Động vật đô thị và tổ chức cảnh quan đô thị
Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.
Lúc này, tổ chức không gian cảnh quan đô thị đóng vai trò quan trọng khi không chỉ kiến tạo không gian sống cho con người mà còn là công cụ hiệu quả tăng cường, đa dạng sinh học đô thị và khả năng trải nghiệm thiên nhiên bằng các giải pháp phù hợp trong thiết kế, tổ chức, duy trì được không gian sống cho động vật đô thị. Trong phạm vi bài báo này đề cập đến vấn đề động vật đô thị và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đường phố mang tính định hướng cho một xu hướng nghiên cứu cần thiết trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị của Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Quá trình đô thị hóa luôn đi kèm với sự phân mảnh của cấu trúc không gian xanh thành các mảnh nhỏ, rời rạc và kém chất lượng sinh thái; sự mất đi các không gian xanh do sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kĩ thuật dẫn đến hiện tượng cứng hóa bề mặt đất … là các vấn đề cơ bản ảnh hưởng đến động vật đô thị.
Động vật đô thị là các loài động vật hoang dã có thể sinh sống hoặc phát triển trong môi trường đô thị hoặc xung quanh các khu dân cư đông đúc của con người. Một số động vật hoang dã đô thị chẳng hạn như chuột nhà là loài cộng sinh, có liên quan đến sinh thái và thậm chí tiến hóa để trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào con người như là quá trình tự thuần hóa. Các loài khác chỉ đơn giản là chấp nhận sống chung với con người và sử dụng các khu rừng đô thị (lâm viên) còn lại, không gian xanh và thảm thực vật đường phố làm môi trường sống thích hợp. Trong một số trường hợp, chúng dần trở nên quen thuộc với con người, do đó cuối cùng cộng sinh theo thời gian, nghĩa là chúng đã thay đổi lối sống để thích nghi với các điều kiện sống của khu vực nội thành TP và vùng ngoại ô.
Ngày nay, người ta hiểu rõ hơn về những lợi ích đồng thời về văn hóa – xã hội đạt được từ việc chung sống hài hòa với thiên nhiên, dành thời gian trong thiên nhiên và tiếp xúc với động vật có tác dụng tích cực về sức khỏe con người và giải tỏa các vấn đề tâm lý tiêu cực của cuộc sống đô thị, hạnh phúc và cơ hội giáo dục cho trẻ em,…Những đồng lợi ích này hỗ trợ cho khái niệm phát triển “các TP hơn con người” với mong muốn tổ chức không gian cảnh quan đô thị không chỉ là không gian sống của riêng con người mà là nơi con người và động vật hoang dã có thể sống hòa hợp.
Hình 1: Động vật đô thị trên đường phố nội thành Hà Nội (Nguồn: internet)
2. Những khó khăn và thách thức về phát triển động vật đô thị
Việc thực hiện và thúc đẩy tương tác giữa con người và động vật hoang dã một cách có hệ thống trong quy hoạch và thiết kế đô thị vẫn chưa phải là thông lệ vì con người đang phải đối mặt với một số thách thức lớn sau:
- Sự khan hiếm đất đai là mối quan tâm lớn đối với nhiều TP hiện đại. Các TP ưu tiên phát triển lấy con người làm trung tâm và coi động vật hoang dã là thuộc về và nhất thiết phải được bảo tồn trong các khu bảo tồn thiên nhiên dành riêng.
- Động vật hoang dã trong môi trường đô thị có thể gây ra nhiều phản hồi trái chiều, trong đó một số cư dân đô thị coi động vật là mối phiền toái công cộng.
- Đại dịch bệnh vi-rút Corona 2019 gần đây đã làm tăng thêm nhận thức tiêu cực về một số loài động vật (ví dụ: Dơi, linh trưởng), vì chúng được coi là vật trung gian truyền bệnh tiềm ẩn có nguồn gốc từ động vật.
Ngoài ra, có rất ít hướng dẫn dành cho các nhà thiết kế đang tìm kiếm nguồn thông tin cần thiết về các nội dung này do thiếu sự rõ ràng về cách chuyển tải kiến thức và dữ liệu sinh thái sang quy mô không gian và thời gian thích hợp trên tổ chức cảnh quan ngoài thực địa.
3. Tổ chức cảnh quan đô thị gắn với tổ chức không gian sống của động vật đô thị
Nội dung cốt lõi của việc phát triển động vật đô thị là xây dựng các các chiến lược quy hoạch lồng ghép động vật hoang dã đô thị vào quy hoạch đô thị nhằm tạo ra môi trường sống cho loài động vật. Áp lực tăng trưởng đô thị khuyến khích các nhà thiết kế khám phá cách sử dụng tối ưu thiên nhiên đô thị bằng cách tối đa hóa và tăng cường các chức năng sinh thái, tăng cường đa chức năng và hiệu quả sử dụng tài nguyên để tạo ra sự cân bằng sinh thái bất chấp mật độ đô thị cao trong một diện tích đất hữu hạn.
Một số nỗ lực khác là phục hồi lại các không gian cảnh quan tự nhiên đã mất đi của đô thị và tăng cường khả năng kết nối với các không gian tự nhiên khác của khu vực ngoại thành và vùng ven của đô thị để tạo thành một mạng lưới hệ sinh thái mở đã được vận dụng tại một số đô thị trên thế giới và chứng minh hiệu quả tích cực của nó như Dự án khôi phục dòng suối Cheonggyecheon ở Seoul – Hàn Quốc, Dự án Công viên Bishan Ang Mo Kio Park (Singapore)…
Ngoài ra định hướng phát triển nông nghiệp đô thị cũng có những đóng góp đáng kể cho việc gia tăng các nơi chốn cho động vật đô thị khi tối ưu hóa diện tích xanh trong điều kiện đất đai hạn hẹp của không gian đô thị.
Hình 2: Dự án khôi phục dòng suối Cheonggyecheon ở Seoul – Hàn Quốc và sự hình thành môi trường sống thân thiện cho động vật đô thị bán hoang dã trong vùng lõi trung tâm TP (Nguồn: https://seulsolution.kr)
- Các cân nhắc về loài và địa điểm phù hợp:
Việc tìm hiểu các thông tin về động vật đô thị tại khu vực nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng để tổ chức không gian cảnh quan bền vững, thân thiện môi trường và đa dạng sinh học, cân bằng giữa các lợi ích về môi trường sống của con người và hệ sinh thái tự nhiên. Khi phân tích dữ liệu về động vật học đô thị cần tập trung vào sự cân nhắc về loài phù hợp cho sự phát triển động vật đô thị và các địa điểm phù hợp để tổ chức sinh cảnh cho các giống loài này.
- Cân nhắc về giống loài - loài mục tiêu:
Thuật ngữ ‘loài mục tiêu’ đề cập đến nhiều nhóm đại diện của động vật hoang dã (ví dụ: Động vật không xương sống và động vật sống trên cây/trên cạn/dưới nước, bao gồm chim, bò sát và lưỡng cư) có thể là giống loài phù hợp để chiếm giữ một số địa điểm, không gian cảnh quan trong đô thị.
Cần nghiên cứu chi tiết các thông tin về: (i) chế độ ăn uống (ví dụ: Ăn tạp, ăn trái cây, ăn côn trùng); (ii) các yêu cầu về môi trường sống (ví dụ: Để làm tổ, sinh sản và đậu) và các đặc điểm cảnh quan liên quan (ví dụ: Gần các vùng nước, môi trường đầm lầy); (iii) mức độ chịu đựng đối với sự xáo trộn của con người, áp lực môi trường và sự cạnh tranh giữa các loài (ví dụ như giao thông của con người, sức nóng đô thị, lũ lụt, động lực học của động vật ăn thịt-con mồi); (iv) hành vi (ví dụ: Mô hình ban ngày/ban đêm, di cư); (v) đóng góp vào các chức năng sinh thái (ví dụ: Thụ phấn và phát tán hạt); (vi) các hạn chế về phân tán (ví dụ: Tính di động, quy mô phạm vi cư trú và khả năng phân tán) và (vii) giá trị bảo tồn …
- Xác định các địa điểm phù hợp trong đô thị để tổ chức sinh cảnh cho động vật đô thị
Điều quan trọng là chuyển những đặc điểm để tạo thành sinh cảnh sống của các loài đó thành các thành phần cảnh quan không gian theo chiều dọc và chiều ngang của môi trường sống có thể liên kết trực tiếp với thiết kế và quy hoạch không gian xanh đô thị.
Sau đó là chọn những nơi thích nghi đô thị làm loài mục tiêu để thiết kế cảnh quan đầy đủ chức năng. Đây phải là những loài có khả năng chịu được vi khí hậu đô thị, tiếng ồn và các hiệu ứng rìa và có khả năng di chuyển và phân tán trong mạng lưới đô thị.
- Nâng cao nhận thức xã hội của cư dân đô thị về động vật đô thị
Động vật hoang dã ở khu vực thành thị thường có những phản ứng trái chiều và gây ra thái độ trái ngược nhau. Vì vậy để phát triển thành công động vật đô thị cần nâng cao nhận thức cộng đồng để ngăn chặn nỗi sợ hãi về động vật hoang dã ở khu vực thành thị.
Khi lựa chọn các loài mục tiêu trong thiết kế và quy hoạch không gian, các nhà thiết kế nên xem xét các nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho việc tránh hoặc giảm thiểu xung đột giữa con người và động vật.
4. Kết luận
Trong phạm vi bài báo, tác giả đã trình bày một số nội dung cơ bản của chiến lược phát triển động vật đô thị nhằm góp phần thúc đẩy sự vận dụng trong tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đường phố tại các đô thị. Đây vẫn là một vấn đề mới và chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình tổ chức không gian đô thị của nước ta. Việc nhận thức vai trò của động vật đô thị và tổ chức cảnh quan đô thị lồng ghép phát triển sinh cảnh cho động vật đô thị sẽ là một chiến lược quan trọng nhằm phát triển các đô thị xanh bền vững, thân thiện và tăng cường sự kết nối cư dân đô thị với tự nhiên; là xu hướng tất yếu của thế kỉ 21 trong bối cảnh hiện nay thế giới đang phải đối mặt các vấn đề nghiêm trọng suy giảm chất lượng môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, chất lượng không gian sống của con người… mang tính toàn cầu.
Ths.KTS. Nguyễn Hoàng Linh
Bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch,
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
[1] Lowell W. Adams. 1994. Urban Wildlife Habitats: A Landscape Perspective. University of Minnesota Press
[2] Tina Lendi-Ziese. 2019. Landscape Architecture for Urban Wildlife. Independent Project in Landscape Architecture, A2E – Landscape Architecture Programme. Swedish University of Agricultural Sciences
Theo Tạp chí Kiến trúc