnh và những trường hợp liên quan được ngành Y tế khẩn trương thực hiện để kịp thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch, tuy nhiên công việc này vẫn nhiều khó khăn.

“Những ngày gần đây, Hà Nội xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng với tốc độ lây lan nhanh và khó lường. Công tác điều tra, truy vết thần tốc ca bệnh và những trường hợp liên quan trong cộng đồng đã được ngành Y tế khẩn trương thực hiện để kịp thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch, tuy nhiên công việc này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vất vả”- đó là chia sẻ của ThS.BS Đào Hữu Thân, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội).

ThS.BS Đào Hữu Thân cho biết, khi Hà Nội xuất hiện ca bệnh F0 thì ngay lập tức CDC Hà Nội phối hợp với các đơn vị triển khai điều tra, truy vết các trường hợp F1, F2 và liên quan không kể ngày đêm. Những thông báo khẩn liên tục được phát đi để tìm kiếm nhanh nhất những người đã từng tiếp xúc với F0. Đặc biệt, quy trình thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đến khi ra kết quả một cách chính xác cần nhiều thời gian và công sức của các cán bộ y tế.

Khi màn đêm buông xuống, những chiến sĩ áo trắng vẫn khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

Việc điều tra, tìm kiếm các đối tượng trên thực tế cũng gặp rất nhiều khó khăn như rà soát tại địa bàn, điều tra dịch tễ để xác định có đúng F1 hay không, chưa kể các F1 có thể nằm rải rác ở các quận, huyện hay xã, phường khác nhau, thậm chí ở các tỉnh khác. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho việc xác định được những trường hợp liên quan. Ngay sau đó, các địa phương lập danh sách F1 tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và khẩn trương đưa đến các khu cách ly tập trung.

Tiếp đó, các đơn vị khẩn trương truy vết F2 (những người có tiếp xúc với F1). Cứ 1 ca F0 trung bình có khoảng 30 F1, mỗi F1 chỉ cần có 20 F2 thì số lượng F2 trên địa bàn là rất lớn và chỉ riêng việc điều tra, truy vết có thể thấy y tế cơ sở vất vả như thế nào.

ThS.BS Đào Hữu Thân cho biết: "Một trạm y tế phường chỉ với khoảng 6 cán bộ y tế mà với từng đó công việc phải làm ngày làm đêm không hết. Việc ra quyết định cách ly, trực điện thoại đường dây nóng của từng trạm y tế để hướng dẫn người dân khai báo y tế rồi chưa kể đến những công việc chuyên môn thường xuyên hàng ngày như cấp cứu bệnh nhân, khám chữa bệnh, tiêm chủng… Trong những ngày này cán bộ y tế dự phòng phải nói làm đến 300% sức lực chỉ để mong cuộc chiến này mau kết thúc, cuộc sống sinh hoạt của người dân được bình yên."

"Còn chưa hết, đây là chưa tính đến việc điều tra, truy vết các trường hợp đi từ các ổ dịch về, với hàng loạt ổ dịch xuất hiện cùng một lúc như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bắc Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng… thì số lượng người cần được theo dõi sức khỏe, lấy mẫu làm xét nghiệm tăng lên rất nhiều lần.

Đến khi thực hiện xong việc lấy mẫu, nhìn đồng hồ đêm cũng đã khuya, người dân đã chìm trong giấc ngủ.

Mỗi xã, phường có 100 trường hợp hợp liên quan đến các ổ dịch này thôi thì một quận, huyện (trung bình 20 xã phường) sẽ có 2.000 trường hợp liên quan, toàn thành phố với 30 quận, huyện là hàng chục nghìn người cần làm xét nghiệm. Việc lấy mẫu xét nghiệm hầu hết sẽ do cán bộ xét nghiệm của Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã thực hiện vì vậy họ sẽ phải đi luân phiên từng xã, phường hết nơi này sang nơi khác nên việc lấy mấy nghìn mẫu sẽ phải mất vài ngày mới có thể hoàn thành được.

Đặc biệt, với điều kiện thời tiết như hiện nay, dưới cái nắng oi bức 37-38°C mà mặc đồ bảo hộ ròng rã 4-5 giờ đồng hồ để lấy mẫu xét nghiệm nóng bức, mệt mỏi không thể kể hết. Các đồng nghiệp của tôi trong những qua gần như lúc nào cũng trong trang phục bảo hộ vẫn âm thầm hoàn thành công việc không một lời kêu ca, bỏ lại sau lưng gia đình và người thân để tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh."- bác sĩ Thân chia sẻ.

ThS.BS Đào Hữu Thân cũng cho biết, sau khi lấy mẫu xét nghiệm xong công việc vẫn chưa kết thúc, các cán bộ y tế còn phải  tiếp tục hoàn thiện phiếu điều tra để khẩn trương mang mẫu lên CDC Hà Nội làm xét nghiệm. Hàng ngày, thường thì các đơn vị sẽ lấy mẫu hàng loạt sau đó đem mẫu đi gửi một lượt, quay lại nhìn đồng hồ lúc này cũng đã 21 -22 giờ. Các bác sĩ dịch tễ sẽ xác định lại thông tin để đưa ra chỉ định xét nghiệm với từng mẫu rồi sau đó mẫu được đưa lên khu vực gửi để mã hóa. Việc này cần được thực hiện rất cẩn thận, tỉ mỉ để tránh nhầm lẫn, sai sót. Với 1.000 mẫu cũng phải mất đến 4-5 giờ mới có thể hoàn thành.

Khoa xét nghiệm (CDC Hà Nội) luôn phải thức trắng đêm chia làm nhiều ca thực hiện việc chạy mẫu xét nghiệm để sớm trả kết quả cho người dân.

Ngay khi nhận được mẫu, các cán bộ xét nghiệm sẽ thực hiện các quy trình để làm xét nghiệm. Trung bình quy trình này mất khoảng 8 giờ mới có thể hoàn thành. Tuy nhiên, nếu có trường hợp nghi ngờ hoặc dương tính thì phải tiến hành chạy lại thêm lần nữa để khẳng định (lại mất thêm ít nhất 4-6 giờ nữa). Sau đó cán bộ xét nghiệm sẽ ghép mã xét nghiệm với danh sách để có thể trả kết quả xét nghiệm cho các đơn vị. Việc này cũng tiêu tốn thêm 4-5 tiếng nữa mới có thể hoàn tất một mẻ mẫu xét nghiệm.

Đây là quy trình thường quy nhưng nếu có những mẫu cần phải có kết quả nhanh để thực hiện truy vết như các trường hợp F1, những ca bệnh có triệu chứng nghi ngờ thì phải ưu tiên làm xét nghiệm trước. Tuy nhiên, số lượng máy chạy mẫu có hạn nên mỗi mẻ mẫu chạy mất nhiều thời gian, lượng mẫu cần ưu tiên quá lớn.

ThS.BS Đào Hữu Thân cho hay, để có một kết quả xét nghiệm chính xác trả lại cho người dân là sự hoạt động của hàng trăm con người ở tất cả các tuyến từ cán bộ y tế xã, phường tới thành phố, từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp đến các lực lượng có liên quan. Trong số đó có rất nhiều người đã trắng đêm không được về nhà và cũng có thể đã nhiều ngày trôi qua không được gặp mặt gia đình và người thân.

Với sự cố gắng, nỗ lực không quản ngại ngày đêm để có thể thực hiện việc sàng lọc một cách nhanh nhất là công sức của toàn hệ thống y tế dự phòng. Những chiến binh áo trắng thầm lặng với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả, ThS.BS Đào Hữu Thân cũng khuyến cáo người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Thành phố, trong đó có việc đeo khẩu trang thường xuyên, sát khuẩn tay, không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết, không tụ tập đông người nơi công cộng…; thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh Covid-19./.

Theo hanoicdc.gov.vn

Bạn đang đọc bài viết Việc điều tra, truy vết các ca bệnh còn nhiều khó khăn và vất vả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.