Thứ năm, 18/04/2024 09:02 (GMT+7)

Đồng Nai: Nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường tự động

MTĐT -  Thứ sáu, 02/06/2017 14:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 31/5 tại Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý vận hành hoạt động quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai 2017.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Hội nghị nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống quan trắc môi trường tự động, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung, công tác cảnh báo ngăn ngừa ô nhiễm nói riêng và công tác giám sát của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường thông qua công cụ quan trắc tự động,

Ông Nguyễn Ngọc Thường – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết: Đồng Nai là một trong những địa phương đạt được nhiều thành tựu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc hình thành và phát triển nhanh các khu công nghiệp, một mặt đã tạo ra động lực đáng kể để góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đồng thời dẫn đến gia tăng áp lực về bảo vệ môi trường.

Do đó, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai rất quan tâm, tập trung chỉ đạo. Để giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành mạng lưới quan trắc môi trường, trong đó thực hiện thủ công đầy đủ các thành phần môi trường như nước mặt, nước dưới đất, không khí, đất.

Cùng với đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ quan trắc môi trường tự động nhằm cảnh báo sớm ô nhiễm, hạn chế các thiệt hại về môi trường. Cụ thể, đã đầu tư, lắp đặt 05 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động, 19 trạm quan trắc nước thải tự động tại 19 KCN, 02 trạm quan trắc không khí tự động cố định, 01 trạm quan trắc không khí tự động di động và 01 xe hiệu chuẩn di động,

Sau một thời gian vận hành, các hệ thống quan trắc tự động môi trường đã đem lại một số hiệu quả thiết thực: chất lượng nước mặt được cảnh báo kịp thời, qua đó các cấp chính quyền có những giải pháp kịp thời để cảnh báo đến cộng đồng nhằm giảm thiểu các tác động do biến động môi trường.

Các hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các KCN cũng đã kịp thời cảnh báo để các đơn vị có biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng nước thải từ hoạt động công nghiệp đạt quy chuẩn quy định trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Ý thức của doanh nghiệp xử lý nước thải ngày càng được nâng cao, việc giám sát nước thải của các nguồn thải lớn được giám sát chặt chẽ, kịp thời.

Đối với chất lượng không khí, bên cạnh kết quả quan trắc môi trường định kỳ cho thấy, chất lượng môi trường không khí chưa thấy có dấu hiệu ô nhiễm. Nhưng tại khu vực xung quanh KCN đã phát hiện một vài khu vực ô nhiễm bụi và tiếng ồn với giá trị vượt nhẹ so với quy chuẩn cho phép, tần suất phát hiện ô nhiễm thấp và nồng độ ô nhiễm giảm dần theo các năm.

Ông Nguyễn Ngọc Thường – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai phát biểu tại Hội nghị

Bà Võ Niệm Tường – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai cũng đã có báo cáo đánh giá hiệu quả hệ thống quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường nước sông Đồng Nai, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đều thực hiện chương trình quan trắc các thành phần môi trường theo mạng lưới quan trắc môi trường.  

Theo đó, giai đoạn 2016 – 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã và đang thực hiện quan trắc tại 153 vị trí, gồm: 17 sông, 21 hồ, 54 suối, rạch nhỏ; giai đoạn 2021 – 2025, sẽ thực hiện quan trắc thêm tại 156 vị trí, gồm: 17 sông, 24 hồ, 54 suối, rạch nhỏ. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng duy trì vận hành 05 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động.

Qua kết quả quan trắc chất lượng nước mặt từ năm 2011 đến nay cho thấy chất lượng nước mặt có xu hướng được cải thiện. Các khu vực phát hiện ô nhiễm trong giai đoạn trước đã được phục hồi như sông Thị Vải. Chất lượng nước hồ Trị An ổn định, đạt yêu cầu cấp nước sinh hoạt.

Quang cảnh Hội nghị

Hiện nay, Đồng Nai có 32 KCN được quy hoạch, trong đó 30 KCN đã đi vào hoạt động. Ngay từ năm 2010 đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh đã tiến hành lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc tự động, liên tục nước thải tại các KCN. Hiện đã có 16/30 KCN thực hiện lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nước thải để quan trắc 17 KCN với tổng số trạm là 21 trạm.

Để tăng cường việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường đầu tư, lắp đặt 19 hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các KCN đã được lắp đầy trên 50% diện tích.

Năm 2017, Đồng Nai tiếp tục lập dự án đầu tư trạm quan trắc nước thải tự động cho 06 KCN, nâng tổng số KCN có nước thải sau xử lý được quan trắc tự động là 25 KCN. Còn lại 05 KCN hiện lượng nước thải tiếp nhận ít, đang lưu chứa tại hệ thống xử lý nước thải, chưa xả thải ra môi trường. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, trong trường hợp đủ điều kiện sẽ đầu tư lắp đặt.

Qua kết quả vận hành cho thấy, các hệ thống quan trắc tự động nước thải tại các KCN trong thời gian qua đã giám sát được tình hình xử lý nước thải tại các KCN, kịp thời cảnh báo tình trạng nước thải không đạt quy chuẩn đối với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý…

Bà Võ Niệm Tường – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai báo cáo đánh giá hiệu quả hệ thống quan trắc môi trường tự động

Tại Hội nghị, cùng với các Sở, ban, ngành và các công ty kinh doanh hạ tầng KCN, các cơ sở có nguồn thải lớn và chủ đầu tư các khu xử lý đã trao đổi, thảo luận những khó khăn vướng mắc thường gặp khi vận hành các trạm quan trắc tự động cũng như đưa ra các kiến nghị, giải pháp quản lý hiệu quả công tác bảo vệ môi trường để cùng giải quyết nhằm mục đích bảo vệ môi trường ngày một tốt đẹp hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh đã đánh giá hiệu quả việc vận hành, quản lý Nhà nước của các hệ thống quan trắc tự động môi trường đến năm 2017, nổi bật là hệ thống quan trắc nước thải tự động, thể hiện rõ vai trò cảnh báo sớm ô nhiễm. Qua đó, có những khuyến cáo để cảnh báo đến cộng đồng nhằm giảm thiểu các tác động do biến động của môi trường và có những giải pháp xử lý, cải thiện môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cũng đề nghị: “Trong thời gian tới các Sở, ban, ngành của tỉnh cần tập trung thực hiện hoàn chỉnh các hệ thống quan trắc tự động môi trường nước mặt, không khí và nước; hoàn thiện hệ thống công khai thông tin quan trắc môi trường để cộng đồng cùng theo dõi, giám sát.

Đối với các doanh nghiệp có nguồn thải lớn nhưng chưa lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, các chủ doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường, khẩn trương lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải và kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để quản lý, theo dõi, kịp thời cảnh báo.

Đối với các doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, bên cạnh việc vận hành các hệ thống xử lý môi trường đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, cần thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc vận hành hệ thống, phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, đặc biệt là khi có sự cố liên quan đến số liệu quan trắc môi trường vượt quy chuẩn cho phép”.

Đồng Nai cũng sẽ kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành quy định về yêu cầu cơ bản và đặc tính kỹ thuật đối với hệ thống quan trắc môi trường nước tự động, liên tục để đồng bộ các thiết bị quan trắc tự động, trong đó các thông số quan trắc lắp đặt phù hợp với tính chất nước thải từng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Đồng thời, hướng dẫn về định mức kinh tế kỹ thuật hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc nước tự động, liên tục và quy định về kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc tự động nước thải liên tục để tạo sự đồng bộ trong quá trình quản lý và vận hành các thiết bị quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Theo Báo Tài nguyên Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường tự động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.