Thứ ba, 03/12/2024 10:14 (GMT+7)

Đông Anh: Cưỡng chế xưởng tái chế sắt thép sau phản ánh của MT&ĐT VN

Nhóm Phóng Viên -  Thứ tư, 08/08/2018 09:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử về xưởng tái chế sắt thép gây ô nhiễm, UBND xã Tiên Dương và huyện Đông Anh đã lên phương án tổ chức cưỡng chế.

Trước đó, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được phản ánh của người dân thôn Đồng xã Nguyên Khê và người dân thôn Cổ Dương xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) về xưởng tái chế sắt thép của Công ty cổ phần đầu tư thương mại thép Đại Việt, công ty này đã xây dựng xưởng tái chế phế liệu, sản xuất phôi thép trên khu đất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường, khiến cư dân trong khu vực bức xúc.

Có mặt ghi nhận thực tế phản ánh của người dân, đây là khu nhà xưởng với diện tích khoảng 2000m2 xung quanh có tường bao và bảo vệ túc trực 24/24 nên rất khó tiếp cận. Theo quan sát, phía trong là 3 nhà xưởng kết cấu khung thép, lợp mái tôn và rất nhiều công trình khác như nhà kho, nhà điều hành, văn phòng, nhà bảo vệ, được xây dựng kiên cố. 

Khoảng 10 công trình được xây dựng kiên cố lợp mái tôn trên khu đất nông nghiệp.

Được biết, khu đất trên là đất nông nghiệp được gia đình ông Trần Văn Minh thuê để sử dụng vào mục đích trồng cây ăn quả lâu năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc trên khu đất khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép cho kinh doanh và xây dựng.

Theo tìm hiểu của PV, năm 2001 xã Tiên Dương có cho thuê 6901m2 đất tại xứ Đồng Thượng, thôn Cổ Dương để sử dụng vào mục đích trồng cây ăn quả lâu năm với thời hạn là 20 năm.

Tuy nhiên, bên thuê đất đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ngang nhiên xây dựng xưởng cán thép, văn phòng làm việc và nhiều công trình kiên cố khác trên khu đất khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép, gây ô nhiễm môi trường khiến nhân dân bức xúc nhiều năm nhưng không được giải quyết.

Đáng chú ý, công ty này không có hồ sơ pháp lý bảo về bảo vệ môi trường, không đảm bảo các quy định về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn hoạt động rầm rộ trong suốt quãng thời gian từ năm 2011 đến năm 2018 mà không bị cơ quan quản lý nào “tuýt còi”? Trước năm 2018 công ty Đại Việt vẫn chưa bao giờ bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt vi phạm.

Nguồn tin riêng của PV, hậu quả trực tiếp từ việc hoạt động “ngoài pháp luật” trên là việc một công nhân của xưởng thép này tử vong do tai nạn khi đang làm việc tại xưởng vào hồi tháng 5/2018, nạn nhân ngay lập tức được đưa về quê ở Hải Dương. Thật khó hiểu khi sự việc ngiêm trọng như vậy lại không hề có một thông tin công khai cụ thể nào đến công chúng?

Cũng theo phản ánh của người dân, trong quá trình sản xuất, nhà xưởng của công ty thép Đại Việt có phát tán khói có mùi khó chịu (từ công đoạn nhúng phôi thép xuống nước để làm lạnh), nước thải chưa qua xử lý của nhà xưởng xả thẳng ra đầm Nguyên Khê?

Cổng vào của Công ty cổ phần đầu tư thương mại thép Đại Việt.

Tình trạng trên đã diễn ra gần 10 năm, nhân dân đã có phản ánh đến chính quyền nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục.

Ghi nhận phản ánh của người dân, ngày 30/7/2018 PV Môi trường và Đô thị đã liên hệ làm việc với UBND xã Tiên Dương về vấn đề trên.

Ngày 7/8 PV đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Sáng (Chủ tịch UBND xã Tiên Dương) về sự việc trên, ông Sáng cho biết: “Ngày 6/8 chúng tôi đã tổ chức cưỡng chế nhưng họ xin tự tháo dỡ bắt đầu tháo dỡ từ ngày 5 đến 15/8 là xong”.

Quyết định cưỡng chế của UBND xã Tiên Dương

Về việc trước đây đã có phản ánh tại sao vẫn chưa xử lý ông Sáng cho rằng: “Chúng tôi đã có kiểm tra đề nghị tạm dừng hoạt động. Xây dựng kế hoạch cưỡng chế từ tháng 3 đến tháng 7 mới được phê duyệt và đến dự kiến 6/8 cưỡng chế. Tuy nhiên, ngày 3/8 công ty có làm cam kết xin tự tháo dỡ công trình vi phạm và đã được đồng ý”. 

Bản cam kết tự tháo dỡ công trình vi phạm của công ty Đại Việt.

“Đầu năm 2018 chúng tôi đã có thông báo yêu cầu di dời nhưng không thực hiện thì mới thực hiện phương án cưỡng chế, đây là các vi phạm từ lâu rồi nên phải làm theo các bước, theo quy trình đúng văn bản hướng dẫn chứ không thể tự nhiên ra đập đi được vì tài sản của họ xây dựng lâu năm rồi”. Ông Sáng thông tin thêm.

Như vậy, theo cách nói của ông Sáng thì việc công ty vi phạm pháp luật hoạt động ô nhiễm lâu năm mà không được giải quyết là do đây là công trình vi phạm đã tồn tại từ rất lâu (trước khi ông Sáng lên làm chủ tịch xã) nên “quy trình” để xử lý các vi phạm pháp luật này cũng phải theo các bước và đúng theo văn bản hướng dẫn?

Dư luận đặt ra câu hỏi liệu có sự dung túng của cơ quan chức năng cho doanh nghiệp này? Tại sao đến khi nhận phản ánh của báo chí thì mới cương quyết vào cuộc xử lý?

Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đông Anh và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có vai trò trách nhiệm đến đâu đối với những sai phạm nghiêm trọng này?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin phản hồi từ phía UBND huyện Đông Anh để thông tin kịp thời đến quý độc giả.

Bạn đang đọc bài viết Đông Anh: Cưỡng chế xưởng tái chế sắt thép sau phản ánh của MT&ĐT VN. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới