Thứ sáu, 26/04/2024 04:58 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long cần một “nhạc trưởng”

MTĐT -  Thứ tư, 08/06/2022 16:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu, trong khi đồng bằng sông Cửu Long là khu vực bị tổn thương nặng nhất. Hiện các thể chế quản lý vùng đều không có hiệu lực.

Nếu không thay đổi được cơ chế này thì các địa phương vẫn “mạnh ai nấy chạy”. Nguồn lực vốn đã mỏng, lại tiếp tục bị phân tán.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước những cú sốc vô cùng nghiêm trọng mà nếu như không hành động kịp thời, với nhận thức đúng đắn thì Việt Nam có thể mất đồng bằng vào thời điểm nào đó trong tương lai. Đây là thông điệp quan trọng từ Hội thảo “Đồng bằng sông Cửu Long: thách thức và triển vọng” mà TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, là diễn giả.

Đồng bằng đang “chìm”

ĐBSCL đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Một là tài nguyên, gồm đất, nước, thiên nhiên và hệ sinh thái. Chính sách đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trong hàng chục năm qua, tăng vụ lúa lên hai - ba vụ bào mòn sức đất. Biển tiến. Nhiều vùng bị xâm nhập mặn. Ngược lên thượng nguồn, nhiều con đập trên cả dòng chính và dòng phụ khiến đồng bằng bị động, mất ổn định về nguồn nước. Hệ quả là khi cần nước thì thiếu, khi không cần thì lại dư thừa. Những con đập còn ngăn cản lượng phù sa bồi đắp cho đồng bằng. Tập quán canh tác ba vụ lúa đòi hỏi sử dụng nhiều phân bón, hóa chất, gây ô nhiễm tầng nước mặt. Nước ngầm bị khai thác vô tội vạ khiến tài nguyên này ngày càng cạn kiệt, đồng thời gây sụt lún.

Đồng bằng sông Cửu Long cần một “nhạc trưởng”
Cảnh nước ngập trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, Cần Thơ. Ảnh tư liệu: Thanh Liêm/TTXVN

Thách thức thứ hai của đồng bằng là nhân khẩu học. Việt Nam bắt đầu lão hóa dân số từ 2015, trong đó ĐBSCL dẫn đầu cả nước. Nguyên nhân là dòng người di cư. Theo thống kê, giai đoạn 2009-2019, dân số ĐBSCL tăng được 100 ngàn người. Có địa phương như An Giang đã mất 200 ngàn dân chỉ trong 10 năm qua. Khó khăn thêm chồng chất khi đồng bằng là vùng trũng giáo dục. Lao động thiếu hụt cả về chất và lượng. Cũng như giáo dục, đồng bằng còn là vùng trũng về khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo.

Khan hiếm nguồn lực là thách thức thứ ba. Bên cạnh yếu tố con người như vừa nêu, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào đồng bằng thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Đầu tư nhà nước vào đồng bằng trong nhiều năm qua tựa như bị bỏ quên. Khi chợt nhớ ra đồng bằng, ngân sách trung ương chi cho đầu tư phát triển lại chủ yếu hướng vào các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lúa, thay vì tập trung cho cơ sở hạ tầng kết nối với thị trường, giảm chi phí logistics, cải thiện năng lực cạnh tranh. Giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư cắt đứt chuỗi cung ứng.

Những thách thức vừa nêu hội tụ lại một thực tế là ĐBSCL tụt hậu. Tình thế cấp bách hơn khi những động lực tăng trưởng truyền thống của ĐBSCL đang cạn kiệt nhưng những động lực tăng trưởng mới chưa định hình rõ nét. Trong khi đang vật lộn với những thách thức, ĐBSCL lại đối diện với 3 cuộc chuyển đổi lớn. Đầu tiên là chuyển đổi nông nghiệp. Việt Nam đã xóa đói thành công nhờ tăng vụ lúa. Tuy nhiên sự thành công ấy không giúp đồng bằng trở nên thịnh vượng, đòi hỏi phải lựa chọn một mô hình mới, động cơ mới mà lẽ ra phải nhìn thấy sớm hơn, chuyển đổi sớm hơn. Xu hướng thế giới đã chuyển sang giai đoạn ăn ngon, ăn sạch nhưng chúng ta vẫn còn đó niềm tự hào cường quốc xuất khẩu gạo về sản lượng thay vì giá trị.

Kế đến là chuyển đổi số. Ở khía cạnh này, đồng bằng cũng tụt hậu. Thứ nhất là thiếu nguồn lực con người, được xem là yếu tố quan trọng nhất để chuyển đổi số. Cái thiếu thứ hai là nền tảng và cơ sở hạ tầng. Tư duy về chuyển đổi số, hệ thống quản trị về chuyển đổi số cũng thiếu.

Đồng bằng sông Cửu Long cần một “nhạc trưởng”
Tình trạng khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây là một nguy cơ trong quá trình phát triển. Ảnh: Thuận Thắng

Cuộc chuyển đổi thứ ba là nhân khẩu. Dân số Việt Nam bắt đầu lão hóa từ 2015 đã báo hiệu Việt Nam mất dần lợi thế thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến chế tạo, thâm dụng lao động, nhân công giá rẻ. Tốc độ tăng tiền lương nhanh hơn nhiều lần tốc độ tăng trưởng năng suất làm cho chênh lệch giữa năng suất lao động và giá của lao động ngày càng nới rộng, suy giảm năng lực cạnh tranh. Nhìn vào mức lương của người lao động hiện nay dự phóng cho 15 năm tới thì giá lao động của Việt Nam sẽ tương đương với Trung Quốc.

Ba chuyển đổi quan trọng này càng khiến cho bài toán tụt hậu của ĐBSCL phức tạp hơn, trong khi đồng bằng lại chịu thêm những cú sốc nghiêm trọng. Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu, trong khi ĐBSCL là khu vực bị tổn thương nặng nhất. Khó ai dám chắc (những) biến thể virus SARS-CoV-2 sẽ không xuất hiện trong tương lai, gây ra “cú sốc y tế” như đã từng. Cú sốc y tế còn chuyển đổi thành cú sốc kinh tế. Đầu tư, thương mại chưa quay trở lại. Dịch bệnh bào mòn cả ngân sách địa phương và trung ương. Liệu còn bao nhiêu dư địa tung ra những gói cứu trợ trong trường hợp cú sốc y tế quay trở lại?

Cần một cú hích

Nếu như cách nay ba thập niên GDP của ĐBSCL gấp 1,7 lần TP.HCM thì hiện chỉ bằng khoảng 2/3, trong khi dân số gần gấp đôi theo số liệu thống kê chính thức. Nhiều địa phương thu ngân sách chỉ đủ chi thường xuyên. Không còn nguồn lực cho đầu tư phát triển khiến doanh nghiệp bỏ đi, dẫn đến thiếu việc làm, lao động di cư. Lực lượng lao động suy giảm cả về chất và lượng lại khiến đồng bằng không thu hút được đầu tư, không cải thiện được cơ cấu thu ngân sách mà xổ số hiện đang đóng vai trò chủ lực. Vòng lặp này gia tăng trọng lực nhận chìm đồng bằng. Các địa phương không đủ nội lực phá vỡ trạng thái bế tắc, đòi hỏi một cú hích từ trung ương vào hệ thống cơ sở hạ tầng. Đầu tư nhà nước đi trước, kích thích đầu tư tư nhân theo sau.

Đồng bằng sông Cửu Long cần một “nhạc trưởng”
Hàng ngàn người đổ về miền Tây tránh dịch. Họ tập trung từ đêm 30.9 đến sáng 1.10.2021, tại chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Người Lao Động

Nhắc lại cuộc thảo luận mới đây giữa Đại học Fulbright Việt Nam với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) về liên kết vùng, TS. Tự Anh cho biết các thể chế quản lý vùng đều không có hiệu lực. Nếu không thay đổi được cơ chế này thì các địa phương vẫn “mạnh ai nấy chạy”. ĐBSCL có 700 km bờ biển. Thay vì tập trung nguồn lực phát triển trục huyết mạch Cần Thơ - Cà Mau, nhiều địa phương giáp biển đầu tư xây dựng đường ven biển. Chi phí đầu tư lớn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Nguồn lực vốn đã mỏng, lại tiếp tục bị phân tán, góp phần khiến trục giao thông xương sống không được đầu tư thỏa đáng. Địa giới hành chính trở thành địa giới kinh tế.

Cần tăng quyền lực của hội đồng điều phối vùng

Hai năm sau khi giải thể Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, tháng 6.2020, Thủ tướng ký Quyết định 825/QĐ-TTg thành lập Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025. Từ kết luận rút ra trong cuộc thảo luận với CIEM, TS. Tự Anh khuyến nghị tăng thẩm quyền cho Hội đồng. Thẩm quyền thứ nhất liên quan đến hoạt động đầu tư, chẳng hạn như một địa phương muốn vận động đầu tư từ ngân sách trung ương phải được sự đồng ý của tổ chức này. Ông cũng lưu ý các dự án có nguồn vốn trung ương phải có tính liên vùng, vì lợi ích chung của vùng. Thẩm quyền quan trọng thứ hai là chức năng về tài khóa. Và sau cùng là lập kế hoạch và phân bổ nguồn lực.

Về cơ cấu tổ chức, Hội đồng cần có một “nhạc trưởng” ở trong vùng và vị nhạc trưởng này phải là Ủy viên Bộ Chính trị để có đủ vị thế thống nhất quan điểm vì mục tiêu phát triển vùng.

Nghịch lý an ninh lương thực

Chiếm khoảng 13% diện tích cả nước nhưng ĐBSCL đóng góp phân nửa trong 3,5 triệu ha đất lúa theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 11.2021.

Thế giới không tiếp cận an ninh theo sản lượng, mà căn cứ vào ba tiêu chí gồm khả năng tiếp cận, tính sẵn có, chất lượng và độ an toàn.

Nhìn lại bảng xếp hạng an ninh lương thực toàn cầu (Global Food Security Index) gồm 113 quốc gia năm 2021 sẽ thấy một nghịch lý: nhiều năm liên tục nằm trong tốp ba quốc gia có lượng gạo xuất khẩu lớn nhất thế giới song Việt Nam lại xếp hạng 61, cách rất xa Singapore (hạng 15) dù đảo quốc không hề có một mét vuông trồng lúa.

Bạn đang đọc bài viết Đồng bằng sông Cửu Long cần một “nhạc trưởng”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo nguoidothi.net.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.