Thứ ba, 19/03/2024 12:59 (GMT+7)

Xung kích trong cứu trợ bão lụt và bảo vệ môi trường

NGỌC QUYÊN -  Thứ năm, 26/11/2020 19:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không chỉ được biết đến với hoạt động bảo vệ môi trường sau lũ, CLB Du lịch Quảng Bình còn là một trong những lực lượng xung kích cứu trợ hiệu quả cho người dân vùng rốn lũ Quảng Bình.

Cho đến những ngày hậu lũ lụt ở miền Trung, báo chí mới bắt đầu nhắc đến CLB Du lịch Quảng Bình với hoạt động bảo vệ môi trường sau lũ. Song từ trước đó, CLB đã sát cánh cùng bà con vùng rốn lũ chống chọi với cơn đại hồng thuỷ ngay khi nó vừa mới ập đến.

“Linh hồn” của CLB Du lịch Quảng Bình, người có nhiều ý tưởng táo bạo trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” đó là chị Trần Thuỳ Dung, Chủ nhiệm CLB. Thuộc thế hệ 8X “đời đầu”, chị Thuỳ Dung sinh ra ở xã Xuân Thuỷ, một trong 5 xã vùng giữa của huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, nơi thường xuyên ngập lụt mỗi khi mùa mưa bão về. Từng tốt nghiệp Học viện Báo chí – Tuyên truyền, Thuỳ Dung đã đi làm báo ở nhiều nơi trong nam ngoài bắc. Song cuối cùng chị chọn quê hương là nơi gắn bó lâu dài. Chị nhận thấy Quảng Bình có tiềm năng lớn về du lịch nhưng việc khai thác còn hạn chế, nguyên nhân chính là ở vấn đề xúc tiến du lịch. Chị đã nảy ra ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Du lịch để hỗ trợ xúc tiến du lịch trước hết cho các thành viên CLB, rộng hơn là ngành du lịch tỉnh. CLB Du lịch Quảng Bình ra đời do chị làm Chủ nhiệm với 30 thành viên là các cơ sở lưu trú, nhà hàng, công ty lữ hành, vận chuyển khách du lịch… CLB đã tổ chức nhiều cuộc Famtrip để kết nối doanh nghiệp các vùng miền với Quảng Bình thực hiện kích cầu du lịch hậu Covid-19.

Chính mối quan hệ đã tạo dựng đó đã hỗ trợ rất nhiều cho CLB trong việc cứu trợ người dân khi cơn hồng thuỷ vừa ập đến miền Trung. Ngay sau khi chị Thuỳ Dung và CLB vừa tổ chức cứu trợ cho hàng trăm đồng bào Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, ngày 18-10 cơn lũ quái ác bất ngờ nhấn chìm quê hương “nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” của chị. Chị Dung đã lên mạng xã hội kêu gọi ủng hộ khẩn cấp 10.000 suất cơm cho đồng bào hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ. Là người con của quê hương, chị Dung biết rõ bà con cần gì sau những ngày bị lũ chồng lũ từ trước đó. Với lợi thế là chủ một quán ăn nhỏ ở phố biển Nhật Lệ (TP. Đồng Hới), chị Dung điều hành các bếp nấu một cách khoa học, vừa nhanh vừa bảo đảm chất lượng. Chị không nấu cơm mà cho nấu xôi để tránh bị thiu, một suất cơm có xôi, nước lọc, 2 gói mì tôm, xúc xích, bánh, chà bông…

Từ ngày 19/10 đến 24/10, với sự chung tay của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân khắp mọi miền đất nước, sự hỗ trợ của gia đình, người thân, bạn bè và các tình nguyện viên, chị Thuỳ Dung và CLB Du lịch Quảng Bình đã cứu trợ kịp thời 17.000 suất cơm cho đồng bào bị ngập sâu các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Quảng Trạch, góp sức cùng với chính quyền địa phương và cả nước giúp bà con đủ sức chống chọi với cái đói, cái rét.  Ngoài ra, CLB còn liên hệ hỗ trợ phương tiện cho bà con các xã vùng cao đang cùng hỗ trợ cơm, nhu yếu phẩm đưa xuống vùng ngập nhưng không có thuyền. CLB cũng phối hợp với các đoàn từ thiện cả nước hướng dẫn đường đi lối lại, hỗ trợ phương tiện đến các vùng ngập sâu, bố trí chỗ ở miễn phí… để việc cứu trợ cho bà con quê nhà đạt được hiệu quả cao nhất.

Đến khi nước rút, chị Thuỳ Dung chủ trương chuyển sang cứu trợ tiền, áo ấm cho các hoàn cảnh khó khăn ở vùng xa hơn nữa như Quảng Trạch, Tuyên Hoá. Qua thực tế cứu trợ, chị nhận ra lúc này bà con cần nhất là rau xanh, vì dù có tiền cũng không có rau xanh để mua. Thế là chị lại kêu gọi ủng hộ rau xanh. Các nhà hảo tâm ở Đà Lạt, Sa Pa… gửi ngay về hơn 6 tấn rau củ sạch. “Đến mỗi nơi, chúng tôi chỉ cần phát trên loa: “Mời bà con mỗi người nhận lấy 3 củ”, thế là mọi người tự giác, vui vẻ nhận ra về”, chị Dung kể lại.

Tuy nhiên, sau khi nước lũ rút, việc cứu trợ tưởng như đã xong, song chị Thuỳ Dung và các thành viên CLB lại nghĩ tới việc khắc phục ô nhiễm môi trường hậu lũ lụt khi nhìn thấy rác nhựa treo nhan nhản trên cây, tấp đầy khắp lối đi, bờ ruộng. Thế là chị lại kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ tiền để thực hiện chiến dịch “mua rác làm sạch môi trường” theo phương án: mua mỗi kg rác nilon khô sạch 30.000 đồng và 20.000 đồng đối với loại ướt, còn dính đất. “Phương án này rất hiệu quả song với lượng rác quá nhiều thì tiền đâu cho đủ. Thế là chúng tôi chuyển sang phương án khoán gọn cho từng khu vực, rồi gợi ý hình thức nhân rộng mô hình các cơ quan, đơn vị đóng góp kinh phí và tự tổ chức thực hiện. Nhờ vậy đến nay các vùng ngập lụt trọng điểm đã cơ bản xử lý được tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa” – chị Thuỳ Dung cho biết.

Chúc cho người phụ nữ xinh đẹp, nhỏ nhắn nhưng tràn đầy năng lượng ấy luôn dồi dào sức khoẻ, có nhiều ý tưởng sáng tạo để cống hiến được nhiều hơn cho đồng bào quê hương, cho ngành du lịch và cho công cuộc bảo vệ môi trường.

Đoàn tình nguyện viên CLB Du lịch Quảng Bình trên đường đi cứu trợ

Ra quân thu gom rác thải nhựa bảo vệ môi trường sau lũ

Chuyển quà cứu trợ đến vùng ngập sâu

Niềm vui không thể nói bằng lời

Chị Thuỳ Dung trao quà cứu trợ

Chị Trần Thuỳ Dung trở về với đời thường - Chủ quán Ngan phố cổ trên đường Dương Văn An, TP.Đồng Hới

Bạn đang đọc bài viết Xung kích trong cứu trợ bão lụt và bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.
Đặc sắc rừng dó trầm tại Hương Khê, Hà Tĩnh
Cây dó trầm mọc nhiều ở miền núi Hương Khê, nhưng người dân địa phương chỉ nhận ra giá trị của chúng sau khi nhóm người ngoại tỉnh đến mua. Điều này đã khơi dậy sự quan tâm về bảo vệ và phát triển tài nguyên tự nhiên.

Tin mới