Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM: Nhà đầu tư mỏi mòn chờ gỡ khó
Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (thuộc Trung Nam Group) vừa có văn bản kiến nghị hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc tại Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1.
Một dự án quy mô 10.000 tỷ đồng, chỉ còn 7% khối lượng để hoàn thành nhưng vẫn chưa có lối ra khiến nguồn lực đầu tư bị lãng phí, sức khỏe nhà đầu tư bị mài mòn.
Theo Nhà đầu tư, Dự án có nhiều vướng mắc bởi các nguyên nhân khách quan, nằm ngoài khả năng giải quyết của doanh nghiệp, kéo dài và không được giải quyết khiến doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề về tài chính.
Theo tìm hiểu, Dự án được thực hiện một phần theo quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM. Mục tiêu của Dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Được khởi công vào ngày 26/6/2016, trong giai đoạn 2016 - 2020, Dự án đã hoàn thành khoảng 93% khối lượng công việc, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành 7% khối lượng công việc còn lại do các vướng mắc liên quan đến nguồn vốn.
Ngày 1/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP để tiếp tục triển khai thực hiện Dự án. Mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong đó có nội dung liên quan đến việc tháo gỡ các dự án BT chưa hoàn thành việc thanh toán quỹ đất.
“Đến nay, Dự án chưa thể triển khai thi công để hoàn thành các hạng mục còn lại do nhiều vướng mắc. Đầu tiên là công tác thanh toán hợp đồng BT gồm thanh toán quỹ đất cho Nhà đầu tư theo hợp đồng đã ký vẫn chưa được thực hiện trong khi quỹ đất đang có sẵn. Về thanh toán bằng tiền, Ngân hàng Nhà nước đã thu nợ của Ngân hàng BIDV hơn 4.000 tỷ đồng, trong khi UBND TP.HCM chưa thanh toán tiền cho Nhà đầu tư để trả nợ cho BIDV.
Tiếp theo, về nguồn vốn để thi công, Nhà đầu tư đã có văn bản gửi Chính phủ, Thành ủy, UBND TP.HCM để giải quyết tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn của Dự án. Sau nhiều buổi làm việc với Thành phố, Nhà đầu tư vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay mới.
Cuối cùng là việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, do tiến độ thực hiện kéo dài, mỗi ngày Dự án đang phát sinh 1,7 tỷ đồng tiền lãi vay. Do đó, cần phải song song thực hiện việc điều chỉnh tổng mức đầu tư (cập nhật phát sinh lãi trong thời gian kéo dài này) với các công việc hiện nay để rút ngắn tiến độ hoàn thành, tránh phát sinh thêm lãi vay. Đây là điều kiện cần thiết để hoàn thành Dự án”, Nhà đầu tư thông tin.
Việc xử lý dứt điểm các vướng mắc của Dự án này đã được đề cập trong cuộc họp đầu tháng 8/2024 tại trụ sở Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Dự án chủ trì. Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị UBND TP.HCM ghi nhận, tiếp thu ý kiến xác đáng của các thành viên Tổ công tác, Kiểm toán Nhà nước và các bộ, ngành tại cuộc họp để có phương án xử lý tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm lợi ích về kinh tế - xã hội, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư.
Đồng thời, Tổ công tác thống nhất không có căn cứ pháp lý để tiếp tục ban hành một nghị quyết mới của Chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay của Dự án như đề nghị của TP.HCM.
Đặc biệt, Tổ trưởng Tổ công tác giao Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo, rà soát các phần việc có liên quan đến các vướng mắc của Dự án, chủ động phối hợp với các bộ, ngành theo chỉ đạo trước đây của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và Tổ công tác để đề xuất lại với cấp có thẩm quyền phương án xử lý, tháo gỡ vướng mắc để Thành phố có thể tiếp tục triển khai thực hiện Dự án trong thời gian sớm nhất.
Theo Báo Đấu thầu