Thứ bảy, 20/04/2024 11:03 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long có thể biến mất (?)

Nhóm PV miền Tây Nam Bộ -  Thứ tư, 01/11/2017 09:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các nhà khoa học ở nhiều nước trên thế giới vừa đề xuất 4 nhóm giải pháp để bảo vệ nông nghiệp, môi trường và sinh kế của hàng triệu người dân hạ nguồn sông Mekong, đặc biệt là Việt Nam và Campuchia.

Tại hội thảo quốc tế "Bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái vì sự phát triển bền vững khu vực sông Mekong" do Diễn đàn Mekong về Nước, Năng Lượng và Lương thực (GMF) vừa tổ chức tại Yangon, Myanmar cuối tuần qua.

Sạt lở ở bờ sông Vàm Nao (An Giang)

TS Jaap Evers (Viện Giáo dục nước quốc tế Hà Lan) và TS Gregory Thomas (Chủ tịch Viện Di sản thiên nhiên Mỹ) kêu gọi các nước trong khu vực áp dụng các cơ chế hợp tác và phối hợp quản lý, chia sẻ, sử dụng tài nguyên nước sông Mekong hiệu quả hơn trong nông nghiệp cũng như sinh hoạt, duy trì sự phát triển bền vững của môi trường.

Sạt lở liên tiếp xảy ra và ngày càng nghiêm trọng ở An Giang

Các nhà khoa học cũng kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực thực hiện ít nhất 4 giải pháp.

Một là, đổi mới cách thức quản lý, sử dụng nguồn nước. Mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên khả năng thực tế của nguồn nước, cân bằng nước, phù hợp các xu thế diễn biến nguồn nước trong tương lai.

Hai là, các khâu từ thiết kế đến quản lý vận hành nhà máy thủy điện ở thượng lưu cần phải xem xét hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái ở vùng hạ lưu, đặc biệt là đồng bằng châu thổ Mekong.

Ba là, tăng cường quan trắc và theo dõi việc sử dụng nguồn nước trên toàn lưu vực. Số liệu quan trắc cần được chia sẻ cho các quốc gia trong lưu vực.

Bốn là, xây dựng cơ sở pháp lý của hợp tác quốc tế thông qua Ủy ban sông Mekong và các tổ chức quốc tế trong việc bảo đảm khai thác, sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước chung của sáu quốc gia trên lưu vực sông và bảo đảm việc sử dụng nước ở bất kỳ một quốc gia nào cũng không được gây thiệt hại đáng kể cho các quốc gia khác theo Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế.

Khai thác cát trên sông Hậu là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông

Báo cáo từ Việt Nam cho biết đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành phố, có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.

Từ năm 2010 trở về trước, sạt lở và bồi lắng các dòng sông và bờ biển nơi đây theo quy luật tự nhiên chung và tạo cân bằng tương đối. Song từ năm 2010 đến nay diễn biến sạt lở diễn ra rất nhanh và ngày càng phức tạp, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhận định, đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ mất phần lớn lượng phù sa từ thượng lưu; lún mặt đất đang tiếp tục gia tăng với tốc độ lớn.

Cộng thêm mực nước biển gia tăng do biến đổi khí hậu kéo theo vùng ven biển ngập sâu đến vài ba mét vào cuối thế kỷ 21, làm cho rừng ngập mặn có nguy cơ biến mất trong tương lai không xa.

Sự kiện hạn mặn lịch sử năm 2016 mà hàng loạt khu vực ở Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và các tỉnh vùng ĐBSCL phải hứng chịu đã được nhiều chuyên gia và nhà khoa học kết luận là hệ quả tác động kép của El Nino và đập thủy điện gây ra.

Hiện đồng bằng sông Cửu Long có đến 562 điểm bị sạt lở với tổng chiều dài 786km, trong đó sạt lở bờ sông 562 điểm gồm 520km; sạt lở bờ biển 49 điểm gồm 266km. Sạt lở đặc biệt nguy hiểm 40 điểm gồm 266km.

Tại một số đô thị đã xảy ra sạt lở gây những thiệt hại đáng kể như thị xã Tân Châu, thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang); thị xã Hồng Ngự, thành phố Sa Đét (tỉnh Đồng Tháp); thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long)…

Bên cạnh đó suy thoái rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long cũng tới mức báo động. Cụ thể là diện tích rừng ngập mặn trong 5 năm (2011-2015) giảm 10% tương ứng với 28.387ha. Trong đó năm 2010 giảm 300.417ha, năm 2016 giảm 272.030ha.

Chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Hữu Thiện cho biết, trong 25 năm qua khuynh hướng sạt lở ở khu vực này trội hơn hẳn khuynh hướng bồi đắp.

Nhất là càng về sau trong 10 năm và 5 năm gần đây nhất sạt lở gia tăng nhanh. Hiện có đến 50% chiều dài bờ biển của đồng bằng sông Cửu Long sạt lở dữ dội, có nơi bờ biển thụt lùi hơn 50m, trung bình mỗi năm mất khoảng 500 ha đất ven biển.

Bạn đang đọc bài viết Đồng bằng sông Cửu Long có thể biến mất (?). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ