Thứ ba, 16/04/2024 12:48 (GMT+7)

Xăng dởm có thể gây cháy xe thế nào?

MTĐT -  Chủ nhật, 09/06/2019 15:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sử dụng xăng, dầu giả có nguy cơ làm hỏng động cơ xe, thậm chí là nguyên nhân gây ra cháy nổ.

Trước thông tin "đại gia" Trịnh Sướng bị bắt do bán ra thị trường 6 triệu lít xăng giả mỗi tháng, rất nhiều người tiêu dùng lo lắng việc sử dụng xăng, dầu giả sẽ ảnh hưởng xấu tới các phương tiện giao thông. Một số người tiêu dùng còn quan ngại, việc sử dụng xăng giả có thể khiến phương tiện cháy nổ.

Trước đó, từ ngày 28/5 đến 2/6, công an đã khám xét khẩn cấp sáu địa điểm thuộc địa bàn TP.HCM, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, qua đó bắt quả tang bốn nhóm người đang có hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả. Những nhóm này do Trịnh Sướng (chủ tịch HĐTV kiêm giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, ngụ thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), Đinh Chí Dũng, Nguyễn Ngọc Quan và Nguyễn Thị Thu Hòa cầm đầu.

Kết quả điều tra ban đầu, những người này đã lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu để thực hiện hành vi pha trộn dung môi vào xăng kém chất lượng cộng thêm chất kích RON, chất tạo màu để tạo ra xăng E5 RON 92 và RON 95 giả với số lượng cực lớn. Những người bị bắt đều đã thừa nhận hành vi vi phạm trong một thời gian dài, thu lời bất chính khoảng 135 tỉ đồng.

Theo Công an tỉnh Đắk Nông, từ 1/1/2017 đến nay, số tiền đường dây này mua dung môi là 3.000 tỉ đồng và trung bình mỗi tháng họ đưa ra thị trường tiêu thụ 6 triệu lít xăng giả. Thời điểm khám xét, công an đã thu giữ 3,2 triệu lít dung dịch các loại (gồm gần 2,2 triệu lít hỗn hợp đã pha chế tạo thành xăng giả, 432.000 lít dung môi chưa pha, 250.000 lít dung dịch...); ba tàu thủy, sáu xe bồn, năm máy bơm, 50 kg chất tạo màu…

Liên quan đến vụ việc, ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã có những chia sẻ với báo chí. Theo bộ trưởng Bộ Công an, qua vụ việc trên có rất nhiều kinh nghiệm được rút ra. Ông cho rằng đây là những kết quả bước đầu của cơ quan công an và chắc chắn những kiểu dạng làm ăn phi pháp như vậy còn rất nhiều, rất phức tạp.

Ông cũng nói thêm rằng từ trước đến nay rất nhiều người dân hỏi rằng tại sao ô tô, xe máy đang đi trên đường lại tự nhiên bốc cháy, động cơ máy móc hỏng.

Nói về việc xăng giả có thể là nguyên nhân gây ra cháy, nổ trao đổi với báo Tiền Phong, PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an chia sẻ, qua việc tham gia một số vụ án về xăng dầu khi đương nhiệm, ông thấy xăng có thể được pha rởm theo nhiều cách. Chẳng hạn như xăng được cho thêm dầu hỏa hoặc các hỗn hợp chất tương tự. Khi pha thêm dầu hỏa vào xăng, nếu ít thì xe vẫn chạy được, nhưng không “bốc”, hiệu suất kém, khi cho nhiều dầu hỏa hoặc xăng máy bay vào sẽ gây nguy hiểm như máy nóng, hiệu suất động cơ kém, chất thải khói đen nhiều, gây ô nhiễm môi trường và hơi dầu không cháy hết, rò rỉ ra ngoài cũng dễ gây ra hiện tượng cháy xe, khi gặp nguồn nhiệt hoặc tia lửa.

Một thủ đoạn khác làm xăng rởm để tránh sự kiểm tra của các đoàn đi lấy mẫu khi đo chỉ số RON, đó là cho thêm vào xăng một số chất oxygenat, chẳng hạn MTBE để nâng chỉ số octan tăng lên. Nếu phân đoạn hydrocacbon trong xăng không theo tiêu chuẩn quy định thì chất oxygenat làm tăng sự tạo khói và phát ra hơi độc nhiều hơn. Việc này cũng ảnh hưởng đến sự phát tán hơi của nhiên liệu và hiệu suất chuyển động của xe.

Cùng quan điểm trên, kỹ sư Lê Văn Tạch khẳng định, xăng giả có thể làm "ảnh hưởng tới hiệu suất, độ bền động cơ, hệ thống nhiên liệu". Tùy vào thành phần có trong xăng giả mà sẽ có những tác động khác nhau đến phương tiện của chủ sở hữu.

Theo kỹ sư Tạch, việc sử dụng xăng giả chắc chắn sẽ làm hỏng động cơ: "Xăng giả được tạo nên từ nhiều hợp chất khác nhau chỉ để kích ổ Ron, những hợp chất này sẽ trực tiếp gây hại cho xe, làm giảm công suất, khiến xe vận hành chậm chạp thậm chí là có nguy cơ gây cháy nổ", anh Tạch cho biết.

Ngoài ra, việc sử dụng xăng giả có khả năng bào mòn chi tiết cơ khí và ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống bơm xăng, các cảm biến của động cơ có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho bộ điều khiển trung tâm của xe, dẫn đến lỗi bơm nhiên liệu, lỗi động cơ, xe khó đề hoặc hay chết máy.

Xe máy cháy trong làng đại học Thủ Đức vào ngày 16/3/2019. Ảnh: Thanh Niên.

Còn trao đổi với báo Thanh niên, TS Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, cho rằng “chúng tôi chưa có kết quả thử nghiệm nên chưa có cơ sở để kết luận xăng giả có phải là nguyên nhân cháy nổ hay không”. Tuy nhiên, theo ông Đức, có một điều chắc chắn xăng pha dung môi không đạt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường. Lượng khí thải của loại xăng giả này có thể ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

“Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, các đối tượng đã pha dung môi MTBE vào xăng. Ở Mỹ và Nhật người ta đã cấm sử dụng dung môi MTBE bởi nó có nguy cơ thấm vào đất và mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tại Việt Nam, chất phụ gia MTBE cũng được giới hạn sử dụng”, TS Đức nói.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Xăng dởm có thể gây cháy xe thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Miền Đông Tây Ban Nha cháy rừng dữ dội
Ngày 15/4, giới chức Tây Ban Nha cho biết trong điều kiện nhiệt độ cao bất thường, một trận cháy rừng đã thiêu trụi 500 ha đất tại miền Đông nước này và buộc 180 người phải sơ tán.
Bài thơ: Tháng Tư...
Sao trời nỡ đem mưa về phố vắng//Để tháng Tư ướt đẫm những cung đường//Chân trần bước... đếm ngày trôi thầm lặng//Rẽ lối nào... sẽ gặp lại người thương?!