Thứ năm, 28/03/2024 16:50 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long và bài toán sạt lở

MTĐT -  Chủ nhật, 20/05/2018 09:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình hình sạt lở, xói mòn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có xu hướng ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô đang diễn biến hết sức phức tạp.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tỉnh vùng ĐBSCL hiện có khoảng 562 điểm bị sạt lở với tổng chiều dài 786 km (513 điểm sạt lở bờ sông có tổng chiều dài 520km và 49 điểm sạt lở bờ biển có tổng chiều dài 266 km). Trong đó, có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149km (bờ sông 26 điểm, tổng chiều dài 65km; bờ biển 16 vị trí, tổng chiều dài 84 km) cần xử lý cấp bách để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân Tổng kinh phí cần đầu tư khoảng 6.990 tỉ đồng.

Các khu vực sạt lở trọng điểm như bờ biển Gò Công Đông (Tiền Giang), Bình Đại (Bến Tre), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu), khu vực cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, khu vực cửa Rạch Rốc, huyện Ngọc Hiển và bờ biển Tây (Cà Mau)…

Sạt lở bờ sông lấn sâu đến tận thềm nhà dân tại Sóc Trăng. Ảnh TTXVN.

Cà Mau có hơn 90 km tuyến bờ biển Tây, trong đó có gần 60km bị sạt lở. Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều vị trí thuộc bờ biển Đông của tỉnh này cũng nằm trong tình trạng sạt lở hết sức nguy hiểm và xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, cục phó Tổng cục Phòng chống Thiên tai, thì nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở tại ĐBSCL là do vùng này thuộc hạ lưu sông Mê Kông, đất thấp, mềm yếu, khả năng chịu lực thấp, khá bằng phẳng, dễ bị xói lở do tác động của tự nhiên và nhân tạo.

Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng đang gây sụt lún đất tăng dần trong những năm qua. Trong 25 năm (1991-2016), nhiều vùng ở ĐBSCL mực nước ngầm hạ xuống hơn 5m, gây nên sụt lún đất trung bình cho toàn khu vực 1,1cm/năm, có những nơi sụt lún 2,5cm/năm, cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.

Cùng với đó, hoạt động khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu ảnh hưởng đến việc sụt lún tại ĐBSCL, với tổng lượng khai thác khoảng 15 triệu m3 năm 2016.

Theo ông Sơn, dự báo những năm tới, ngập lụt tại ĐBSCL sẽ tăng mạnh, nhất là vùng ven biển và giữa đồng bằng. Vùng ven biển ngập triều gia tăng, đe dọa sự tồn tại của hệ sinh thái ven biển và rừng ngập mặn. Xói lở sông, kênh và bờ biển sẽ rất khó lường dẫn đến việc mất đất sẽ nghiêm trọng hơn.

Chiều 9/5/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL về tình hình sạt lở đất. Thủ tướng cho biết, sau khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ, đã bố trí kế hoạch vốn trung hạn, để xử lý trước hết 17/42 vị trí đặc biệt nguy hiểm. Còn lại 25 điểm đặc biệt nguy hiểm cần giải quyết bổ sung ngân sách để hỗ trợ theo cơ chế phòng chống thiên tai. Thủ tướng nhấn mạnh, phải bảo đảm an toàn tính mạng, giữ đất, giữ người, thuận thiên trong xử lý vấn đề, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, “không để sạt lở gần hết rồi mới chạy đi tìm nguồn lực giải quyết”.

Bên cạnh xử lý kè, đặc biệt là đê mềm tại các điểm sạt lở, các địa phương cần tập trung xử lý một số vấn đề xã hội bức xúc hiện nay như khai thác cát dưới sông, không quy hoạch, cấp phép khai thác cát quá mức. Chú trọng biện pháp trồng rừng giữ đất, nghiên cứu làm phong điện để đất bồi đắp. 

Bố trí, sắp xếp di dời dân ra khỏi bờ sông, những nơi có nguy cơ cao về sạt lở. Đặc biệt, về công tác quản lý, quản lý tổng hợp vùng bờ theo hình thức xã hội hóa, gắn với trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ven biển. Kiểm soát việc sử dụng và khai thác nước ngầm để hạn chế hiện tượng lún sụt đất; rà soát quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ven biển để hạn chế các tác động gây xói lở bờ biển...

Đối với thượng nguồn, cần tăng cường hợp tác quốc tế quản lý bền vững sông Mê Kông về khai thác nguồn nước. Cần nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế xác định các giải pháp phòng chống sạt lở phù hợp với từng khu vực, thân thiện môi trường, giảm chi phí đầu tư; nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển rừng ngập mặn ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu...

Bạn đang đọc bài viết Đồng bằng sông Cửu Long và bài toán sạt lở. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Nam Việt

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới