Thứ sáu, 19/04/2024 07:59 (GMT+7)

Dự án lấp vịnh Hạ Long: Làm kinh tế vẫn phải tôn trọng sinh thái

Hương Thơm -  Thứ bảy, 18/05/2019 08:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Việt Nam đã có một giai đoạn "lõm" xuống, phát triển kinh tế “ăn” vào môi trường, tức là mình phải hy sinh môi trường để tăng thu nhập cho người dân" - PGS.TS Đặng Ngọc Dinh.

Hạ Long tiếp tục lấp vịnh mở rộng đường bao biển.

Dự án do Nâng cấp, mở rộng tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả do UBND TP Hạ Long làm chủ đầu tư, sẽ cải tạo, chỉnh trang, mở rộng đường Trần Quốc Nghiễn - đoạn từ cầu Bài Thơ đến điểm đấu nối đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả (dài 4,7km) với 6 làn xe thay cho 4 làn xe hiện tại. Đường bao biển sẽ được thiết kế dài 2,4km, rộng 28m mở về phía biển, đồng nghĩa với việc 67.000m2 mặt nước biển sẽ bị lấp.

Tại vị trí cuối tuyến bố trí xây dựng bãi tắm công cộng Hòn Gai dài 900m và rộng từ 70 – 90m, theo quy hoạch phát triển bãi tắm phục vụ nhân dân và khách du lịch của TP.Hạ Long. TP.Hạ Long dự kiến thời gian thực hiện dự án trong 2 năm 2019 - 2020.

Trao đổi về những hệ lụy nếu nhà chức trách tỉnh Quảng Ninh đồng ý phương án lấn vịnh Hạ Long để mở rộng thêm đường bao biển, PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh - Chuyên gia Kinh tế Xã Hội - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES) bày tỏ sự lo ngại.

Ông Dinh cho rằng luôn tồn tại xung đột giữa việc mở mang kinh tế với việc gìn giữ sinh thái, gìn giữ môi trường, gìn giữ di sản văn hóa, cái đó đòi hỏi bản lĩnh của lãnh đạo địa phương, và điạ phương nào cũng tồn tại những xung đột đó.

PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh.

“Việt Nam đã có một giai đoạn "lõm" xuống, phát triển kinh tế “ăn” vào môi trường, tức là mình phải hy sinh môi trường để tăng thu nhập cho người dân. Phát triển kinh tế và sản xuất làm ra sản phẩm, nên đôi khi phải xâm hại đến rừng, biển, xâm hại đến đa dạng sinh học. Nhưng thời ấy qua rồi, Việt Nam đã trở thành một nước phát triển với thu nhập ở mức trung bình, Việt Nam đã có điều kiện hơn, kinh tế mạnh hơn thì vấn đề môi trường cũng phải tương ứng với những gì mình kêu gọi, khích lệ về kinh tế. Phải làm sao không ảnh hưởng tới môi trường, không ảnh hưởng tới di sản nữa”, ông Dinh bày tỏ.

Sự lo ngại của PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh không phải là không có cơ sở, thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh cho thấy có dày đặc số lượng các dự án mọc lên theo kiểu "ăn theo" tuyến đường bao biển. Tổng số các dự án là 33 dự án, trong đó, 8 dự án đã được chấp thuận chủ trương nghiên cứu quy hoạch, 25 dự án đã được phê duyệt quy hoạch. Theo tìm hiểu, tổng chiều dài toàn tuyến đường bao biển nối TP.Hạ Long – Cẩm Phả là 18,69km thì có 13 dự án thuộc địa phận Hạ Long; 20 dự án thuộc địa phận Cẩm Phả. Đây là những bước tiến lớn trong việc phát triển quy hoạch, đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh, nhưng đồng thời cũng gây ra nguy cơ xâm hại đến môi trường, không gian tự nhiên của bờ vịnh được UNESSCO công nhận là kỳ quan thế giới.

Ông Dinh cũng chia sẻ thêm rằng đã có thời điểm UNESCO "ca thán" vì Hạ Long ưu tiên phát triển kinh tế nên khai thác quá mức. Đó là lý do ông luôn nhấn mạnh phải tôn trọng sinh thái và phát triển kinh tế bền vững. Bất kể dự án nào cũng phải có tính toán, có quy hoạch cụ thể, kiên quyết thực hiện theo hướng phát triển bền vững. Phải làm sao không xâm lấn mà vẫn giữ được hình ảnh Hạ Long luôn đẹp trong mắt người dân trong nước và quốc tế, cộng đồng luôn nhớ đến Hạ Long là một di sản văn hóa độc đáo.

Bạn đang đọc bài viết Dự án lấp vịnh Hạ Long: Làm kinh tế vẫn phải tôn trọng sinh thái. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.