Thứ tư, 17/04/2024 04:23 (GMT+7)

Đồng Nai: Nhiều dấu hiệu vi phạm vụ vay tiền thực hiện dự án?

H. Minh - V.Thái -  Chủ nhật, 25/08/2019 10:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vay tiền đầu tư dự án, song do không trả được nên doanh nhân bị đẩy vào vòng lao lý với 2 bản án. Điều lạ, khối tài sản hàng trăm tỷ đảm bảo cho cả 2 vụ án lại bị bán đấu giá khắc phục cho 1 vụ án.

Dấu hiệu “tước đoạt” tài sản đảm bảo thi hành án   

Theo hồ sơ vụ việc, ông Nguyễn Văn Tình (SN 1964, HKTT phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh) thời điểm ngày 1/5/2010 ông Tình là CTHĐQT, kiêm GĐ Công ty CP Sài Gòn Cây Cảnh (ĐKKD tại TP Hồ Chí Minh, trụ sở phường Thảo Điền, Q.2, TP Hồ Chí Minh) gồm 4 thành viên là cổ đông góp vốn theo tỷ lệ: Nguyễn Văn Tình (50%), Nguyễn Thị Chí Sương (8%), Đặng Đức Trung (30%), Hoàng Quốc Võ (12%). Ông Tình và bà Sương có quan hệ vợ chồng. Từ khi thành lập năm 2004 tới trước 2010, Công ty Sài Gòn Cây Cảnh nhiều lần thay đổi loại hình công ty và thành phần cổ đông (sau đây gọi chung là Công ty Sài Gòn Cây Cảnh).

Năm 2004, lúc đó bà Sương là Giám đốc Công ty TNHH XD-TM-DV Sài Gòn Cây Cảnh (chưa đổi tên công ty) và chồng mình, thông qua mối quan hệ thì quen biết với ông Lê Đình Tài, là CTHĐTV Công ty TNHH Hà Linh (huyện Trảng Bom). Bà Sương có nhờ ông Tài liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu địa điểm phê duyệt  cho công ty mình đầu tư xây dựng KDC Tam Phước (xã Tam Phước, huyện Long Thành).

Luật sư cho rằng vụ án còn nhiều khuất tất cần được làm rõ.

Từ ngày 18/11/2007 tới ngày 2/8/2009 vợ chồng ông Tình, bà Sương có thế chấp các nhà, đất, dự án để vay tiền vợ chồng ông Tài số tiền 52.760.000.000 đồng với lãi suất theo tỷ lệ khác nhau, hình thức kí giấy vay nhận, mục đích đầu tư dự án KDC Tam Phước. Việc vay mượn này có các điều khoản thỏa thuận nếu bên vay không trả thì sẽ bị bên cho vay phát mãi tài sản để thu hồi nợ. Đến ngày 2/8/2009, Tổng số tiền vay và lãi, vợ chồng ông Tình, Sương đã nợ vợ chồng ông Tài 61.486.000.000 đồng.

Do không trả tiền được theo đúng cam kết, vợ chồng ông Tài tố cáo vợ chồng ông Tình, bà Sương ra cơ quan pháp luật. Vụ án được cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai tách vụ án ra làm 2: Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đối tượng bị truy tố là vợ chồng Tình, Sương. Cuối cùng, TAND Tối Cao đã xét xử và ra bản án số 274/2015/HSPT ngày 21/5/2015, tuyên phạt giữ nguyên mức án ở bản án sơ thẩm TAND tỉnh Đồng Nai. Ông Tình 18 năm tù, bà Sương 14 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Hủy công nhận việc bàn giao tài sản là 112.059 m2 nhà, đất thuộc KDC Tam Phước như bản án sơ thẩm số 108/2014/HSST.

Sau bản án, Cục THADS tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định thi hành án số 75/QĐ-CTHA 25/6/2015 kê biên toàn bộ 10,2 ha đất thuộc các thửa 180; 236; 237; 237b; 237c; 707; 286 và các công trình trên đất nằm trong dự án KDC Tam Phước của Công ty Sài Gòn Cây Cảnh để đưa ra bán đấu giá, tài sản đã được đem bán đấu giá thành công. Việc vợ chồng ông Tình, bà Sương phải thi hành án tù và bỗng từ người có hàng trăm tỉ thành trắng tay.

Trong khi tài sản thi hành án cho vụ án thứ nhất cũng là tài sản đảm bảo thi hành án cho vụ án thứ 2 đã bị bán sạch, thì ngày 15/8/2019, tức 4 năm sau vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, được TAND tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử. Đây được xem là phần thứ 2 không thể tách rời trong một vụ án mà bị cáo là vợ chồng Tình Sương, còn bị hại là những người dân mua đất dự án KDC Tam Phước. Rõ ràng, có dấu hiệu “tước đoạt” tài sản đảm bảo thi hành án. Có điều bất ngờ là không hiểu tại sao các cơ quan bảo vệ pháp luật ở tỉnh Đồng Nai; và thậm chí là Hội đồng xét xử phiên tòa mở ngày 15/8/2019 nói trên, cũng không xem xét, giải quyết tình tiết tài sản đảm bảo thi hành án của vụ án đã bị “hô, biến” như thế nào?

Nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 28/11/2008, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định số 4027/QĐ UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 KDC Tam Phước. Ông Tình với tư cách là Giám đốc Công ty Sài Gòn Cây Cảnh đã ký các hợp đồng phân phối độc quyền dự án KDC Tam Phước với Công ty CP ĐT BĐS Hoàng Linh và Công ty CP DV-ĐT-XD BĐS Nam Tiến. Hơn 200 khách hàng đã kí với Công ty Sài Gòn Cây Cảnh bằng “hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng KDC Tam Phước”, góp tiền theo tiến độ để sở hữu nền đất trong tương lai, sau khi dự án KDC Tam Phước hoàn thành, chứ không hề có hợp đồng mua bán.

Người dân mua đất dự án viết đơn kêu cứu cho rằng họ ký hợp đồng góp vốn đầu tư với Công ty Sài Gòn Cây Cảnh, không liên quan đến vợ chồng Tình, Sương.

Tại phiên tòa, nhiều người dân cũng khẳng định họ ký hợp đồng góp vốn với pháp nhân là Công ty Sài Gòn Cây Cảnh, chứ không phải mua bán, nhưng đại diện VKS không đưa ra bằng chứng mà chỉ nhận định: “thực chất là mua bán”. Tại phiên tòa sáng ngày 21/8 nhiều lần luật sư Trần Văn Tạo đề nghị được tranh luận rõ ràng và đề nghị vị đại diện VKS trưng ra bằng chứng hợp đồng mua bán, nhưng vị đại diện VKS đều không đưa ra được bằng chứng.

Bản hợp đồng góp vốn của người dân với công ty Sài Gòn Cây Cảnh

Theo luật sư Cường, việc tách 1 vụ ra làm 2 vụ án đã gây hậu quả nghiêm trọng: Bởi, tài sản để khắc phục hậu quả là 10,2ha đất dành cho 02 tội danh là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nhưng sau khi thi hành bản án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì tài sản đảm bảo thi hành án đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không còn, do CTHADS tỉnh Đồng Nai đã đem bán đấu giá để thi hành án trước đó. Trong khi tài sản này đủ để khắc phục hậu quả cho cả 02 vụ án của ông Tình và bà Sương căn cứ theo kết quả Trưng cầu giám định số 9318.817/CT-BTCVLAUE, tháng 11/2018 có giá trị thẩm định là: 248.212.000.000 đồng. “Thân chủ của tôi chắc chắn bị kết tội nặng vì không có tài sản khắc phục hậu quả. Và chắc chắn hơn 200 người đã góp vốn lấy đất sẽ không lấy được tài sản”, luật sư Cường nói.

Luật sư Cường cũng cho rằng: Cáo trạng của VKS tỉnh có sự xác định nhầm lẫn cá nhân ông Tình, bà Sương với pháp nhân Công ty Sài Gòn Cây Cảnh. Theo Luật doanh nghiệp quy định, những người bị khởi tố, bắt giam thì không được quyền đại diện pháp nhân, một trong những người còn lại của công ty sẽ là người đại diện pháp nhân. Theo đó, HĐXX không mời đại diện pháp nhân Công ty Sài Gòn Cây Cảnh tham gia tố tụng là sai nghiêm trọng về mặt pháp luật, có thể làm thay đổi bản chất vụ án. “Đến nay Công ty Sài Gòn Cây Cảnh vẫn chưa bị giải thể. Tôi đã 2 lần làm đơn đề nghị đưa pháp nhân Công ty Sài Gòn Cây Cảnh vào tham gia xét xử sơ thẩm nhưng không được chấp thuận, mặc dù công ty đã có Giấy ủy quyền cho người tham dự tại tòa”, luật sư Cường nói.

Điều đáng nói, giữa phiên tòa, luật sư Cường đề nghị được tranh tụng rõ ràng, công khai nhiều vấn đề trong cáo trạng kết tội các bị cáo Tình, Sương với vị đại diện VKS nhưng Chủ tọa phiên tòa ngăn lại và nhanh chóng tuyên bố kết thúc tranh tụngđể nghị án. Mặc dù theo lịch xét xử, phiên tòa vẫn còn thêm ít nhất 2 ngày. Ngoài ra, tại phiên tòa, bị cáo Tình nhiều lần kêu oan, đề nghị được giải thích, đưa ra nhiều tình tiết mới, rất quan trọng cần làm sáng tỏ, nhưng HĐXX chỉ ghi nhận một cách hạn chế.

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Nhiều dấu hiệu vi phạm vụ vay tiền thực hiện dự án?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.