Đồng Nai: DN chưa mặn mà đầu tư kinh doanh nước sạch nông thôn
Theo mục tiêu đề ra, đến 2025, tỷ lệ được tiếp cận nước sạch, nước hợp vệ sinh phải là 95-100% ở đô thị, 93-95% ở nông thôn. Nhưng hiện tại, tỷ lệ người dân ở nông thôn được tiếp cận nước sạch (nước máy) rất hạn chế, mới chỉ xấp xỉ 35% số hộ.
Với mục tiêu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, sau khi các công trình nước sạch nông thôn đi vào hoạt động, tỷ lệ hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch lại rất thấp.
Lý do, tỷ lệ sử dụng nước sạch tại đô thị, nông thôn chưa đồng đều. Đơn cử như ở TT.Long Giao (H.Cẩm Mỹ); P.Phước Tân, P.Tam Phước, xã Long Hưng (TP.Biên Hòa)… số hộ có nước sạch để dùng còn rất thấp. Nguyên nhân do chưa có nhà đầu tư dự án nước sạch, thiếu hệ thống đường ống dẫn nước sạch, vướng quy hoạch xây dựng chi tiết nên chưa thể đầu tư công trình.
Tại một số địa phương đã có công trình nước sạch tập trung nông thôn nhưng công suất khai thác chỉ đạt 40-60%. Lý do vì nhiều hộ dân vẫn còn thói quen sử dụng nước giếng khoan, giếng đào để sinh hoạt, nước sạch từ hệ thống nước tập trung chỉ dùng trong ăn uống. Đặc biệt trong mùa mưa, nhiều hộ dân gần như không dùng nước máy. Vì nước giếng, nước mưa ít tốn chi phí. Việc này ảnh hưởng đến chủ đầu tư các công trình nước sạch tập trung. Đồng thời, nước ngầm khai thác nhiều dẫn đến suy kiệt, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu.
Theo kết quả kiểm tra của các địa phương trong tỉnh, nước ngầm ở nhiều nơi hiện không đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Do đó, các huyện, thành phố khuyến cáo người dân, khi có nước sạch từ các công trình tập trung thì nên sử dụng và tiến hành trám lấp các giếng khoan, giếng đào để bảo vệ môi trường.
Nếu người dân đều ưu tiên dùng nước sạch khi các dự án hoàn thành đưa vào khai thác thì quá trình mời gọi đầu tư theo hướng xã hội hóa sẽ thuận lợi hơn. Hiện tại, mời gọi đầu tư các công trình nước sạch tập trung ở nông thôn vẫn rất khó khăn, vì các doanh nghiệp ngại bỏ vốn xây dựng xong không bán được nước. Thực tế đã có những doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư hệ thống nước sạch nhưng chỉ bán được 30-40% công suất. Ngay cả một số khu công nghiệp ở H.Nhơn Trạch hiện vẫn còn tình trạng sử dụng nước ngầm dù đã có nhà máy nước sạch về tận nơi.
Do đó, để mọi người dân trên địa bàn tỉnh có nước sạch sử dụng đáp ứng các tiêu chí trong xây dựng đô thị, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thì tỉnh và từng địa phương phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể. Như vậy, có thể đầu tư nhanh các dự án nước sạch và khi đưa vào khai thác người dân đều sử dụng.