Thứ ba, 23/04/2024 21:51 (GMT+7)

Đồng Nai: Xoá "điểm nóng" về môi trường tại các khu công nghiệp

MTĐT -  Thứ ba, 29/11/2022 16:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những năm trước, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xuất hiện các “điểm nóng” về môi trường tại các KCN, nhưng với việc quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác bảo vệ môi trường tại các KCN đạt được nhiều kết quả tích cực.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Với 32 KCN đã được thành lập, trong đó 31 KCN đi vào hoạt động, Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về các KCN tập trung. Hàng hóa sản xuất trong các KCN trên đã xuất khẩu vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việc xây dựng và phát triển các KCN đã tạo điều kiện cho tỉnh huy động các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ.

Tuy nhiên, địa phương đang chịu áp lực lớn trong quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường ở tất cả các mặt như khí thải, nước thải công nghiệp, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, hiện trung bình mỗi ngày các KCN trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 100.000m3 nước thải, trong đó khoảng 85.500m3 được thu gom, xử lý, chiếm tỷ lệ 85%, tăng 7% so với năm 2020. Số còn lại là doanh nghiệp được cấp phép xả thải trực tiếp, số ít doanh nghiệp chưa đấu nối nước thải về KCN.

Nhiều năm qua, việc bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp hướng tới sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững, tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho nhà đầu tư luôn được tỉnh Đồng Nai rất quan tâm.

Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các khu công nghiệp, cùng với các doanh nghiệp phát triển đầu tư, sản xuất ổn định.

Bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết các khu công nghiệp của tỉnh hiện cơ bản hoàn thiện về hạ tầng đường giao thông, thoát nước mưa, nước thải.

Tất cả 31 khu công nghiệp đang hoạt động đã xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế là 181.670 m³/ngày, tổng vốn đầu tư khoảng 2.139 tỷ đồng.

Thực tế, 30 khu công nghiệp đã vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn lại khu công nghiệp Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch) đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị hệ thống xử lý nước thải tập trung (công suất thiết kế 3.000 m³/ngày) và xây dựng các tuyến thu gom nước thải, đang thực hiện đấu nối nước thải để đưa hệ thống xử lý nước thải tập trung vào vận hành chạy thử nghiệm.

Ngoài hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp yêu cầu bắt buộc phải có thiết bị giám sát nước thải tự động, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước yêu cầu doanh nghiệp có nguồn xả thải trên 1.000m3/ngày lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát 24/24 giờ.

Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước thải của các khu công nghiệp có nguồn thải ra nguồn tiếp nhận, định kỳ hàng tháng Sở Tài nguyên và Môi trường giao Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Vimcert 003) thực hiện thu mẫu nước thải sau xử lý của các khu công nghiệp. Kết quả quan trắc nước thải của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tháng 9/2022 cho thấy, nước thải sau xử lý đều đạt so với quy chuẩn quy định.

Theo Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai Phạm Văn Cường, tất cả các khu công nghiệp đều bố trí quy hoạch đảm bảo diện tích cây xanh trên 10% tổng diện tích đất khu công nghiệp.

Các công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đều có những thỏa thuận ràng buộc nhà đầu tư trong việc giám sát chất lượng nước thải trước khi đấu nối. Đồng thời, có nhiều cơ quan nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát doanh nghiệp một cách hiệu quả trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Hiện Đồng Nai có khu công nghiệp chuyên ngành như Dệt may Nhơn Trạch, khu công nghiệp có nhà ở đi kèm như Long Thành. Riêng khu công nghiệp Amata đang thí điểm chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái, mô hình này thành công sẽ được nhân rộng ra các khu công nghiệp trong tỉnh.

Tỉnh cũng đang tiếp tục xây dựng, phát triển các khu công nghiệp theo hướng xanh, sạch nhằm nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh sắp tới, tỉnh Đồng Nai tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kịp thời các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, kết hợp với biện pháp hành chính kinh tế và các biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các khu công nghiệp và doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong khu công nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải sau xử lý, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát.

Hoạt động sản xuất thân thiện với môi trường

Là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến trong ngành nông công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa) luôn quan tâm đến bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, sản xuất.

Tao moi truong dau tu thuan loi o Dong Nai: Phat trien xanh hinh anh 2
Không gian cây xanh trong khu công nghiệp Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa. (Ảnh: TTXVN)

Phó Tổng giám đốc phụ trách ngành kinh doanh gia công C.P. Việt Nam Lê Xuân Huy cho biết, công ty luôn chú trọng đến việc tổ chức sản xuất đạt các tiêu chuẩn của thế giới về chất lượng, về an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường; có khả năng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng điều kiện cho xuất khẩu từ Việt Nam như các hệ thống quản lý như ISO 9001:2008, ISO 14001:2004, ISO 22000, hệ thống an toàn thực phẩm GMP & HACCP, hệ thống an toàn nông nghiệp quốc tế Global GAP, hệ thống IFFO,…

Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam có tầm nhìn hướng đến cung cấp các sản phẩm chất lượng, dinh dưỡng, sử dụng nguyên vật liệu và tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, không làm ảnh hưởng đến môi trường thông qua việc lồng ghép các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Qua đó, công ty không ngừng đầu tư nâng cao công nghệ, kỹ thuật và sử dụng năng lượng thay thế trong sản xuất để giảm phát thải tác động ra môi trường. Đồng thời, công ty còn phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, tổ chức xã hội, cộng đồng về trồng rừng, trồng cây xanh bảo vệ môi trường, cùng chung tay ngăn chặn sự gia tăng của rác thải nhựa và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần qua các dự án giảm thiểu nhựa, dự án giảm rác thải…

Công ty cổ phần Sonadezi Long Bình hoạt động chính trong lĩnh vực cho thuê đất và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Hiện công ty đang đầu tư và khai thác 4 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, gồm Biên Hòa 2, Gò Dầu, Xuân Lộc và Thạnh Phú với tổng quỹ đất gần 850ha.

Theo đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Sonadezi Long Bình, trong quá trình đầu tư và hoạt động, công ty luôn đảm bảo tiêu chí kiểm soát ô nhiễm môi trường. Công ty thu hút đúng ngành nghề đã được phê duyệt vào các khu công nghiệp; đảm bảo toàn bộ lượng nước thải phát sinh trong khu công nghiệp phải được kiểm soát xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận; vệ sinh, duy tu hạ tầng thường xuyên, thu gom và chuyển giao toàn bộ lượng chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động tại các khu công nghiệp; bố trí cây xanh trong khu công nghiệp hợp lý tạo cảnh quan và điều hòa vi khí hậu nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Tại Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, Công ty Cơ khí Động Lực Toàn Cầu cũng thường xuyên tuân thủ các chính sách pháp luật của Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn về môi trường.

Ông Nguyễn Vương Long, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, trong quá trình hoạt động đầu tư, công ty còn duy trì đúng tiêu chuẩn về môi trường khí thải, đồng thời ký kết hợp đồng với các đối tác chuyên xử lý rác thải, đảm bảo đạt chuẩn vệ sinh môi trường. Đối với những khu vực nào có nguồn khí gây ô nhiễm, công ty lắp đặt các hệ thống điều hòa không khí trước khi thải ra ngoài.

Hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường

Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã tích cực triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp phát triển kinh tế sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; đồng thời bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các KCN. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp hướng tới sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm.

Tỉnh đã tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường với các hình thức đa dạng, phong phú, thu hút sự quan tâm và tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp. Một trong những điểm nhấn của tỉnh đó là nhiều năm nay Đồng Nai không thu hút đầu tư ồ ạt mà chọn lọc dự án sử dụng công nghệ mới, công nghệ thân thiện với môi trường, ít phát sinh chất thải. Các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, phát sinh chất thải lớn thì tỉnh từ chối. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đối với các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN, lãnh đạo tỉnh yêu cầu phải bảo đảm diện tích cây xanh tối thiểu; mở rộng và nâng cấp hệ thống xử lý chất thải theo nhu cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó là giám sát chặt chẽ tỷ lệ nước thải so với nước cấp để hạn chế việc lén xả nước thải ra môi trường. Đến nay, 31/31 KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường.

Trong đó, 25 KCN đã được tỉnh đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát. Ngoài hệ thống quan trắc, định kỳ và đột xuất, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra việc thu gom, xử lý nước thải và đôn đốc các doanh nghiệp mới đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải của các KCN nhằm hạn chế phát sinh nước thải ra môi trường. Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục rà soát, yêu cầu chủ đầu tư các KCN xây dựng, nâng cấp vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tỷ lệ 100% nước thải công nghiệp được đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển các KCN theo hướng xanh, sạch nhằm nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư. Hiện tại, KCN Amata (TP Biên Hòa) là một trong 3 KCN đầu tiên của cả nước được chọn xây dựng KCN sinh thái theo hướng toàn cầu, mô hình này thành công sẽ được nhân rộng ra các KCN trong tỉnh.

Dự kiến, trong tương lai, Đồng Nai sẽ có thêm 6 KCN. Do đó, tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm tại các KCN có thể xảy ra.

UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư các KCN phải bảo đảm đồng bộ hạ tầng trước khi mời gọi doanh nghiệp; theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cũng sẽ nâng cao năng lực thẩm định đối với các dự án đầu tư mới, ưu tiên các dự án quan tâm đến bảo vệ môi trường; đồng thời, hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các công trình, giải pháp bảo vệ môi trường./.

Hồng Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Xoá "điểm nóng" về môi trường tại các khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới