Thứ ba, 19/03/2024 15:15 (GMT+7)

Đồng Nai: Thủ phạm gây ô nhiễm nước sông Buông tái hoạt động

Nguyên Lộc – Thiên Sách – Thiên Thanh (Thực hiện) -  Thứ tư, 19/01/2022 07:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 16/1/2022, tại sông Buông, đoạn chảy qua địa bàn phường Phước Tân (TP. Biên Hòa), nước nổi màu đỏ sậm, đặc quánh. Cư dân địa phương nói rằng, những bãi cát trên bờ sông đang rửa cát, bơm hút nước sông lên để rửa cát rồi đổ lại vào dòng nước sông.

Đặc biệt, vào 2 ngày cuối tuần, tình trạng rửa cát khá rầm rộ, lúc đầu còn lén lút vào ban đêm, càng về sau càng công khai giữa thanh thiên bạch nhật, khiến nước sông Buông luôn đặc quánh ô nhiễm.

Sông Buông dài 52km, bắt nguồn từ thành phố Long Khánh chảy qua huyện Trảng Bom xuống thành phố Biên Hòa rồi đổ ra sông Đồng Nai. Những năm gần đây, dòng sông này đang đứng trước nguy cơ bị “bức tử” khi đoạn chảy qua địa phận TP.Biên Hòa ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Đó là đoạn sông chảy qua phường Phước Tân (TP.Biên Hòa) luôn trong tình trạng nước đục ngầu và đặc quánh cả ngày lẫn đêm. 

Giữa năm 2021, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND TP.Biên Hòa đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với một số doanh nghiệp, cơ sở khai thác, tập kết vật liệu xây dựng dọc dòng sông Buông đoạn qua phường Phước Tân. Đoàn kiểm tra phát hiện đến 7 doanh nghiệp và cơ sở cá nhân kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng không đảm bảo về môi trường nên đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính gần 300 triệu đồng.

Dù bị xử phạt nhưng việc xả thải ra môi trường vẫn không dừng lại nên tháng 11/2021, cơ quan chức năng kiểm tra Công ty Cổ phần Tài nguyên Toàn Cầu Minh, vẫn cố tình hoạt động, không chấp hành việc đình chỉ hoạt động 9 tháng theo quyết định của UBND thành phố Biên Hòa. Do đó, UBND phường Phước Tân buộc thực hiện việc tạm giữ tang vật, phương tiện.

Cụ thể, Công ty CP Sản xuất - thương mại - dịch vụ xuất nhập khẩu đá Chuẩn, Công ty TNHH Nam Hóa An và Công ty CP Tài nguyên Toàn Cầu Minh bị phạt 70 triệu đồng/doanh nghiệp. Đồng thời, xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động bến bãi 9 tháng đối với cả 3 công ty nói trên và buộc chủ các doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp khắc phục về ô nhiễm môi trường cũng như các biện pháp bảo vệ môi trường tại khu vực công ty hoạt động.

Từ góc quay trên cao, hình ảnh bãi cát khổng lồ nằm sát bờ sông đang trong tình trạng tái hoạt động sau khi bị xử phạt. Nước sông được bơm vào bể chứa, cát thô sẽ được các xe cẩu đưa vào bể chứa trộn rửa và vận chuyển bằng xe tải ra bán bên ngoài. Nước rửa ô dơ bẩn sẽ được đổ thẳng ra sông Buông trở lại, gây ô nhiễm nghiêm trọng lòng sông

Ngày 16/1/2022, sau nhiều ngày chờ đợi, chúng tôi cũng đã quay được cảnh bãi cát của một công ty đang hoạt động. Đối chiếu với bản đồ, tọa độ bãi cát này thuộc thửa 9, tờ bản đồ số 94, có diện tích 8.440m2, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ngày 12/1/2018 với mục đích sử dụng là trồng cây lâu năm.

Theo diễn giải của người trong nghề, các ông chủ bỏ tiền mua những mảnh đất tiềm năng này, dùng rào chắn và tôn kẽm che chắn lại, ngoài việc rửa cát như đã nói ở trên còn khai thác tại chỗ nhiều loại tài nguyên khác như cao lanh, đất, đá, cát….

Một ngày giữa tháng 1/2022, bằng nhiều cách, chúng tôi lọt vào trong bãi cát khổng lồ này. Người quản lý bãi cho biết, bãi vẫn mua bán công khai từ nhiều ngày nay. Giá cát sau khi rửa sạch là 300 ngàn đồng/khối, cát thô từ 150-200 ngàn đồng/khối. Bãi cát luôn chào đón và công khai mua bán như chưa từng có chuyện xử phạt xảy ra trước đây…

Ngoài 3 doanh nghiệp nói trên, UBND TP.Biên Hòa cũng ban hành văn bản xử phạt hành chính các cơ sở tư nhân còn lại với các lỗi vi phạm như: mua bán, tập kết đất, cát; rửa cát mà không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường xác nhận theo quy định… Đến thời điểm này tất cả các doanh nghiệp, cơ sở và cá nhân vi phạm nói trên đã chấp hành nộp phạt và tạm thời đóng cửa để khắc phục môi trường theo quy định.

Tuy nhiên, những hình ảnh chúng tôi quay được hôm nay cho thấy việc xử phạt của chính quyền gần như không tác động đến “gân cốt” của những doanh nghiệp này. Họ vẫn lén lút hoạt động, gần như công khai rửa cát, xả thải ra môi trường mà không cố kỵ gì, bức tử dòng sông Buông và gây bức xúc cực điểm cho cư dân sinh sống xung quanh

Theo UBND TP.Biên Hòa, ngoài 7 doanh nghiệp, cơ sở bị phát hiện vi phạm về môi trường nói trên thì dọc sông Buông, đoạn qua phường Phước Tân còn có đến 10 mỏ đá quy mô lớn được cấp phép khai thác với tổng diện tích hơn 400ha. Các mỏ đá này ngoài việc “lũng đoạn” cả một đoạn đường ra vào do đoàn xe chở đá rầm rập ngày đêm, còn là nỗi kinh hoàng của người dân khi qua lại đoạn đường. Nhưng hơn hết là không một ai có thể sinh sống trong một bầu không khí đặc quánh khói bụi và tiếng ồn tại đây

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Thủ phạm gây ô nhiễm nước sông Buông tái hoạt động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.