Thứ bảy, 20/04/2024 18:27 (GMT+7)

Đồng bằng sông Hồng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Ngọc Anh -  Thứ bảy, 10/06/2023 08:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đây là nội dung của Hội thảo Vùng Đồng bằng sông Hồng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) diễn ra ngày 9/6/2023, tại tỉnh Vĩnh Phúc

Hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức.

Dự hội thảo có đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo 11 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng.

Các đồng chí: Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo

Các tham luận tại hội thảo đều khẳng định, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo đó, để đạt được mục tiêu này, nhiều địa phương cũng đang tích cực lồng ghép các chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Xu hướng chung của thế giới là phát triển xanh. Do đó, thu hút đầu tư thời gian tới của Việt Nam cũng được định hướng xanh hơn, có chất lượng và công nghệ cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế. Việt Nam có chủ trương xây dựng một môi trường đầu tư không chỉ thuận lợi về thủ tục mà phải xanh hơn, bền vững hơn. Điều đó đòi hỏi các địa phương phải chủ động, sáng tạo trong hoạch định các chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường.

Với tỉnh Vĩnh Phúc, ông Vũ Chí Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Những năm qua, địa phương luôn nhận thức một cách rõ ràng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển của tỉnh để hướng tới xây dựng một môi trường xanh song hành với một nền kinh tế - xã hội vững mạnh và văn minh.

Theo đó, kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều nỗ lực trong việc giám sát, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề và sự phát triển nhanh chóng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Bà Vũ Thị Kim Chi - Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh là trung tâm sản xuất nhiệt điện than lớn nhất cả nước, để phát huy đầy đủ các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh của địa phương, tạo đột phá phát triển nhanh và bền vững Quảng Ninh đã chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột, bao gồm: Thiên nhiên, Con người và Văn hóa.

Cũng theo bà Vũ Thị Kim Chi: Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch triển khai kết quả dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh. Hàng năm, tỉnh chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho công tác môi trường. Đồng thời, quan tâm sử dụng nguồn kinh phí thu được từ phí, thuế bảo vệ môi trường.

Với tỉnh Bắc Ninh, TS Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng: Phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường cũng là mục tiêu mà tỉnh Bắc Ninh đang hướng tới trong những năm qua. Trong khi đó, đại diện tỉnh Bắc Giang đã đưa ra những chính sách mà địa phương đang thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững.

Để đồng hành cùng các địa phương trong bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) lần đầu được giới thiệu trong Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 công bố vào tháng 4/2023. Chỉ số PGI cung cấp thông tin đầu vào phục vụ hoạch định chính sách ở cấp trung ương và địa phương, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp

Theo ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng ban Ban pháp chế VCCI: Chỉ số PGI gồm 4 chỉ số thành phần, bao gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; Thúc đẩy thực hành xanh; Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.

Nếu chỉ số PCI là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế địa phương dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh thì chỉ số PGI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng quản trị môi trường địa phương dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh.

Bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập - Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) cho biết: Để đạt được mục tiêu net-zero vào năm 2050, tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ phức tạp và đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên liên quan và nhiều cấp, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng, trong đó vai trò của các địa phương là thiết yếu.

Bạn đang đọc bài viết Đồng bằng sông Hồng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất