Thứ sáu, 19/04/2024 07:40 (GMT+7)

Đông Anh:Dự án cải tạo đường gây ô nhiễm, trách nhiệm của CĐT ở đâu?

PV -  Thứ tư, 17/06/2020 14:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo người dân phản ánh, dự án từ khi khởi công đến nay chưa thấy đơn vị thi công tưới nước để hạn chế bụi. Có hay không việc đơn vị thi công “bớt xén” kinh phí chi cho việc tưới nước?

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có bài viết “Đông Anh- HN: Dự án cải tạo, nâng cấp đường gây ô nhiễm môi trường” phản ánh về việc thi công Dự án Cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái tại ngã ba Kim, huyện Đông Anh gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông và có dấu hiệu chất lượng thi công không đảm bảo.

Dự án Cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái tại ngã ba Kim, huyện Đông Anh đang thi công đoạn qua xã Xuân Nộn.

Một người dân ở đây cho biết: “Dự án thi công từ đầu năm 2020 nhưng chưa thấy tưới nước để hạn chế bụi bao giờ, vừa bụi bẩn vừa ổn. Nhất là những ngày mưa đi lại vất vả lắm”.

Đáng nhẽ, quá trình thi công dự án đơn vị thi công phải bố trí xe bồn nước tưới nước thường xuyên ở những khu vực có nguy cơ gây bụi cao và trên các tuyến đường vận chuyển vật liệu để hạn chế bụi gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của dân cư xung quanh và người lao động.

Thế nhưng, hàng ngày, người dân sống tại đây vẫn phải tự tưới nước để hạn chế bụi bẩn chứ không thể “trông chờ” vào đơn vị thi công.

Người dân xã Xuân Nộn phản ánh đơn vị thi công không tưới nước gây bụi bẩn.

Vậy Dự án Cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái tại ngã ba Kim, huyện Đông Anh có phương án để bảo đảm vệ sinh môi trường hay không? Có hay không việc đơn vị thi công “bớt xén” kinh phí chi cho việc tưới nước?

Như đã thông tin, khi PV liên hệ làm việc với phía Công ty CP Tập đoàn Hoàng Oanh (là một trong hai đơn vị thi công dự án), tuy nhiên ông Cúc – Trưởng Phòng kỹ thuật cho biết phải có giấy giới thiệu của BQLDA đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thì mới tiếp.

Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ làm việc với UBND huyện Đông Anh (chủ đầu tư dự án). Liên quan đến vấn đề nghi vấn sử dụng đất bùn để làm nền đường, ông Trần Hải Đăng – Chánh Văn phòng UBND huyện Đông Anh cho biết: “Trong phê duyệt của thành phố Hà Nội, có đồng ý cho tận dụng phần đất đấy, để trừ khấu hao của dự án.

Phần cơ đường tận dụng được thì tiếp tục tận dụng để sử dụng vào dự án. Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công báo cáo lên huyện về vấn đề này rồi”.

"Phần cơ đường tận dụng được thì tiếp tục tận dụng để sử dụng vào dự án", ông Đăng cho biết.

Sau khi PV cung cấp những hình ảnh, nghi vấn dự án có dấu hiệu sử dụng đất bùn để làm nền đường thì ông Đăng khẳng định: “Đây không phải đất bùn, nếu bùn thì phải là bùn loãng, đây là đất trên lớp sét. Ở phía dưới nếu múc phần cơ lên thì đất sẽ có màu như vậy, bởi vì nhựa đường nó thấm xuống”.

Theo Vị Chánh văn phòng huyện Đông Anh thì đây không phải là đất bùn.

Về việc đơn vị thi công không tưới nước để tránh bụi vị này cho hay, chúng tôi sẽ phản ánh với ban quản lý dự án để tránh bức xúc trong nhân dân.

Theo tìm hiểu, Dự án Cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ ngã tư Nguyên Khê nối với đường Bệnh viện Đông Anh đi đền Sái tại ngã ba Kim, huyện Đông Anh do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Hoàng Oanh và Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An thi công, Liên danh Công ty CP tư vấn xây dựng công trình giao thông 2 và Công ty CP đầu tư và xây dựng giao thông vận tải là đơn tư vấn giám sát, trị giá gói thầu là hơn 38 tỷ đồng. Tiến độ thi công 380 ngày kể từ ngày bàn giao mặt bằng.

Tuyến đường này thường xuyên có học sinh qua lại nhưng lại thiếu rào chắn, biển cảnh báo.

Câu hỏi được đặt ra, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của Chủ đầu tư dự án, đơn vị tư vấn giám sát đang ở đâu khi để tình trạng nhà thầu thi công “ẩu” như vậy? Đất mà đơn vị thi công đang “tận dụng” để làm nền đường có phải là đất bùn hay không?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Thông tư số 02/2018/TT-BXD ngày 6/2/2018 của Bộ Xây dựng có quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình. Đối với chủ dự án phải bố trí nhân sự phụ trách về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát nhà thầu thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng; Tổ chức kiểm tra, giám sát các nhà thầu tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình;...

Còn đối với Nhà thầu xây dựng phải thực hiện kế hoạch quản lý và BVMT trong quá trình thi công gói thầu; nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát xây dựng có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho chủ dự án những nguy cơ, vấn đề phát sinh có thể ảnh hưởng đến công tác BVMT trong quá trình xây dựng công trình để có các giải pháp ngăn ngừa, xử lý phù hợp.

Bạn đang đọc bài viết Đông Anh:Dự án cải tạo đường gây ô nhiễm, trách nhiệm của CĐT ở đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.