Thứ bảy, 20/04/2024 02:00 (GMT+7)

Đồng Nai: Chậm trễ trong việc thành lập mới, mở rộng khu công nghiệp

MTĐT -  Thứ bảy, 19/03/2022 09:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù có hơn 10 KCN được quy hoạch thành lập mới và mở rộng diện tích nhưng việc này nhiều năm nay vẫn còn rất chậm.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có nhu cầu thuê đất công nghiệp ở Đồng Nai với diện tích lớn để xây dựng nhà xưởng sản xuất, nhưng diện tích đất trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh không đáp ứng đủ. Mặc dù có hơn 10 KCN được quy hoạch thành lập mới và mở rộng diện tích nhưng việc này nhiều năm nay vẫn còn rất chậm.

tm-img-alt
Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) hơn 10 năm mở rộng chưa xong vì vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. 

Đồng Nai có 3 KCN được Chính phủ phê duyệt và đưa vào quy hoạch KCN Việt Nam từ gần 10 năm trước nhưng đến giữa tháng 3-2022, vẫn chưa thành lập là KCN Cẩm Mỹ (H.Cẩm Mỹ), KCN Gia Kiệm (H.Thống Nhất), KCN Phước Bình (H.Long Thành). Ngoài ra, còn 8 KCN đã được Chính phủ chấp thuận cho mở rộng, song kéo dài 6-10 năm nay chưa hoàn thành.

KCN quy hoạch “treo”

Đồng Nai có 3 KCN bị “treo” nhiều năm chưa tiến hành thành lập để xây dựng hạ tầng là Cẩm Mỹ, Gia Kiệm và Phước Bình. Ban đầu là do vướng mắc giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và một số quy hoạch khác chưa đồng nhất. Sau đó, nhà đầu tư thấy việc thu hồi đất phải bồi thường số tiền lớn nên chần chừ chưa triển khai.

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, những KCN trên địa bàn tỉnh thu hút gần 30,7 tỷ USD từ các DN có vốn đầu tư trong nước, DN FDI. Riêng DN FDI có gần 1,2 ngàn dự án đang hoạt động và mỗi năm đóng góp cho ngân sách gần 1,1 tỷ USD.

Khi hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn khởi động, DN FDI có nhu cầu thuê đất công nghiệp tại Đồng Nai với diện tích lớn, nhiều nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư hạ tầng KCN. Tuy nhiên, Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 quy định các dự án hạ tầng KCN do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, các DN tham gia đầu tư hạ tầng KCN phải làm lại thủ tục, lấy ý kiến các bộ, ngành, chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ KH-ĐT để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho biết: “Các KCN đã được huyện đưa vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, đang đợi tỉnh hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua. Sau đó, tiến hành đấu thầu chọn nhà đầu tư và phía UBND huyện sẽ hỗ trợ trong bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng dự án”. Cũng theo ông Thìn, KCN Cẩm Mỹ chủ yếu sử dụng đất cao su nên việc bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ nhanh hơn so với thu hồi đất của các hộ dân. Bên cạnh đó, huyện đang triển khai thêm KCN Xuân Quế - Sông Nhạn gần 3,6 ngàn ha, mới được Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2020.

Các KCN trên có tổng diện tích 820ha; trong đó, KCN Gia Kiệm 330ha, KCN Cẩm Mỹ hơn 300ha, KCN Phước Bình 190ha.

Nhiều năm chưa mở rộng xong

Đồng Nai có 8 KCN được Chính phủ, UBND tỉnh phê duyệt cho mở rộng nhưng nhiều năm chưa xong như: Hố Nai, Sông Mây, Bàu Xéo (H.Trảng Bom); Amata (TP.Biên Hòa); Dầu Giây (Thống Nhất); Xuân Lộc (H.Xuân Lộc); Định Quán (H.Định Quán); Ông Kèo (H.Nhơn Trạch). Nguyên nhân chủ yếu do vướng quy hoạch, thủ tục, đất đai. Trong đó có những dự án mở rộng KCN đã kéo dài hơn 10 năm cũng chưa hoàn thành.

Theo quy hoạch, Đồng Nai còn hơn 1 ngàn ha đất công nghiệp cho thuê, nhưng thực tế những khu đất này chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, vì trong quá trình hoàn tất thủ tục trình phê duyệt hoặc đang giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Phó giám đốc KCN Định Quán cho hay: “Năm 2018, công ty tiếp nhận KCN Định Quán thông qua việc cổ phần hóa DN nhà nước. Sau khi công ty tiếp nhận, củng cố lại mới bắt đầu thực hiện tiếp nhận hồ sơ mở rộng KCN giai đoạn 2 hơn 100ha. Thế nhưng, thời điểm đó hồ sơ được phê duyệt phải làm lại thủ tục gia hạn để đầu tư tiếp; khi chưa hoàn thành thì Luật Đầu tư năm 2020 ban hành, DN phải làm lại hồ sơ lấy ý kiến các bộ, ngành. Hiện hồ sơ đang trong quá trình cập nhật thêm những góp ý của bộ, ngành, tỉnh để hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt”.

Ngoài ra, việc mở rộng một số KCN khác lại vướng do bồi thường giải phóng mặt bằng, người dân bị thu hồi đất không đồng thuận với giá bồi thường. Qua nhiều năm, các huyện, TP.Biên Hòa chỉ bồi thường và giao mặt bằng cho chủ đầu tư kiểu “da beo” nên các công ty hạ tầng không thể thi công được. Đơn cử như KCN Hố Nai việc thu hồi đất kéo dài hơn 10 năm, KCN Amata hơn 6 năm…

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhiều lần chỉ đạo các sở, ngành phải phối hợp với các địa phương, chủ đầu tư các KCN hoàn thành sớm thủ tục để trình phê duyệt và tiến hành thu hồi đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để có đất cho DN trong nước, DN FDI thuê triển khai dự án góp phần phát triển công nghiệp. Trong những năm tới, công nghiệp là lĩnh vực Đồng Nai ưu tiên phát triển hàng đầu và tỉnh sẽ chọn lọc, thu hút những dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động và đem lại giá trị gia tăng cao.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 32 KCN được thành lập với tổng diện tích 10.270ha. Trong đó, có 31 KCN đang hoạt động và 1 KCN đang trong giai đoạn thu hồi đất xây dựng hạ tầng. Các KCN của tỉnh đã cho thuê khoảng 5.860ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 82%. Việc chậm thành lập mới, mở rộng KCN sẽ khiến cho tốc độ phát triển công nghiệp của Đồng Nai chậm lại, bỏ lỡ nhiều dự án DN FDI chất lượng./.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Chậm trễ trong việc thành lập mới, mở rộng khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Đà Nẵng: Xuất hiện mùi hôi thối trong khu công nghiệp Hoà Khánh
BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng đã đề nghị Công ty TNHH Bamboo Việt - Đà Nẵng làm việc với người dân tại khu dân cư Hoà Hiệp 4, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu về việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...