Thứ bảy, 20/04/2024 05:45 (GMT+7)

Vĩnh biệt người bắt sống tướng De Castries trong CD Điện Biên Phủ

Bài và ảnh: Trần Hưng -  Thứ hai, 28/10/2019 10:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hôm nay, ông đã về với tiên tổ, về với các bạn cùng trong quân ngũ đã mất. Xin nhắc lại chuyện của ông như nến tâm hương tưởng nhớ về một con người đặc biệt, một nhân chứng lịch sử, một người anh hùng

Trong một lần về thăm ông Hoàng Đăng Vinh, mặc dù phải tiếp nhiều đoàn khách trong nước và nước ngoài, nhất là trong các dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng với các nhà báo về thăm, ông rất niềm nở đón tiếp tại nhà riêng trong khu phố Công Binh, Phường Vũ Ninh, Thị Cầu, Bắc Ninh. Ngôi nhà hai tầng giản dị khoảng hơn 40 m2. Ông dành một phòng tầng hai để làm bàn thờ và treo các ảnh lưu niệm, các bài báo trong những lần được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông cắt ra để treo cùng các bức ảnh về những ngày sống và chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điều mà khách kế cả trong nước và nước ngoài đến thăm ông đều mong muốn là được chụp ảnh cùng ông và nghe ông kể lại giây phút lịch sử của đời ông mà đồng đội đã giao cho và cũng là giây phút lịch sử khép lại 9 năm kháng chiến gian lao của dân tộc, để có một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Chúng tôi nhớ mãi lời ông kể hôm đó.

“Chúng tôi vây hầm chỉ huy của tướng De Catstries. Đại đội trưởng Luật ra lệnh cho chúng tôi vào bắt sống tướng địch.Tôi vào hầm cùng anh Luật và anh Nhỏ.Trong hầm, tôi thấy khoảng hai chục sĩ quan Pháp. Họ đứng cả dậy và cứ lùi dần về phía cuối hầm, anh Luật nói bằng tiếng Pháp bảo họ

“Hàng đi”.

Tất cả nhóm sĩ quan đều giơ hai tay lên xin hàng, trừ De Castries vẫn ngồi im lặng. Anh Luật nói tôi vào bắt ông ta phải hàng.Tôi tiến đến trước mặt tướng De Castries mắt mở to, mồm mím chặt để gây ấn tượng, chĩa nòng khẩu Thom son về phía ông ta. De Castries đứng lên và chìa tay phải ra, tôi nghĩ ông ta muốn bắt tay tôi. Lúc đó tôi hơi lúng túng, nhưng chợt nghĩ không thể chấp nhận cách chào ấy của ông ta được, trong đầu tôi chợt lóe lên câu tiếng Pháp duy nhất mà tôi được học, tôi hét to lên:

Ho-le-manh!

..và ấn mũi súng vào bụng ông ta. De Castries lùi lại hai bước và nói một câu tiếng Pháp, sau đó anh Luật dịch lại

“Đừng bắn, Tôi xin hàng”

Chúng tôi dẫn giải De Castries lên cấp trên tại chiến dịch.Lúc đó là 17h30 ngày 7 tháng 5 năm 1954.

Sau chiến dịch về báo công với Bác Hồ, Bác nhắc chuyện bắt sống tướng De Castries và hỏi:

- Sao lúc tướng De Castries giơ tay định bắt tay, chú lại gạt đi và thúc mũi súng vào bụng hắn?

Tôi đứng dậy nói:

- Thưa Bác, cháu nghĩ là mình không thể bắt tay tướng giặc được. Còn cháu thúc mũi súng vào bụng hắn là để "thị uy" thôi ạ! Vì do cháu tức quá trước thái độ hắn ngồi yên, không đứng dậy giơ tay xin hàng theo lệnh của Đại đội trưởng cháu.

Thấy vậy, bác cười, khen:

- Chú xử sự như vậy là đúng tác phong quân sự lắm! Nếu hôm ấy chú bắt tay, thì chú đã để mất khí thế chiến thắng của quân đội ta!

Sau đó, tôi có gặp lại tướng De Castries lần thứ hai lúc ông ta đã là tù binh ngày 20 tháng 5 trong dịp Nhà đạo diễn Liên Xô quay bộ phim về chiến dịch. Một cán bộ trong đoàn quay phim chỉ vào tôi và hỏi De Castries “ Ông có biết người này là ai không?”

De Castries ngãm nghĩ một lát rồi trả lời “ Nếu tôi không nhầm thì tôi đã gặp anh ấy rồi”… ngay sau đó, ông ta quay laị phía tôi nói một câu mà tôi được nghe dịch lại lúc đó,

“Tôi sẽ rất vinh dự, nếu được chỉ huy những người lính dũng cảm như ông”

Tôi bật lên phản ứng “ Ông chỉ nói láo! Chính tôi là người đã bắt ông, ông làm sao mà chỉ huy được tôi!”.Sau nghĩ lại thấy câu nói ông ta cũng chân tình mà mình phản ứng mạnh mẽ quá, nên cũng hơi ngượng!...

Ông bảo, những ký ức về Điện Biên Phủ chưa bao giờ phai nhạt trong ông. "Đặc biệt là càng về già, ký ức về đồng đội lại thường hay trở về với tôi. Rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại trên đường hành quân và bên kia cầu Mường Thanh. Họ đã anh dũng hy sinh, quyết chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Và tôi mong muốn, những sự hy sinh đó sẽ tiếp tục tạo nên ngọn lửa, thôi thúc thế hệ trẻ rèn luyện và phấn đấu để xây dựng và làm rạng danh đất nước, tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc".

Về hưu, ông sống giản dị, bên người vợ là bà Nghiêm Thị Hiền và cô con gái út cùng hai cháu, ông có sở thích là nuôi chim gáy và chăm sóc cây cảnh.

Đại tá Vinh chỉ về phía bức ảnh chụp ông và 4 chiến sĩ được Bác Hồ trao tặng huy hiệu được treo trang trọng chính giữa phòng khách của gia đình. Ông bảo đấy là tài sản giá trị nhất trong suốt cuộc đời của mình.

Ông cũng tự nhận mình may mắn. Trong 4 đồng đội cùng bắt sống tướng De Castries vào buổi chiều lịch sử 7/5/1954, gồm Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật (quê Thái Bình), Nguyễn Văn Lam (quê Nghệ An), Bùi Văn Nhỏ (quê Nghệ An) và Đào Văn Hiếu (quê Thanh Hóa). Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vinh mất liên lạc với 4 người, đăng tin tìm đồng đội mãi mới bắt liên lạc được với ông Đào Văn Hiếu (Hiếu “điếc”) vào năm 1999, người cũng như ông Vinh “lì” tiếp tục tham gia cuộc Kháng chiến chống Mỹ, thương binh hạng 2/4, rời quân ngũ khi ở cấp Trung úy. Ông Hiếu đã mất hơn một năm. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật “về với Bác Hồ” trước ông Hiếu, được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2004. Đồng đội Bùi Văn Nhỏ cũng đã mất. Riêng Nguyễn Văn Lam hoàn toàn mất liên lạc, chỉ nghe qua người khác nói ông Lam đã hy sinh trong Kháng chiến chống Mỹ. 

Hôm nay, ông đã về với tiên tổ, về với các bạn cùng trong quân ngũ đã mất. Chúng tôi xin nhắc lại chuyện này như nến tâm hương để tưởng nhớ về một con người đặc biệt, một nhân chứng lịch sử, một người anh hùng nhân dân.  

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh biệt người bắt sống tướng De Castries trong CD Điện Biên Phủ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...