Thứ sáu, 19/04/2024 04:58 (GMT+7)

Dự án BT: Bài toán đấu thầu hay chỉ định thầu?

HÀ ANH -  Thứ tư, 27/06/2018 09:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều ngày 26/6 tại Hội nghị giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, bài toán về đấu thầu hay chỉ định thầu của các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT đang được mang ra “mổ xẻ”.

“Phạm vi nghiên cứu quy hoạch đến thực tế giao đất còn cách nhau xa lắm!”

Từ năm 2013 trở về trước, UBND Thành phố đã cho phép các nhà đầu tư nghiên cứu triển khai 63 dự án theo hình thức BT tập trung vào các lĩnh vực giao thông, hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung, chống ô nhiễm môi trường.

Trong đó có 05 dự án đã hoàn thành; 07 dự án đã ký hợp đồng, đang triển khai; 09 dự án đã giao nhà đầu tư đề xuất dự án, tiếp tục triển khai; 42 dự án dừng thực hiện theo hình thức hợp đồng BT.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường khẳng định: "phạm vi nghiên cứu quy hoạch đến thực tế giao đất còn cách nhau xa lắm”.

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh các dự án BT như: Tại sao Hà Nội đồng ý cho chỉ định thầu? Tại sao không tiến hành đấu thầu để công khai và minh bạch hơn?

Những tiêu chí nào xét chọn doanh nghiệp được chọn giao dự án BT? Giải pháp của Hà Nội để đảm bảo các dự án hoàn thành đúng tiến độ? Hay hiệu quả của các tuyến đường theo hình thức BT như thế nào?

Được biết, đây là hình thức đầu tư tư nhân quan trọng cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng. Việc lựa chọn chủ đầu tư, hay chỉ định thầu đều đã được TP Hà Nội xem xét và chỉ đạo kỹ lưỡng.

Theo đó, trên thực tế diện tích để nghiên cứu phục vụ cho 5 dự án BT này chỉ xấp xỉ 270 ha. Một số Báo chí, trang mạng điện tử có thông tin liên quan đến dự án BT và quỹ đất thanh toán cho dự án chưa chính xác như: (dự án Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5 dài 1,6 km đối ứng 60 ha đất.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường quốc lộ 6 giá trị công trình BT hơn 8000 tỷ, Thành phố giao đất đối ứng hơn 400 ha đất, giá mỗi mét vuông 2 triệu đồng) dẫn đến sự hiểu chưa chính xác, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dư án.

Tại buổi giao ban, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết: “270 ha không có nghĩa là ta mang nguyên 270 ha này để chúng ta đổi lấy chừng này Km đường. Nói như ngườiPhát ngôncủa Chánh Văn phòng UBND Thành phốcao lắm chỉ lên tới 26% thôi, 270 ha là 270 ha trong phạm vi nghiên cứu, còn từ phạm vi nghiên cứu quy hoạch đến thực tế giao đất còn cách nhau xa lắm”.

Dựa trên đó còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phạm vi nghiên cứu như: xử lý và điều chỉnh các phần diện tích của quy hoạch cũ, các phần chồng lấn…

Ngoài ra, để lựa chọn ra doanh nghiệp – nhà đầu tư dự án cho hợp đồng BT còn dựa vào các tiêu chí như: năng lực tài chính, năng lực quản trị giá, cam kết vốn…

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nghĩa khẳng định: “Những người làm công tác môi trường và quản lý đất đai như chúng tôi thì tiền giao bao nhiêu thì chúng tôi giao đất tương ứng bấy nhiêu. Không có cái chuyện là tiền của ông làm chỉ hết 10 ha mà giao tới 11 ha, không có!”

Câu chuyện đấu thầu và lời giải cho sự minh bạch?

Trả lời cho câu hỏi “tại sao không đem đấu giá đất để trả tiền cho nhà đầu tư mà lại đi đổi đất để lấy đường”, ông Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường nhấn mạnh đến hai yếu tố quan trọng nhất là chi phí trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng.

Được biết, mỗi năm chi phí trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội là trên 10.000 tỷ đồng. Chưa tính đến việc một bộ máy hành chính phục vụ đi kèm. Điều này cũng gây ra nhiều điểm hạn chế, gây lãng phí ngân sách.

Do đó, con đường nào thuận lợi nhất, ngắn nhất, đảm bảo các thủ tục hành chính nhất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhất, tiết kiệm nhất cho nhà nước đó chính là hình thức hợp đồng BT.

Giải thích về điều này, ông Nghĩa cho biết thêm:“Việc đấu giá không phải các cơ quan chuyên môn chúng tôi không suy nghĩ đến, UBND TP Hà Nội không phải không phải là không đặt đầu bài đó ra với chúng tôi, nhưng tính đi tính lại, xoay đi xoay lại nó không đơn giản.

Do đó thông qua con đường của nhà đầu tư, quản lý chặt chẽ bằng các thủ tục hành chính, bằng các quy định của pháp luật để siết chặt, làm đúng với các quy định của pháp luật vẫn ra tiền để phục vụ cho lợi ích xã hội, xây dựng hạ tầng giao thông. Vừa đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, vừa tiết kiệm ngân sách”.

Nói về mức độ minh bạch của hình thức hợp đồng BT, ông Nghĩa quả quyết: “Tất cả trình tự, thủ tục đều có sự giám sát chặt chẽ và quản lý hết sức ngặt nghèo dựa trên quá trình đề ra trước đó, nên khả năng tham nhũng, thất thoát trong việc này là rất khó.

Thông qua một quy trình khép kín rất chặt chẽ nên chúng tôi khẳng định không bao giờ có một giá đất tại một vị trí được xác định cho dự án BT lại thấp hơn đối với một dự án đất thương mại khác. Ở đây không có sự phân biệt và chênh lệch”.

Ông Phạm Quý Tiên - Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội.

Tại cuộc trao đổi, ông Phạm Quý Tiên - Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh và giải thích rõ về ngày ký hợp đồng, giá, thời gian giao đất: “Ngày ký hợp đồng là ngày giao đất và cũng là thời gian ấn định giá. Không có chuyện ngày mai điều chỉnh tăng, điều chỉnh giảm”.

Quá trình đầu tư, triển khai dự án đến hoàn thiện hợp đồng BT đã được cơ quan pháp luật giám sát chặt chẽ, thanh quyết toán tất cả đều được kiểm toán độc lập… Sai ở khâu nào, sai ở quá trình nào, nhũng nhiễu ở đâu thì ở quá trình đó phải chịu trách nhiệm của pháp luật.

Không thể phủ nhận hợp đồng BT sẽ đem đến nhiều hiệu quả cho việc kết nối giữa các tuyến đường vành đai 1, 2, 3, vành đai 3.5 sẽ đảm bảo lưu lượng lưu thông không bị dồn ứ, đảm bảo mật độ giao thông thoáng hơn. 

Bạn đang đọc bài viết Dự án BT: Bài toán đấu thầu hay chỉ định thầu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.