Thứ năm, 25/04/2024 18:01 (GMT+7)

Xuân này, em mong áo ấm!

PHAN NGÂN -  Thứ hai, 31/12/2018 09:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ở nơi điện lưới vẫn chưa chạm tới, ở nơi cái nghèo đeo bám quanh năm, ở một nơi có cơm để ăn có áo ấm để mặc là điều xa xỉ thì nụ cười của trẻ thơ chính là điều ấm áp nhất!

Những ngày cận Tết, nhà nhà người người hối hả bên công việc, mong sao năm sau sẽ sung túc hơn, đủ đầy hơn. Nhưng ở một nơi nào đó, có những con người, nhất là những cô bé, cậu bé chẳng biết đến cái Tết sung túc là gì. Vì ở nơi đó, đến miếng ăn, cái mặc họ còn thiếu thốn…

Chuyến xe từ thành phố hoa lệ lên Ngũ Lão - một trong những xã cao và xa nhất của huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng giống như một chuyến xe đi từ thế giới này qua thế giới hoàn toàn khác.  

Mùa đông ở Ngũ Lão lạnh hơn bình thường, gió hun hút qua từng dãy núi làm cho bầu trời xám xịt lại, một không gian lạnh lẽo và u ám bao phủ. Cái lạnh thấu xương từ độ cao hơn 1000m so với mặt nước biển khiến những ai chạm chân tới nơi đây lần đầu đều phải xuýt xoa.

Điện, đường, trường, trạm – mọi điều kiện sinh hoạt cơ bản của bà con nơi đây đều thiếu thốn vô cùng. Hình ảnh những cô bé, cậu bé người Mông với chiếc áo mỏng tang chống chọi với cái lạnh cắt ra cắt thịt sao mà xót xa đến thế. Chứng kiến chiếc mũi đỏ ửng trên khuôn mặt nhỏ bé, những đôi chân trần run rẩy và tím tái vì giá lạnh, ai cũng phải chạnh lòng.

“Trời lạnh tới nỗi ống kính máy ảnh của tôi lúc nào cũng mờ đi vì hơi nước. Dù bản thân mặc rất nhiều áo nhưng đôi tay của mình vẫn không khỏi cứng đờ, ấy vậy mà, nhìn qua ống kính mờ hơi nước đó, tôi thấy được khuôn mặt bé bỏng của các em đang đỏ ửng, nứt nẻ vì rét, thấy được bàn tay bé nhỏ liên tục đan vào nhau tìm kiếm thêm hơi ấm giữa mùa đông của đại ngàn. Thân hình nhỏ bé đang run rẩy theo từng đợt gió rít” – Hoàng Bảo Long, chàng trai với đam mê nhiếp ảnh đã từng đặt chân tới vùng đất ấy chia sẻ.

Trong một chuyến tình nguyện, Long được gặp những con người ở Hòa An, được nghe họ kể về cuộc sống không điện và nước sạch, được nhìn thấy trẻ em ở đó khổ cực thế nào để tìm được “con chữ”. Và nhìn về thành phố hoa lệ mà anh ở, mới thấy cuộc sống nơi thủ đô xa xỉ thế nào. Bữa cơm ở vùng cao đến gạo ăn còn chẳng đủ, thì lấy đâu ra thịt cá, áo mặc còn không ấm thì chắc chẳng khi nào mơ đến những bộ cánh lộng lẫy. 

Ngay cả đến căn nhà cũng chẳng thể che hết nổi nắng mưa, những đêm đông ở Hòa An, nhiệt độ xuống cực thấp, gió rít qua vách gỗ mang theo sự buốt giá cắt da cắt thịt.

Dù đông hay hè, để có thể đi học, các em nhỏ phải trèo đèo, lội suối, vượt qua thời tiết khắc nghiệt theo đúng nghĩa đen của nó. Hành trang theo mình cũng chẳng có gì ngoài chiếc áo mỏng manh, thi thoảng rách lỗ rỗ vài chỗ để lộ làn da tím tái trong giá buốt.

Điều đặc biệt nhất và ấm áp nhất ở nơi đây có lẽ là nụ cười trẻ thơ. Mỗi khi chơi đùa, khi được ăn ngon hay khi nhận được tấm áo ấm của những đoàn thiện nguyện là nụ cười rạng rỡ nở trên môi các bé.

“Năm mới đã cận kề, cái ước mơ được trưng diện một bộ đồ mới trong ngày đầu năm, được ăn bánh kẹo ngon của các em còn nhiều xa vời. Dẫu vậy, tôi tin nụ cười trẻ thơ đầy ước vọng chưa từng vụt tắt trên môi bất kỳ em nhỏ nào sẽ nâng đỡ ước mơ của các em bay xa và trở thành hiện thực”

Ảnh: Hoàng Bảo Long

Bạn đang đọc bài viết Xuân này, em mong áo ấm!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.